Vết ố vàng và các đốm màu loang lổ trong nhà tắm, đặc biệt là trên bồn cầu gây cảm giác mất vệ sinh và kém thẩm mỹ. Nếu không chà rửa nhanh chóng thì các vết bẩn này sẽ là nơi lý tưởng để các loại vi khuẩn sinh trưởng gây ra mùi hôi và ảnh hưởng tới sức khỏe cả gia đình.
Nguyên nhân gây nên những vết ố vàng nhà vệ sinh là gì?
Sự tích tụ canxi, cặn vôi: Thông thường, các vết ố vàng cũng được hình thành do sự tích tụ canxi lâu ngày tạo thành một mảng bám dày màu trắng ngà như màu vôi. Nguyên nhân là do nước cứng sử dụng để xả bồn cầu hằng ngày. Sau mỗi lần xả nước, loại nước này sẽ tích tụ trên thành bồn cầu lâu dần sẽ tạo ra các vết ố vàng.
Vết rỉ: Nếu vết ố của bồn cầu có màu nâu sẫm hoặc đỏ, thì có lẽ là do rỉ sét. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể là do các bộ phận bằng sắt của bồn cầu tiếp xúc lâu ngày với nước bên trong gây ra phản ứng oxi hóa và tạo thành oxit sắt.
Vết ố màu xanh: Những loại vết bẩn này thường gặp ở những nơi nguồn nước có tính axit cao và giàu đồng.
Vết nấm mốc: Chúng không chỉ gây ra những đốm màu xanh đậm hoặc đen đặc trưng mà còn tạo ra mùi ẩm mốc khó chịu bên trong phòng tắm hoặc bồn cầu. Nếu bạn không loại bỏ sớm thì môi trường ẩm ướt bên trong nhà tắm hoặc bồn cầu sẽ giúp cho nấm mốc tiếp tục sinh sôi và phát triển mạnh, vì vậy đừng coi thường vấn đề này. Nấm mốc cũng gây nguy hiểm cho sức khỏe nếu như thường xuyên hít phải.
Với việc hiểu rõ nguyên nhân gây ra vết ố mất mất thẩm mỹ này bạn có thể dễ dàng loại bỏ chúng chỉ bằng việc áp dụng các cách tẩy vết ố vàng nhà vệ sinh đơn giản sau:
Phương pháp làm sạch bồn cầu bằng các nguyên liệu đơn giản dễ kiếm
1. Giấm trắng
Giấm trắng có chứa axit nên có thể tạo thành các phản ứng hóa học giúp phân hủy, làm mềm cáu bẩn cũng như cặn vôi, từ đó giúp tẩy sạch cặn vôi dễ dàng hơn. Vì vậy, để làm sạch bồn cầu bạn có thể sử dụng giấm thay cho các chất tẩy rửa đắt tiền.
2. Hỗn hợp baking soda và giấm
Sau khi làm sạch bồn cầu, đổ một cốc giấm vào đó và để yên trong năm phút. Tiếp theo, thêm một cốc baking soda và hai cốc giấm vào bồn cầu. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra hỗn hợp sủi bọt lên do baking soda đang phản ứng với giấm, quá trình này đồng thời giúp loại bỏ vết bẩn và cặn bẩn trong bồn cầu. Sau mười phút, bạn dùng bàn chải toilet cọ rửa nhiều lần để loại bỏ vết bẩn và cặn bẩn. Cuối cùng, bạn xả lại bồn cầu bằng nước sạch là xong.
3. Trộn nước cốt chanh với giấm
Đổ một lượng nhỏ hỗn hợp nước chanh và giấm vào bồn cầu mỗi tháng một lần giúp ngăn ngừa sự tích tụ cặn vôi, vì trong chanh và giấm có tính axit nên giúp loại bỏ cặn bẩn mà không cần chà xát mạnh.
4. Trộn hàn the (borax) với giấm trắng
Trước tiên, đổ một phần tư cốc hàn the và dùng bàn chải cọ bồn cầu để chà xát. Sau đó, đổ một cốc giấm và giữ nguyên trong vòng ba mươi phút trước khi chà bồn cầu. Cuối cùng, bạn chỉ cần xả lại bằng nước sạch là có thể đạt được kết quả như mong muốn.
3 thành phần hữu hiệu để làm sạch bồn cầu
Khi bạn đổ một chai nước ngọt lớn vào bồn cầu và đợi cả một đêm, quá trình tẩy cặn sẽ đạt được.
1. Nước giải khát
Nước giải khát thuộc danh mục các giải pháp tại nhà dễ dàng và hiệu quả để loại bỏ cặn và cáu bẩn trong bồn cầu. Cách làm rất đơn giản, bạn chỉ cần đổ một chai nước ngọt lớn vào bồn cầu, để qua đêm, rồi rửa lại bằng cọ bồn cầu. Trong nước giải khát có các axit, vì thế chúng có thể phản ứng với các cặn vôi hiệu quả.
2. Giấy nhám
Giấy nhám có thể hoạt động như một chất tẩy cặn và loại bỏ vôi bám trong bồn cầu dễ dàng. Chỉ cần chọn giấy nhám thô, để loại bỏ phần lớn các vết sần sùi và các đốm khó chịu, sau đó sử dụng giấy nhám mịn để kết thúc quá trình loại bỏ cặn vôi.
3. Thuốc tẩy
Việc sử dụng chất tẩy gia dụng, đóng vai trò hiệu quả trong việc loại bỏ các vết ố vàng và cặn bẩn bám trên bồn cầu, đồng thời cũng tiêu diệt vi khuẩn gây mùi hôi khó chịu.
Theo An Nhiên - Vietnamnet