Đổ mồ hôi là một biểu hiện sinh lý rất bình thường của cơ thể con người. Khi nhiệt độ bề mặt cơ thể vượt quá 37 độ C, chúng ta cần đổ mồ hôi để tản nhiệt.
Theo các chuyên gia, tuyến mồ hôi của chúng ta không phải là cơ quan giải độc chính. Các chất thải trong cơ thể chủ yếu được máu vận chuyển đến gan và thận để chuyển hóa và bài tiết. 99% mồ hôi là nước và 1% còn lại là urê, axit lactic, natri clorua và các thành phần khác.
Trong cuộc sống, có người đổ mồ hôi dù chỉ hoạt động ít, cũng có người khó ra mồ hôi ngay cả khi vận động mạnh. Vậy nguyên nhân là do đâu?
Sự khác biệt về tuyến mồ hôi
Trên cơ thể con người có khoảng 4 triệu tuyến mồ hôi. Mỗi người lại có số lượng tuyến mồ hôi và mức độ phát triển của tuyến mồ hôi khác nhau. Người có càng nhiều tuyến mồ hôi phát triển thì việc đổ mồ hôi càng thường xuyên hơn. Ngược lại, những người có ít tuyến mồ hôi và tuyến mồ hôi kém phát triển sẽ tiết mồ hôi ít hơn.
Sự khác biệt về giới tính
Nói chung, nam giới dễ đổ mồ hôi hơn phụ nữ vì các hormone nam như testosterone thúc đẩy bài tiết mồ hôi, trong khi hormone nữ như estradiol ức chế tiết mồ hôi.
Chênh lệch trọng lượng
Người béo có lớp mỡ dày hơn sẽ khó tản nhiệt hơn nên dễ đổ mồ hôi. Điều ngược lại sẽ xảy ra với người gầy.
Mặc dù đổ mồ hôi là biểu hiện sinh lý bình thường. Tuy nhiên, một số trường hợp đổ mồ hôi bất thường có thể là "lời kêu cứu" do cơ thể gửi đến.
Đổ mồ hôi ban đêm
Ung thư hạch, như tên gọi của nó, là một khối u phát triển trong các hạch bạch huyết. Đây là khối u ác tính phát triển nhanh nhất và cũng rất dễ bị chẩn đoán nhầm. Bệnh ung thư hạch có thể khiến bệnh nhân đổ mồ hôi đêm bất thường vào ban đêm. Bệnh nhân thường trong tình trạng toàn thân ướt đẫm khi đang ngủ dù phòng rất mát.
Ngoài đổ mồ hôi, ung thư hạch có thể gây ra các triệu chứng như: sưng hạch bạch huyết không rõ nguyên nhân, sốt, ngứa, sụt cân và đau nhức cơ thể .
Ra mồ hôi tay
Thông thường, tay của chúng ta không đổ mồ hôi nhiều khi thời tiết không quá nóng. Tuy nhiên, nếu bàn tay luôn trong tình trạng ẩm ướt do mồ hôi, bạn cần cảnh giác rằng đó có thể là do chứng tăng tiết mồ hôi ở tay. Tình trạng này là do tuyến mồ hôi ở tay tiết ra quá nhiều mà không chịu tác động của nhiệt độ bên ngoài. Bệnh nhân có thể kèm theo mồ hôi bất thường ở bàn chân, nách và bẹn . Những bộ phận tiết mồ hôi này dễ bị viêm da, mẩn ngứa và một số bệnh tật khác.
Do đó, nếu có triệu chứng nghi ngờ căn bệnh này, chúng ta cần đi khám sớm để được bác sĩ tư vấn điều trị kịp thời.
Đổ mồ hôi đột ngột kèm chóng mặt
Nếu đột nhiên đổ mồ hôi nhiều trong môi trường nhiệt độ cao, kèm theo các triệu chứng như: chóng mặt, buồn nôn và nôn thì bạn cần đề phòng khả năng bị say nóng. Khi đã xảy ra các triệu chứng này nên đến nơi thoáng mát để nghỉ ngơi kịp thời, bổ sung nước. Nếu các triệu chứng không thuyên giảm cần đi khám kịp thời.
Đổ mồ hôi hột đột ngột
Khi bị nhồi máu cơ tim sẽ làm cho lượng cung máu của tim giảm xuống, từ đó dẫn đến tụt huyết áp và co mạch, cơ thể do đó sẽ đổ mồ hôi. Các bộ phận đổ mồ hôi trong trường hợp này chủ yếu tập trung ở cổ, trán, tay và chân.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí