Năm 1950, trở về sau thất bại trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai, nền kinh tế của Nhật Bản rơi vào tình trạng khủng hoảng và bắt đầu lụn bại. Chính vì vậy, họ chỉ tập trung vào sản xuất các sản phẩm bình dân, bắt chước những phát minh của các nước châu Âu mà chất lượng lại không được chú trọng.
Đến tận những năm 60 của thế kỷ trước, nhận thức được tầm quang trọng của nhu cầu khách hàng, các doanh nghiệp đã thay đổi quan điểm và cho rằng chất lượng tốt mới có thể giúp họ tồn tại lâu dài và phát triển. Nhờ đó mà khẩu hiệu “Chất lượng gắn liền với danh dự của quốc gia” đã ra đời, đồng thời họ cũng tung ra những sản phẩm tốt, chất lượng cao, được kiểm tra nghiệm ngặt để phục vụ khách hàng.
"Chất lượng gắn liền với danh dự quốc gia" chính là khẩu hiệu của các doanh nghiệp Nhật
Thành quả mà họ đã gặt hái được hết sức rõ rệt. Đến khoảng những năm 1990, nền kinh tế Nhật Bản không những đã khôi phục lại được, mà còn đạt mức thu nhập bình quân tính theo đầu người GDP là 23.796 USD, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Thụy Sỹ (29.850 USD).
Như vậy, từ một nước chiến bại, bị chiến tranh tàn phá, dân số đông, lương thực, thực phẩm rất thiếu thốn, nhưng chỉ sau vài ba thập kỉ, Nhật Bản đã vươn lên thành một nước siêu cường kinh tế và được gọi là “Thần Kỳ Nhật Bản”.
"Nét như Sony, đẹp như Panasonic" là câu nói hiện lên trong đầu nhiều người mỗi khi nhắc tới Tivi
Người Việt Nam chúng ta cũng không còn quá xa lạ với hàng “Made in Japan”. Không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta mỗi khi nhìn thấy một chiếc xe máy đều gọi nó là xe Honda, lựa chọn Tivi là phải “Nét như Sony, đẹp như Panasonic”, hay “tủ lạnh Electrolux – Sài cả đời không hư”. Các sản phẩm đến từ Xứ sở Hoa anh đào đã rất thành công trong việc chiếm được cảm tình của dân ta bằng ấn tượng “cứ hàng Nhật là tốt, là bền.”
Vậy tại sao mà cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam chúng ta lại có niềm tin về các sản phẩm của Nhật như vậy? Nhờ đâu mà họ làm nên điều thần kỳ này? Chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu.
Chất lượng sản phẩm cao
Đây chính là điều đóng góp lớn nhất vào sự thành công cho các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản. Triết lí kinh doanh: nói ít, làm nhiều; sản phẩm chất lượng phải được vun trồng từ gốc đã ăn sâu vào từng doanh nghiệp, là cội rễ thành công của các doanh nghiệp này. Từ cung cách quản lí, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm theo chuẩn riêng biệt và đòi hỏi sự tuân thủ gắt gao đã tạo nên sự thành công cho những doanh nghiệp Nhật.
Tất cả những sản phẩm doanh nghiệp Nhật làm ra từ đồ thực phẩm, mỹ phẩm, sữa, hàng tiêu dùng gia dụng, hàng điện tử, công nghệ, xe cộ,… đều được người tiêu dùng đón nhận một cách nồng nhiệt, an tâm, tin tưởng nhất vì đơn giản doanh nghiệp Nhật đặt uy tín thương hiệu, chất lượng sản phẩm lên hàng đầu.
Các nhà sản xuất Nhật Bản quan niệm rằng, càng ngày con người sẽ dần dần chọn cho mình những sản phẩm có chất lượng tốt để phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của mình. Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp cung cấp những sản phẩm có chất lượng kém, chắc chắn rằng doanh nghiệp đó sẽ không thể có được sự phát triển, sự thành công một cách bền vững.
Uy tín là số 1
Ở Nhật Bản, việc giữ chữ tín đã trở thành một nét văn hóa, nghĩa là bất cứ ai cũng có ý thức về việc này. Ý thức đó được nuôi dưỡng ngay từ khi còn nhỏ từ sự giáo dục của gia đình. Trong một xã hội mà ai cũng giữ chữ tín như vậy, nếu có ai không tuân thủ, chắc chắn sẽ rất được chú ý theo hướng tiêu cực. Và như vậy, họ nhanh chóng đánh mất hình ảnh của mình trước mọi người.
Có một câu chuyện về uy tín của các doanh nghiệp như sau:
Công ty A là công ty lớn nhất của Nhật Bản về ngành mỹ phẩm bị khách hàng khiếu nại là mua phải một hộp xà bông mà bên trong không có xà bông, chỉ là 1 hộp rỗng. Ngay khi nhận được thông tin từ khách hàng, đội ngũ quản lý chất lượng lập tức tiến hành lập phiếu báo cáo, điều tra nguyên nhân và đề ra hướng khắc phục sự cố.
Chuyên gia chất lượng tại công ty A đã đề xuất mua một hệ thống X Quang để chụp toàn bộ hoạt động của dây chuyền sản xuất, tuyển 2 người giám sát hệ thống soi chiếu nhằm đảm bảo tất cả những hộp xà phòng không còn bị lỗi “không có xà phòng trong hộp” như khách hàng đã nêu.
Việc này đã thành công, khách hàng không còn phàn nàn nữa và chuyên gia quản lý chất lượng trên rất hả hê vì đã giải quyết rốt ráo vấn đề.
Tuy nhiên, tại một công ty nhỏ tại Nhật, công ty B cũng xảy ra tình trạng tương tự. Do là công ty nhỏ, không thể có năng lực tài chính để có thể mua cả 1 hệ thống X Quang cũng như không thể thuê 2 nhân viên chỉ để giám sát hệ thống X Quang nhằm tránh xảy ra lỗi trên. Do đó, giám đốc công ty đã tìm cách giải quyết. Cuối cùng, ông mua về 1 quạt gió công nghiệp loại lớn và cho thổi vào dây chuyền đóng gói. Những hộp xà phòng nào không có xà phòng bên trong lập tức bị quạt gió thổi bay xuống chuyền. Không cần ai vận hành cũng không hề tốn kém. Kết quả là công ty B cũng đã giải quyết được vấn đề mà khách hàng phàn nàn trên.
Sau khi nghe câu chuyện, có 3 vấn đề mà chúng ta cần suy ngẫm về phong cách Nhật Bản:
Thứ 1: Đối với những lỗi nhỏ mà khách hàng phàn nàn, họ sẵn sàng đầu tư rất lớn để giải quyết những vướng mắc trên. Dù thiếu xà phòng trong hộp là rất nhỏ, nhưng họ sẵn sàng bỏ hàng chục ngàn USD để đầu tư hệ thống X Quang giám sát. Họ không vì lợi nhuận hay vì cạnh tranh giá cả mà giảm đi yếu tố “chất lượng” vốn đã dày công tạo dựng nên lòng tin ở người tiêu dùng từ trước đến nay.
Thứ 2: Trong cái khó ló cái khôn Công ty B do không đủ nguồn lực, nên đã tìm 1 cách khác sáng tạo hơn và hầu như không tốn kém. Đây là một trong những điểm thể hiện sự thông minh và uyển chuyển của các công ty Nhật Bản.
Thứ 3: Những điển tích như trên được các công ty Nhật Bản thông tin cho nhau một cách nghiêm túc để rút kinh nghiệm. Và chính công ty A về sau đã chuyển dây chuyền X Quang sang một công đoạn khác để kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu vào và dùng cách của công ty B để giải quyết trường hợp của mình.
Tính cầu toàn
Các công ty Nhật đầu tư rất nhiều vào máy móc
Cầu toàn là một trong những đức tính đáng học tập của người Nhật Bản. Họ luôn muốn những gì mà mình “làm ra, ăn vào” đều phải là tốt nhất. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản không ngại đầu tư những khoản tiền lớn để nâng cấp máy móc, trang thiết bị sản xuất, mua về những nguyên vật liệu tốt nhất để tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt.
Tuy nhiên điều này lại khiến giá thành sản phẩm bị “độn” lên cao, hơn nữa, khi chúng được xuất khẩu sang nước ngoài lại phải chịu thêm một mức thuế quan không nhỏ, góp phần đẩy giá bán lên cao hơn nữa. Bù lại, người dùng có thể hoàn toàn yên tâm khi lựa chọn những sản phẩm đến từ đất nước hoa anh đào này.
Chế độ và các triết lý làm việc
Chế độ tuyển dụng trọn đời là một trong những điểm mạnh của xứ sở hoa anh đào
Tuyển dụng trọn đời và lương dựa vào thâm niên là một chế độ rất đặc thù tại Nhật Bản, mà theo nhiều ý kiến, đó chính là nền tảng cho sự phát triển thần kỳ của Nhật sau khi bại trận trong Thế chiến lần thứ hai.
Chế độ thuê suốt đời nghĩa là nhân viên được công ty tuyển dụng, sau khi thử việc và nhận định là đạt sẽ được làm nhân viên chính thức. Sau đó nếu không có vấn đề cá nhân thì nhân viên thường không bị sa thải, họ có thể được công ty thuê làm việc cho đến khi nghỉ hưu.
Chế độ thuê suốt đời có tác dụng rất lớn đối với doanh nghiệp Nhật Bản. Đầu tiên, nó giải tỏa được nỗi lo nhân viên thất nghiệp, thúc đẩy họ có thái độ tích cực đối với công việc và đãi ngộ, hướng đến kế hoạch lâu dài chứ không vì lợi ích trước mắt, từ đó giúp hóa giải mâu thuẫn do việc tăng lương và thăng chức gây ra, giúp phát huy tính chủ động và tính tích cực của nhân viên, nâng cao năng suất lao động. Tiếp theo, nó giúp bồi dưỡng tinh thần chủ nghĩa tập thể cho nhân viên, nhờ vậy mà doanh nghiệp tiến hành đào tạo nhân viên một cách có kế hoạch theo từng bước cụ thể. Cuối cùng, nó thúc đẩy chủ doanh nghiệp không ngừng cải thiện trình độ quản lý để giải quyết vấn đề thừa nhân lực do kỹ thuật tiến bộ.
Kết luận
Ông Shojiro Ishibashi - nhà sáng lập ra hãng Bridgestone
Cội nguồn niềm tin tiêu dùng mà doanh nghiệp Nhật tạo dựng được là nhờ tác phong, cung cách quản lý kinh doanh cũng như quy trình quản trị chất lượng riêng biệt, đề cao uy tín và có chế độ làm việc tốt.
Chúng ta có thể thấy những điều này thông qua các công ty lớn ở nước ta. Nhà sáng lập của hãng xe đạp điện nổi tiếng Bridgeston Shojiro Ishibashi đã từng phát biểu:
“Hoạt động kinh doanh không chỉ nhằm mục đích sinh lợi nhuận, mà quan trọng nhất là sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, phục vụ nhu cầu xã hội và gắn liền với các hoạt động vì con người, môi trường...”.
Chính vì những quan niệm như vậy mà các sản phẩm đến từ Nhật Bản đã xây dựng được một chỗ đứng vững chắc trong lòng người dân Việt Nam ta.
Nguồn: Genk.vn