01. Đảo lộn đồng hồ sinh học chính là con dao hai lưỡi, cầm vào lưỡi nào cũng chỉ nhận lại tổn thương
Cách đây vài ngày, tin tức về sự ra đi bất ngờ của một nghệ sĩ Đài Loan - Cao Dĩ Tường đột tử ở tuổi 35 khiến rất nhiều người trẻ phải giật mình. Là một người mẫu và diễn viên quốc tịch Canada gốc Đài Loan, gia thế tốt, ngoại hình khỏe mạnh lại vô cùng giỏi thể thao, vô số người theo dõi tin tức Trung Quốc đều không tin nổi khi thông tin này được đưa ra.
Trước đó hai ngày, Cao Dĩ Tường đã từng chia sẻ cảm xúc tự hào về công việc, sự nghiệp phát triển của mình khi lọt vào danh sách xuất sắc của năm 2019 thông qua trang mạng xã hội Weibo. Vậy mà chỉ 48 tiếng sau, một người đàn ông trẻ khỏe, đạt thành công cả trong sự nghiệp lẫn đời sống, lại ra đi đột ngột như vậy vì đột quỵ trong lúc đang ghi hình cho một chương trình giải trí yêu cầu các hoạt động mạnh vào giữa đêm.
Trước khi tham gia vào giới giải trí, Cao Dĩ Tường từng là vận động viên bóng rổ. Sau này khi bước chân vào nghiệp diễn, người đàn ông cao 1,93m vẫn không từ bỏ những hoạt động tập luyện thể dục thể thao đều đặn, lại có ham mê với các trò thể thao mạo hiểm. Điều này chứng tỏ điều kiện thể chất của nam diễn viên quá cố luôn nằm ở mức khỏe mạnh. Tuy nhiên, với lịch trình làm việc dày đặc, lại yêu cầu vận động mạnh, liên tục không ngừng suốt đêm thì có lẽ người thép cũng không chịu nổi.
Trước sự ra đi đầy tiếc nuối này, nhiều người đã nhận ra rằng: Dù là nghề nào cũng tồn tại rất nhiều rủi ro, tiềm tàng vô số nguy hiểm. Cho dù tận tụy cống hiến vì đam mê, vì sự nghiệp hay vì miếng cơm manh áo đến mấy thì cũng hãy nhớ rằng, mạng sống của mình mới là điều quan trọng nhất. Dù trong bất cứ trường hợp nào, thường xuyên thức khuya và đảo lộn đồng hồ sinh học của cơ thể cũng là một con dao hai lưỡi, cầm vào đầu nào cũng phải chịu tổn thương. Mà thứ chịu tổn thương nhiều nhất chính là sức khỏe của bản thân mình.
Rất nhiều người sẵn sàng tăng ca bất chấp ngày đêm, nhịn ăn bỏ bữa để tiết kiệm thời gian làm việc, thường xuyên nghỉ ngơi không đủ, cơ thể mỏi mệt rệu rã nhưng vì tiền lương, vì phụ thưởng, để mua nhà, để mua xe, họ vẫn gắng gượng duy trì đời sống như thế mỗi ngày. Nhưng khi nhà chưa trả góp xong, xe cũng chưa tới tay, thì đa phần tiền của tích lũy suốt thời gian qua để chảy thẳng vào hóa đơn viện phí vì bệnh tật. Có người bị bệnh nhẹ, phẫu thuật hoặc nằm viện một thời gian là hết. Nhưng có người đã bị bệnh mãn tính, phải tìm cách chung sống với lũ cả đời. Thậm chí có người bệnh tình nghiêm trọng, chuyển biến xấu trở thành ung thư. Lúc đó mới là hết đường hết cách.
Ở những thời điểm tồi tệ nhất, chúng ta mới nghĩ đến, giá như trước kia mình không làm việc liều mạng như vậy thì sức khỏe đã chẳng đến nông nỗi này. Giá như chịu dừng lại nghỉ ngơi thêm một giờ, ăn thêm một bữa cơm,... chưa chắc đã phải nằm viện như hôm nay. Cuối cùng, chỉ có chúng ta mới là kẻ độc ác với chính mình nhất.
Hình ảnh nghệ sĩ quá cố qua đời ở tuổi 35 vì đột quỵ trong quá trình ghi hình giữa đêm.
2. Đừng phung phí tuổi trẻ, mạng sống quan trọng hơn đồng tiền gấp trăm lần
Thức khuya dường như đã trở thành tiêu chuẩn cho những người trẻ tuổi ở thời đại này. Họ buồn ngủ vào ban ngày, và hoạt động vào ban đêm. Họ coi đó là thời điểm hoàng kim để làm việc dễ tập trung hơn, để học bài tốt hơn, để giải trí vui hơn... Nếu có ai đó đi ngủ vào lúc 10 tối thì nhất định sẽ trở thành người kỳ dị, khác biệt so với cả tập thể.
Thế nhưng, hậu quả của việc trường kỳ thức khuya lại lớn hơn những gì chúng ta nghĩ rất nhiều. Khi đồng hồ sinh học bị đảo lộn, hàng loạt chức năng của các bộ phận cơ thể bị rối loạn, vừa hoạt động quá tải, vừa không có thời gian nghỉ ngơi, chúng sẽ trở thành nhân tố chính gây ra hàng loạt các căn bệnh nguy hiểm. Theo thống kê, thức khuya trong một thời gian dài có thể dẫn đến rụng tóc, điếc đột ngột, rối loạn nội tiết, tổn thương gan và các trường hợp nghiêm trọng có thể gây tử vong đột ngột, hình thành tế bào ung thư.
Vì vậy, đôi khi, chúng ta hãy sống chậm lại, để cuộc sống có thể hoạt động hiệu quả hơn.
Khi bị cuốn vào các ham muốn về tiền tài vật chất, về giải trí tinh thần, chúng ta thường vô tình chạy theo vòng xoáy đó một cách vội vã. Mặc dù đi được nhanh hơn, đi được xa hơn, và tiếp cận với mục tiêu của mình dễ dàng hơn, nhưng cũng là cách tàn phá chính động cơ của mình nhanh nhất. Giống như một chiếc xe, dù nó chạy ngày chạy đêm, chạy với vận tốc nhanh nhất đi nữa, thì một khi hết xăng, nó cũng chỉ có thể nằm yên một chỗ không làm nên trò trống gì. Khi bản thân chúng ta đánh đổi mạng sống để lấy những giá trị khác, thì không khác gì bỏ gốc lấy ngọn, sớm muộn cũng chẳng đạt được kết quả gì.
Thay vì cố gắng đạt được mọi thứ một cách chóng vánh, chúng ta cần trải nghiệm sự tăng trưởng dần dần. Mỗi ngày, dù chỉ nhận ra được một vài thay đổi nhỏ bé, nhưng từng thay đổi nhỏ tích lũy lại, chúng ta vẫn có thể trở thành một con người tốt hơn. Muốn xây nhà cao, phải xây chắc từ phần đặt nền móng. Móng nhà càng vững chắc, chúng ta mới càng chạm tới những đỉnh cao.
Muốn đạt được thành tựu thì ít nhất, chúng ta cũng phải có đủ sức lực để chống đỡ những thành tựu ấy. Sự khỏe mạnh luôn là nền tảng cơ bản nhất của một cuộc sống trọn vẹn, là cơ sở quan trọng để mỗi người thực hiện nguyện vọng, ước mơ, lý tưởng của đời mình. Hãy nhớ rằng, ai cũng chỉ có một lượng tài nguyên sức khỏe hữu hạn. Nếu bạn lấy nó đánh đổi lấy tiền tài, sự nghiệp, địa vị hay danh vọng, sẽ chẳng có giá trị nào khác có thể bù đắp lại sự thiếu hụt đó. Bạn sẽ phải chung sống với nguồn tài nguyên sức khỏe nghèo nàn của mình cả đời.
Nguồn: CafeF.vn