Cuộc sống có vô vàn cạm bẫy và cám dỗ, chỉ cần bạn nhìn thấu, không động chạm vào chúng thì cả đời chắc chắn sẽ an yên!

Một người thực sự có phúc, được trời cao ưu ái không nhất thiết phải là một người giàu có. Bởi vì chữ Phúc, cốt lỗi chính là hạnh phúc. Có được một cuộc sống an bình, hạnh phúc mới chính là phúc do ông trời ban tặng. Mà người giàu, đôi khi họ lại chẳng có được mấy chữ an bình, hạnh phúc đó. Kẻ không có nhiều tiền, ấy mà lại thong dong. Cho nên phúc khí không phải đo lường bằng tiền bạc.

Trên thực tế, đối với con người, một đời không có mất mát gì quá nhiều, một ngày có đủ 3 bữa ăn, không nợ nần, không bị bất kỳ thứ gì điều khiển, vậy đã được tính là phúc rồi.

Để có được loại phúc khí này, phải nhờ vào chính chúng ta tạo nên. Tiếp xúc với nhiều người trí huệ, tôi nhận ra, sở dĩ họ đều gặt hái được những cuộc đời an yên, tự tại là do họ đã không động đến 3 thứ này. Xem thử xem bạn có từng động đến hay không nhé!

1. Thói quen xấu

Ai trong chúng ta cũng đều đã từng hoặc đang có thói quen xấu, đã là con người thì khó mà tránh khỏi việc này. Mà thật ra, làm gì có sự tồn tại của 2 chữ "hoàn hảo". Nếu đó chỉ là một thói quen xấu nhỏ, thì nó vô hại. Nhưng nếu, đó là một loạt các thói quen xấu tai hại thì rất là đáng báo động đỏ.

Khi đó, bạn phải đủ tỉnh táo để loại bỏ những thói quen xấu đó ngay. Nếu không, bạn sẽ tự tay vứt đi phúc khí của chính mình. Sức khỏe, nhân phẩm có thể cũng sẽ đánh mất. Thậm chí còn ảnh hưởng đến công việc gia đình.

1 Nguoi That Su Co Phuc Ca Doi Thuong 3 Khong Dong Cang It Dong Cham So Menh Cang Tot

Ví dụ, một số người có thói quen thức khuya chỉ để chơi điện thoại. Theo thời gian, thị lực chắc chắn sẽ giảm và tiềm ẩn các nguy cơ về bệnh tim. Ngay cả phản ứng của não cũng sẽ trở nên trì trệ hơn.

Thật ra các thói quen sinh hoạt của con người thường được hình thành để đáp ứng một nhu cầu nào đó trong cuộc sống. Mà các thói quen xấu đa phần được hình thành để thỏa mãn tâm sinh lý, giải tỏa căng thẳng. Ví dụ, uống rượu để giải tỏa căng thẳng, hoặc ngủ muộn là vì lo lắng, một loại trốn tránh tương lai.

Thật ra, nó sẽ không bị gọi là thói quen xấu, nếu chúng ta thi thoảng mới làm chúng chỉ để giải tỏa căng thẳng, hoặc một loại hình thức tự thưởng cho bản thân. Nó chỉ được gọi là thói quen xấu khi chúng ta thực hành nó nhiều lần trong một thời gian dài. Đến một mức độ nó bắt đầu ảnh hưởng xấu lên các khía cạnh cuộc sống của mình.

Nếu có căng thẳng và lo lắng trong cuộc sống, bạn hãy giải quyết nó một cách tích cực, dù cho có những giây phút nuông chiều bản thân thì cũng nên nhớ đừng để nó trở thành một chất gây nghiện đối với bạn.

2. Người có nhân phẩm không tốt

"Chọn bạn mà chơi" chính là lời răn dạy quen thuộc của ông bà ta từ xưa đến nay. Có thể thấy việc chọn người đồng hành là quan trọng đến mức nào. Ngoài bạn bè thì đối tác, thậm chí là họ hàng thân thích, chúng ta cũng nên chọn lựa kỹ càng rồi mới giao du.

Và tiêu chí để sàng lọc chính là dựa trên nhân phẩm, tính cách của họ. Lựa chọn sai không chỉ khiến bạn không thoải mái khi tiếp xúc, mà còn ảnh hưởng đến quỹ đạo cuộc sống của bạn, kéo theo rất nhiều tai hại.

Tôi có một người họ hàng, chỉ vì giao du với bạn xấu nên đã khiến cho gia đình anh ấy xào xáo, mối quan hệ người thân dần bị rạn nứt. Người bạn đó của anh ấy rất thích gieo rắc bất hòa cho người khác, sau đó thừa cơ trục lợi.

Kết quả là người họ hàng đó của tôi cũng đã bị người bạn xấu kia đồng hóa thành công, trở thành một người ưa thích trục lợi, phàm chuyện gì cũng chỉ biết đến tiền. Vì tính cách đó mà về sau anh ấy cũng đã gây hấn với nhiều người hơn, tự rước tai họa vào thân.

Người thông minh sẽ không bao giờ kết bạn với những người có vấn đề lớn về nhân phẩm. Bởi vì những người đó sẽ làm ô nhiễm thân tâm và ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

3. Tiêu xài hoang phí

Người trưởng thành thường có một chủ đề quen thuộc đó chính là quản lý tài chính. Chúng ta ăn uống, ăn mặc, đi lại, vui chơi, đầu tư cho tương lai,... đều cần đến tiền. Cho nên có thể nói, quản lý tài chính là một "hệ điều hành" cuộc sống của chúng ta, chỉ cần một sai lầm sẽ dẫn theo một chuỗi các vấn đề lớn nhỏ chạy theo sau.

Tôi có một số người quen, vì thói quen tiêu tiền quá tay mà ngày càng trở nên khoe khoang, kiêu ngạo. Chuyện gì cũng lấy tiền ra làm thước đo, hơn nữa còn xem thường những người xung quanh. Tuy nhiên, họ cũng thường xuyên tự đào rỗng ví của mình, sau đó lại phải tìm khắp nơi để vay nợ, trang trải cuộc sống. Một thời gian sau, bạn bè đều vì tính cách đó mà xa lánh họ.

Thói quen chi tiêu của người trưởng thành phản ánh tính kỷ luật tự giác của họ. Một người không có kỷ luật tự giác, buông thả vô độ thì đương nhiên không thể nào đạt được một cuộc sống chất lượng. Ông trời dù có muốn giúp đỡ cũng phải bó tay.

Theo Phụ nữ số




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC