Mỹ thông báo chi "khủng" nhằm phát triển một hệ thống vệ tinh chuyên theo dõi và dự đoán "đường đi nước bước" của tên lửa siêu vượt âm đối thủ.

1 My Chi 13 Ty Usd Che Tao Vu Khi Bat Bai Ten Lua Sieu Vuot Am Nga Trung

Hình ảnh mô phỏng cơ chế hoạt động của hệ thống vệ tinh theo dõi tên lửa siêu vượt âm (Ảnh: SDA).

Cơ quan Phòng thủ Vũ trụ Mỹ (SDA) hôm 18/7 đã công bố kế hoạch trị giá 1,3 tỷ USD nhằm phát triển và đưa 28 vệ tinh cỡ nhỏ vào không gian để giúp theo dõi các loại vũ khí tiên tiến của đối thủ Nga và Trung Quốc như tên lửa siêu vượt âm. Kế hoạch này được chia ra làm 2 hợp đồng và 2 nhà sản xuất L3Harris và Northrop Grumman đã trúng thầu.

Nhiệm vụ của 2 nhà thầu là nhằm phát triển "Hệ thống theo dõi 1" của SDA, bao gồm 28 vệ tinh trong Quỹ đạo Trái đất thấp (LEO). Mỗi công ty sẽ chế tạo 14 vệ tinh cho chương trình của SDA. Các vệ tinh dự kiến sẽ được phóng vào năm 2025.

Sau khi được đưa lên LEO, "Hệ thống theo dõi 1" sẽ là hệ thống phòng thủ đầu tiên của Mỹ cho phép phát hiện và theo dõi tên lửa trên phạm vi toàn cầu. Hiện tại, Mỹ có các vệ tinh địa tĩnh có thể phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa và tầm ngắn nhưng không có khả năng theo dõi các tên lửa mới nhất như phương tiện bay siêu vượt âm (HGV).

"Trước đây, chúng tôi chưa có các vệ tinh theo dõi và phát hiện các phương tiện siêu vượt âm", Giám đốc SDA Derek Tournear chia sẻ.

Theo ông Tournear, các vệ tinh Mỹ đang phát triển có thể theo dõi các tên lửa siêu vượt âm di chuyển nhanh "trong toàn bộ chuyến bay" và đưa ra dự báo về hướng di chuyển của chúng.

Động thái của Mỹ diễn ra trong bối cảnh họ nhiều lần thừa nhận đang chậm chân hơn Nga và Trung Quốc trong cuộc đua phát triển vũ khí siêu vượt âm. Vì vậy, để bắt kịp và vượt đối thủ, Mỹ cần phải phát triển cả tên lửa và hệ thống theo dõi tên lửa siêu vượt âm cũng như biện pháp để đánh chặn dòng vũ khí bay nhanh ít nhất gấp 5 lần tốc độ âm thanh này.

Ý tưởng chung của mạng lưới vệ tinh Mỹ đang phát triển là theo dõi liên tục tên lửa đối thủ. Khi vệ tinh đầu tiên phát hiện ra mối đe dọa, nó sẽ truy vết cho tới khi mất dấu. Trong thời gian đó, nó sẽ truyền thông tin cho các vệ tinh khác để chúng có thể theo kịp tốc độ di chuyển của tên lửa siêu vượt âm nhằm không để lọt mục tiêu.

Theo The Drive

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC