Ảnh chụp màn hình cho thấy một số nghị sĩ Mỹ sử dụng TikTok. Ở giữa là ông Jeff Jackson, dân biểu bang North Carolina - Ảnh: VOX
Ngày 1-3, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trao cho Tổng thống Joe Biden quyền cấm ứng dụng TikTok của Trung Quốc.
Dân biểu Cộng hòa Michael McCaul, chủ tịch ủy ban này và là người bảo trợ dự luật, tuyên bố: "TikTok là mối đe dọa với an ninh quốc gia. Đã đến lúc hành động".
Làn sóng cấm TikTok
Đây là diễn biến mới nhất với TikTok sau hàng loạt "đòn" mạnh tay gần đây của phương Tây. Đầu tuần này, Chính phủ Mỹ gia hạn 30 ngày cho mọi nhân viên liên bang xóa TikTok khỏi các thiết bị di động do chính phủ cấp.
Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã tạm cấm nhân viên dùng TikTok trên các thiết bị làm việc. Canada cũng tuyên bố cấm TikTok trên thiết bị do chính phủ cấp. Trong khi đó, Quốc hội Đan Mạch kêu gọi chính khách xóa TikTok khỏi điện thoại làm việc vì "nguy cơ gián điệp".
Tuy nhiên Bắc Kinh nói lệnh cấm TikTok cho thấy sự bất an của Mỹ và Washington đang lạm dụng quyền lực để chèn ép các công ty nước ngoài. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh mới đây đặt vấn đề: "Làm sao mà một siêu cường hàng đầu thế giới lại có thể sợ một ứng dụng yêu thích của giới trẻ như thế?".
Quốc hội Mỹ, Nhà Trắng, các lực lượng vũ trang Mỹ và hơn một nửa số bang của Mỹ đã cấm TikTok vì lo ngại khả năng công ty sở hữu ứng dụng là ByteDance sẽ cung cấp dữ liệu người dùng như lịch sử duyệt web, vị trí... cho Chính phủ Trung Quốc, hoặc thúc đẩy tuyên truyền cũng như các thông tin sai lệch có lợi cho Bắc Kinh.
Năm 2017, Trung Quốc thực thi luật mới yêu cầu các công ty cung cấp cho chính phủ bất cứ dữ liệu cá nhân nào liên quan đến an ninh quốc gia.
Hiện không có bằng chứng nào cho thấy TikTok đã chuyển các dữ liệu như vậy cho chính quyền Trung Quốc, nhưng phương Tây vẫn lo ngại vì TikTok đang nắm giữ một lượng lớn dữ liệu người dùng.
Ông Đinh Cương, Viện nghiên cứu tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, bình luận: "Mỹ chèn ép TikTok vì nó đã tóm được thị trường quốc tế".
Ông Đinh cho rằng Mỹ đã khởi xướng cuộc cạnh tranh với Trung Quốc ở hai cấp độ.
Một là hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc, làm suy yếu khả năng cạnh tranh của ngành sản xuất và công nghệ Trung Quốc, phá vỡ chuỗi cung ứng và chuỗi công nghiệp, nâng cấp công nghệ cao của Mỹ để công nghệ Trung Quốc không thể cạnh tranh với Mỹ trên thị trường toàn cầu.
Cấp còn lại là tận dụng các vấn đề an ninh và quyền con người để chung tay với các đồng minh đẩy công nghệ Trung Quốc ra khỏi thị trường quốc tế. "Sự chèn ép của Mỹ đối với Huawei, TikTok... đang diễn ra cùng lúc trên hai cấp độ đó" - ông Đinh cáo buộc.
"Mỏ vàng" cho chính khách
Kể từ khi ra mắt vào năm 2016, TikTok (phiên bản tại Trung Quốc là Douyin) được các chuyên gia truyền thông ca ngợi là "gã khổng lồ mạng xã hội đang say ngủ". Ứng dụng này trở nên phổ biến nhanh chóng vào năm 2020 và hiện có hơn 100 triệu người Mỹ sử dụng.
Giống như các nền tảng mạng xã hội khác, TikTok có tiềm năng trở thành "mỏ vàng" cho giới chính khách, theo tạp chí Vox. Thời gian qua, một số chính trị gia Mỹ đã sử dụng TikTok như một kênh thông tin chính thức hoặc để phục vụ chiến dịch tranh cử.
Dân biểu Jeff Jackson của bang North Carolina là ví dụ nổi bật nhất về khả năng sử dụng thành thạo "TikTok chính trị".
Ông không chỉ dùng TikTok để ghi lại hành trình từ lúc là ứng cử viên cho tới khi đắc cử, mà còn dùng nó để kết nối với các cử tri. Cũng thông qua TikTok, bà Katie Porter, dân biểu bang California, đã tiếp cận hàng ngàn người và chia sẻ quan điểm về nhiều vấn đề nóng hổi.
Tuy nhiên thời gian qua, thuật toán của TikTok, các phương thức thu thập dữ liệu, nguồn gốc Trung Quốc của ứng dụng này và những lo ngại về thông tin sai lệch... đã cản đường phát triển của nó. Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ sẽ cấm triệt để TikTok trong tương lai không?
Giáo sư Thẩm Dật, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Phúc Đán, cho biết hiện không có bằng chứng cho thấy TikTok là "mối đe dọa" với phương Tây và về cơ bản đây chỉ là nền tảng giải trí.
"Theo đó, lệnh cấm TikTok của Mỹ thật vô lý. Mỹ đang hành xử giống như ông vua trong truyện cổ tích Bộ quần áo mới của hoàng đế. Đừng hỏi tại sao hoàng đế không có quần áo trên người, chỉ là do ông ấy vô lý và gặp vấn đề về đầu óc" - giáo sư Thẩm Dật ví von, cho rằng Mỹ không dám nhìn vào sự thật.
Airbnb, Yahoo và LinkedIn... đã rời Trung Quốc
Theo Hãng tin AP, trong khi Mỹ và một số nước mạnh tay với TikTok, các hãng công nghệ phương Tây như Airbnb, Yahoo và LinkedIn... cũng đang rút khỏi Trung Quốc hoặc thu hẹp quy mô hoạt động vì luật bảo vệ dữ liệu cá nhân trên mạng nghiêm ngặt của Bắc Kinh - vốn quy định cách thức các công ty có thể thu thập và lưu trữ dữ liệu.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online