Là bang đi đầu xóa bỏ nhiên liệu hóa thạch tại Mỹ, chính quyền bang California đã công bố kế hoạch nhằm giảm thiểu lượng khí thải carbon gây ô nhiễm môi trường, mục tiêu đến năm 2035 toàn bộ ôtô mới bán ra không phát thải.

1 California Huong Toi Ban Oto Khong Phat Thai Vao Nam 2035

Nếu kế hoạch được thông qua, xe chạy xăng dầu sẽ không được bán mới ở Califorina từ năm 2035 - Ảnh minh họa: CNN

Mục tiêu này do thống đốc bang Gavin Newsom đề ra trong lộ trình giảm dần lượng xe mới bán ra không phát thải.

Nếu được Ban Tài nguyên không khí California (CARB) thông qua, đây sẽ trở thành "kim chỉ nam" cho nỗ lực giảm khí thải của tất cả các bang, bởi California hiện là thị trường tiêu thụ xe ôtô lớn nhất nước Mỹ với hơn 40 triệu người tiêu dùng. 

Lộ trình cụ thể là bang California sẽ tăng 1/3 số lượng xe mới bán ra không phát thải vào năm 2026 và tăng 2/3 vào năm 2030. 

Theo kế hoạch, CARB sẽ nhóm họp để đưa ra quyết định trong ngày 25-8. 

Ông Daniel Sperling - thành viên của CARB - tuần trước đã bày tỏ tin tưởng kế hoạch sẽ được phê chuẩn. Ông cho rằng đây là kế sách có tầm quan trọng không chỉ với California, mà với cả nước Mỹ và thế giới. 

Trong vài năm gần đây, nhiều nước và khu vực trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu, chú ý đến vấn đề ôtô gây ô nhiễm. 

Na Uy đề ra mục tiêu đến năm 2025, tất cả các loại ôtô mới bán ra đều không phát thải. 

Anh, Singapore và Israel đang hướng tới mục tiêu này vào năm 2030, trong khi Liên minh châu Âu (EU) muốn ngừng bán hoàn toàn ôtô vận hành bằng nhiên liệu hóa thạch từ năm 2035. 

Khí thải gia tăng từ các hoạt động của con người gây biến đổi khí hậu đã làm gia tăng nhiệt độ trung bình của Trái đất, kéo theo hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan và thảm họa thiên tai. 

Lâu nay, các nhà khoa học nhấn mạnh giảm thiểu phát thải khí từ nhiên liệu hóa thạch là yếu tố quyết định để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC