"Bố 40 tuổi rồi mà còn ngủ với mẹ sao không được", câu hỏi của đứ trẻ khiến dân mạng phải lắc đầu bó tay: “Giờ phải giải thích làm sao?”

Mới đây, một đoạn video nhỏ ghi lại cảnh một bé gái cùng bố lý luận khiến nhiều cư dân mạng không khỏi bật cười.

Hóa ra cô con gái 8 tuổi muốn ngủ với mẹ nhưng bố lại không thích: "Con 8 tuổi rồi mà vẫn ngủ với mẹ?"

Cô con gái vừa khóc vừa cãi lý do: "Thế thì sao ạ? Bố 40 tuổi vẫn còn được ngủ với mẹ cơ mà. Sao con lại không được?"

Những lời nói của cô bé quá dễ thương, nhiều cư dân mạng phải thốt lên: "Màn tra tấn tâm hồn này đáng yêu quá phải không?", "Đến ngày con bé kết hôn, anh nhất định phải mở lại video này cho nó xem!”, "Bây giờ ba không thể giải thích rõ ràng rồi (cười)”....

Nhưng cũng không ít cư dân mạng lo lắng: "Trẻ nhỏ cứ không chịu ngủ một mình, cha mẹ phải làm sao?"

Trẻ ở độ tuổi nào thì nên ngủ phòng riêng và làm thế nào để trẻ có thể ngủ một mình? Vấn đề này thực sự khiến nhiều bậc phụ huynh phiền lòng.

01

Con gái hàng xóm nhà tôi đã 6 tuổi nhưng khi ngủ phòng riêng vẫn quấy khóc, quậy phá.

Nếu không phải là khóc lóc kêu ca: “Mẹ, mẹ không thương con sao?” thì cũng là ôm chăn bông đáng thương mà ở trước cửa phòng ngủ của bố mẹ.

Trò chơi giằng co để không phải ngủ trong phòng riêng của bố mẹ và cô con gái đã diễn ra suốt một năm trời. Dù dùng mọi cách uy hiếp hay dụ dỗ như nào thì đứa trẻ vẫn không “mắc mồi”.

Mẹ cô bé hay than phiền với tôi: "Nhiều chuyên gia nói phải cho trẻ ngủ riêng trước 5 tuổi, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính tự lập của trẻ. Con chị 6 tuổi rồi mà vẫn vậy, chị không biết phải làm sao với nó?”

Một cư dân mạng cho biết đã tổ chức lễ nhập phòng ngủ riêng hoành tráng cho đứa con 3 tuổi của mình. Chị không chỉ sắp xếp phòng đúng theo sở thích của đứa trẻ mà còn chuẩn bị rất nhiều đồ chơi mà con thích.

Lúc đầu, con chị thấy phòng riêng khá mới mẻ và thú vị. Nhưng chỉ chốc lát thằng bé đã thay đổi nét mặt. Hoặc kinh hãi khi nói có một con quái vật dưới gầm giường, hoặc là ôm sống bố mẹ không buông. Ngay cả khi thằng bé cuối cùng đã ngủ, nó sẽ đột nhiên thức dậy và la hét, đánh thức cả nhà.

Nhìn thấy đứa con đang ngủ mà người mẹ rơi nước mắt, vừa chua xót vừa đau lòng.

Trẻ bao nhiêu tuổi thì nên ngủ phòng riêng? Việc trẻ ngủ phòng riêng có thực sự quan trọng như vậy không? Trẻ lên 5, 6 không ngủ phòng riêng, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần?

Tất nhiên là không.

Có một dự án nghiên cứu về giấc ngủ chung của cha mẹ và con cái ở Hoa Kỳ. Theo dõi hơn 200 gia đình, số liệu khảo sát cho thấy không có nhiều khác biệt về nhận thức, tính cách và hành vi đối với trẻ ngủ phòng riêng trước 3 tuổi hoặc sau 5 tuổi.

Richard Farber, một chuyên gia về giấc ngủ của trẻ em, đã từng nói: “Trẻ em không trở nên thiếu tự lập vì chúng ngủ với cha mẹ”.

Vì vậy, tại sao phải bận tâm vào lúc này? Rốt cuộc, bỏ qua các yếu tố "chuyên gia" khác nhau, tình hình cụ thể của đứa trẻ đáng được quan tâm hơn.

02

Một bà mẹ cầu cứu trong một nhóm tâm sự làm cha mẹ rằng từ ngày thứ 3 ngủ riêng, đêm nào con chị cũng khóc nhiều lần trong vô thức.

Hôm sau chị hỏi con thì cậu bé nói do con nằm mơ thấy có vật gì đó cứ đuổi theo. “Tình trạng này diễn ra hơn một tháng rồi, tôi phải làm sao đây?”, người mẹ lo lắng.

1 Bo 40 Tuoi Con Ngu Voi Me Vi Sao Con Khong Duoc Ong Bo Cam Nin Truoc Cau Hoi Cua Dua Con

Nhiều bậc cha mẹ lúc nào cũng lo nghĩ con mình không đạt được một “mốc” nào đó theo độ tuổi con cần có mà bỏ qua nhu cầu thật sự đằng sau việc con muốn ngủ với bố mẹ.

Trẻ con sợ bóng tối và quái vật vì chúng cần được quan tâm và đồng hành nhiều hơn; chúng khóc lóc và gây rắc rối, chỉ vì chúng chưa sẵn sàng.

Mỗi đứa trẻ đều có con đường phát triển của riêng mình, vì vậy cha mẹ không cần mù quáng theo đuổi những thứ “tiêu chuẩn” và “khuôn mẫu”. 

Khi cha mẹ trút bỏ sự lo lắng và để mọi thứ phát triển tự nhiên, họ có thể nhận được những điều bất ngờ ngoài sức tưởng tượng. 

Cô bạn thân của tôi từng buồn bã nói: “Tao chưa sẵn sàng. Không ngờ con trai tao lại âm thầm lớn lên như thế”.

Nguyên nhân là khi con trai cô được 5 tuổi, một hôm cậu bé trịnh trọng nói với cô: "Mẹ, mẹ không cần cùng con ngủ nữa. Con lớn rồi, có thể tự ngủ được."

Sau đó, không báo trước, cậu bé bắt đầu ngủ một cách độc lập. Cậu bé tự hào về bản lĩnh của mình, nhưng người mẹ lại cảm thấy mất mát.

Đây là những điều trẻ con sẽ làm: Khi chúng chưa sẵn sàng, cha mẹ càng đẩy ra, chúng càng muốn thu mình lại và bám dính lấy bố mẹ; Khi chúng đã sẵn sàng, chúng sẽ rất quả quyết, lúc ấy cha mẹ mới là người phải miễn cưỡng chấp nhận.

03

Dù không có “tiêu chuẩn” nào về thời điểm ngủ phòng riêng nhưng nếu trẻ trên 8 tuổi, cha mẹ vẫn nên cố gắng tách dần con ra. Suy cho cùng, trẻ con sớm muộn gì cũng phải tự lập. 

Vậy, cha mẹ nên làm gì để trẻ đón nhận việc ngủ riêng một cách thoải mái và thuận lợi nhất?

Để đủ thời gian đệm cho trẻ

Ví dụ, bắt đầu với việc tách giường và không tách phòng.

Những đứa trẻ đã quen ngủ với cha mẹ bỗng nhiên được yêu cầu ngủ trong những phòng riêng biệt, điều này chắc chắn sẽ phá vỡ sự an toàn bên trong của chúng. Tách giường mà không chia phòng cho phép trẻ ngủ trong môi trường quen thuộc, thích nghi với việc tách dần, giảm lo lắng.

Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể sử dụng sức mạnh của phim hoạt hình hoặc sách tranh để truyền can đảm cho giấc ngủ độc lập.

Cuốn sách ảnh "Không còn sợ khi ngủ một mình" kể về câu chuyện của cô bé Emily vượt qua nỗi sợ hãi và tự mình ngủ một mình.

Emily, giống như bao đứa trẻ khác, sợ bóng tối và những con quái vật. Mỗi khi cô bé nằm xuống ngủ, rất nhiều "điều gì sẽ xảy ra" kỳ lạ hiện lên trong đầu cô: “Điều gì sẽ xảy ra nếu một con tê giác chui ra từ tủ quần áo?”; “Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi thức dậy và thấy mình ở một đất nước xa lạ”...

Sau đó, Emily học cách thư giãn bản thân, nghĩ về một số điều đẹp đẽ và nhanh chóng chìm vào giấc mơ ngọt ngào.

Hóa ra ngủ một mình chẳng có gì là ghê gớm cả.

Với kiểu gợi ý tâm lý này, khi trẻ tự đi ngủ, trẻ tự nhiên sẽ không sợ hãi như vậy.

Đồng hành cùng trẻ thiết lập thế giới nhỏ của riêng mình

Theo sở thích của trẻ, cùng con trang trí phòng riêng, không chỉ sẽ là một hoạt động vui vẻ của cha mẹ - con cái mà còn là cách tốt nhất để giúp trẻ tìm thấy cảm giác thân thuộc.

Khi trang trí, cha mẹ cũng có thể hỏi ý kiến ​​của con cái, chẳng hạn như: “Kiểu dáng giường và bàn học mà trẻ thích”; “Đặt đèn ngủ ở đâu”; “Bố mẹcó cần đặt vài con búp bê mà con thích”...

Sau khi sắp xếp xong, cha mẹ đừng keo kiệt với lời "khen ngợi" như: "Phòng của ai đây? Đẹp quá, ghen tị quá!"...

Cảm giác hoàn thành căn phòng và nó hoàn toàn thuộc về mình sẽ tự phát nảy sinh trong trái tim của đứa trẻ, nỗi lo lắng về sự chia ly tự nhiên có thể được giải tỏa rất nhiều.

Đừng “cứng” quá, phải trấn an kịp thời

Sau khi một số trẻ ngủ trong các phòng riêng biệt, đôi khi chúng có thể yêu cầu ngủ trên giường lớn với cha mẹ.

Lúc này, bố mẹ không cần từ chối mạnh mẽ. Cố gắng giao tiếp với con bạn bằng một giọng điệu thoải mái, hiệu quả có thể tốt hơn, ví dụ như: "Hôm nay sao lại muốn ngủ với mẹ?"; "Thật ra mẹ rất muốn ngủ với con, nhưng nếu ngủ chung thì chúng ta sẽ quấy rầy nhau”; hoặc “Bây giờ mẹ sẽ kể một câu chuyện trong khi ôm con, nhưng sau đó con trở lại ngủ trong phòng của mình, nhé?”

Sự gắn bó của con cái với cha mẹ là điều tự nhiên. Khi trẻ nghi ngờ khả năng của mình và không đủ quyết tâm, cha mẹ có thể ôm trẻ thật chặt để tích lũy thêm sự can đảm và nghị lực cho trẻ.

Một nhà tâm lý học từng nói: "Chia ly và tình yêu đều quan trọng như nhau. Chúng là hai chủ đề quan trọng nhất trong cuộc sống. Chúng kết hợp với nhau để khiến một người trưởng thành và làm nên bản thân mỗi người".

"Thời hạn hiệu lực" của cha mẹ là rất ngắn, sự lớn lên của đứa trẻ là một sự tách biệt dần dần. Nếu đã như vậy, sao phải bận tâm sớm một chút hay muộn một chút?

Hãy tôn trọng nhịp phát triển của trẻ, cho chúng cảm giác yêu thương và an toàn, rồi để mọi thứ trôi đi tự nhiên.

Theo Châu Anh - Vietnamnet




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC