Mỗi lần tới Boston, Vương Duy đều ghé thăm khuôn viên trường đại học Harvard.
Trong trường Harvard, thật khó để có thể bắt gặp cảnh sinh viên tán tỉnh nhau hay những sinh viên chăm chăm dán mắt vào màn hình điện thoại.
Phổ biến nhất vẫn là hình ảnh những người trẻ tuổi im lặng đọc sách, nghiêm túc suy ngẫm vấn đề dưới bóng cây hoặc là từng nhóm thầy trò thảo luận bài học trên bãi cỏ.
Ấn tượng sâu sắc nhất mà Harvard để lại cho Vương Duy là trường có rất nhiều thư viện.
Theo thống kê, toàn trường có hơn 100 thư viện. Biểu ngữ của hầu hết các thư viện là: “Nếu bạn muốn có được kiến thức mới, hãy đến và chăm chỉ đọc sách; Nếu bạn chọn sự tầm thường, vậy thì hãy đi ngủ!”
Có người khuyên Vương Duy dậy sớm để đến xem thư viện Harvard vào lúc 4h30 sáng.
Hôm ấy, Vương Duy đã đến một thư viện của Harvard vào đúng 4h30 sáng. 4h30 sáng ở Boston, trời vẫn còn tối đen. Tuy nhiên, thư viện của Harvard lại sáng rực ánh đèn.
Có không ít sinh viên đã đến thư viện từ sớm, ngồi im lặng và bắt đầu chăm chỉ đọc sách, học tập. Về sau Vương Duy phát hiện ra rằng mọi thư viện của Harvard đều sáng đèn, hôm nào cũng vậy.
Thư viện trường Đại học Harvard.
Hôm ấy, khi mặt trời vừa lên, trên một con đường lớn trong khuôn viên trường, Vương Duy gặp được sinh viên A người Thiên Tân tới Harvard học tiến sĩ.
Vương Duy cũng đến từ Thiên Tân nên hai người nhanh chóng tìm được tiếng nói chung. Họ cùng nhau chạy bộ, nói về cảm nhận cũng như sự cảm động của Vương Duy với thời điểm 4h30 sáng tại Harvard.
Thế nhưng người kia nghe xong cảm nhận của Vương Duy đã có quan điểm khác biệt. A nói, chăm chỉ chịu khó là đặc điểm của sinh viên Harvard, nhưng mà 4h30 sáng dậy học bài thì cũng chỉ là số ít, nếu nói tinh thần của Harvard là “4h30 sáng”, sẽ chẳng khác nào chuyện cười!
Bởi vì thứ quan trọng hơn chăm chỉ chính là “sức học tập”, là động lực học, thái độ học hỏi, khả năng tiếp thu, năng suất học tập, quan trọng nhất là phải trang bị tư duy đổi mới và năng lực sáng tạo.
A nói, bước vào Harvard thì tức là bạn đã chọn Harvard, chứ không phải là Harvard chọn bạn.
A trẻ hơn Vương Duy rất nhiều, nhưng lời A nói khiến Vương Duy cảm thấy sốc.
A nói, từ ngày đầu tiên anh ta đến Harvard, giáo viên hướng dẫn đã nói cho anh về những quy tắc của Harvard, đó là: Tự giác, tự giác và tự giác hơn nữa!
Nói cụ thể thì mỗi một sinh viên đều phải vạch sẵn kế hoạch dài hạn cho riêng mình. Kế hoạch dài hạn là sự nghiệp mà mình phấn đấu cả đời, kế hoạch ngắn hạn là mỗi ngày đều có cách sinh hoạt và lịch trình học riêng, hơn nữa còn phải thật kiên trì, nghiêm túc thực hiện, tuyệt đối không được bớt xén.
Sau đó, A mở điện thoại ra cho Vương Duy xem lịch trình trong ngày của mình.
6 giờ sáng thức dậy, 10 giờ tối lên giường ngủ. Giữa hai mốc đó có thời gian ăn cơm, thời gian lên lớp, thời gian làm bài tập, thời gian nghe “bài giảng hạnh phúc”, thời gian rèn luyện sức khóe, trước khi ngủ còn phải kiểm tra xem hiệu quả của một ngày theo lịch trình ra sao.
Lịch trình A sắp xếp rất có thứ tự, vô cùng chặt chẽ.
Vương Duy không kìm được thắc mắc, anh hỏi: “Làm theo sắp xếp như này thì liệu có mệt mỏi quá không?”
A trả lời: “Cuộc sống cần có kế hoạch, lịch trình cần có sắp xếp. Phải làm cho cẩn thận và nghiêm túc thực hiện. Đặt ra mục tiêu cho cuộc sống, từ mục tiêu nhỏ tạo thành mục tiêu lớn.
Vậy là cuộc đời sẽ nối liền thành một quá trình suôn sẻ, thành công liên tục. Có thành công thì sẽ có niềm vui. Bởi vậy thực hiện lịch trình hằng ngày không phải là cực hình, mà là một quá trình hưởng thụ rất vui vẻ.”
“Xin lỗi, tôi phải đi thực hiện kế hoạch tiếp theo đây!” A xem đồng hồ rồi nói lời chào Vương Duy.
Cuộc sống không có phép màu mà cần phải dựa vào ý thức tự giác. Tự giác là một kiểu trật tự và quy tắc. Harvard không có bí mật, mọi thứ dựa vào vào sự tự giác và quy tắc.
Nguồn: Kenh 14