Nếu đáp thành công, sứ mệnh IM-1 sẽ đánh dấu lần đầu tiên một tàu vũ trụ Mỹ hạ cánh xuống Mặt Trăng kể từ sau Apollo 17 năm 1972, và ghi danh công ty tư nhân đầu tiên có thiết bị lên được Mặt Trăng.

1 Tau Do Bo Tu Nhan Odysseus Cua My Di Vao Quy Dao Mat Trang

Hình ảnh tàu đổ bộ Mặt Trăng Odysseus. (Nguồn: Intuitive Machines)

Ngày 21/2, thiết bị đáp xuống bề mặt Mặt Trăng của công ty tư nhân Intuitive Machines (Mỹ) đã đi vào quỹ đạo của Mặt Trăng và chuẩn bị thực hiện “cú hạ cánh” đầu tiên của Mỹ sau hơn 50 năm.

Nếu thành công, sứ mệnh này còn đánh dấu lần đầu tiên tàu do một đơn vị tư nhân phát triển lên đến Mặt Trăng.

Thiết bị đáp Nova-C 6 chân, còn được biết đến với tên gọi tàu đổ bộ Odysseus, đã được đưa vào quỹ đạo cách bề mặt Mặt Trăng 92km sau khi kích hoạt động cơ đẩy tên lửa chính trong gần 7 phút để đưa tàu vào quỹ đạo mục tiêu.

Nếu mọi thứ diễn ra đúng dự tính, tàu sẽ giảm dần quỹ đạo trong 24 giờ tiếp theo và đáp xuống miệng hố Malapert A gần cực Nam của Mặt Trăng vào khoảng 22h49 GMT ngày 22/2, khoảng 5h sáng 23/2 (giờ Việt Nam).

Tàu mang theo bộ thiết bị khoa học và công nghệ của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).

Odysseus khởi động sứ mệnh “IM-1” lên Mặt Trăng ngày 15/2, xuất phát từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Canaveral, bang Florida, với sự trợ giúp của tên lửa Falcon 9 do công ty SpaceX phát triển.

Nếu đáp thành công, sứ mệnh IM-1 sẽ đánh dấu lần đầu tiên một tàu vũ trụ Mỹ hạ cánh có kiểm soát xuống bề mặt Mặt Trăng kể từ sau Apollo 17 năm 1972 đồng thời ghi danh công ty tư nhân sản xuất và vận hành phương tiện vũ trụ thương mại đầu tiên có thiết bị lên được Mặt Trăng.

Đáng chú ý, đây cũng sẽ là “trái ngọt đầu tiên” từ Chương trình Khám phá Mặt Trăng Artemis của NASA trong bối cảnh Mỹ chạy đua để đưa phi hành gia lên Mặt Trăng trước Trung Quốc.

Tháng trước, NASA tuyên bố lùi thời hạn thực mục tiêu đưa tàu chở phi hành gia đầu tiên trong chương trình Artemis lên Mặt Trăng từ năm 2025 sang năm 2026. Trung Quốc đặt thời hạn 2030 cho mục tiêu này.

Nhiệm vụ chính của Odysseus nếu đáp được xuống bề mặt Mặt Trăng là khảo sát môi trường, các tài nguyên và nguy cơ tiềm ẩn để chuẩn bị cho sứ mệnh đưa người lên Mặt Trăng.

Trước đó, công ty tư nhân khác của Mỹ là Astrobotic Technology đã không thể thực hiện thành công sứ mệnh đưa thiết bị Peregrine đáp xuống bề mặt Mặt Trăng.

Nguyên nhân thất bại được cho là do rò rỉ trong hệ thống tạo lực đẩy. Hai công ty tư nhân khác từ Israel và Nhật Bản từng cố gắng thực hiện sứ mệnh tương tự cũng đã thất bại./.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC