Thận là một trong những bộ phận quan trọng nhất của cơ thể con người. Chức năng chính của nó là lọc sạch và loại bỏ độc tố ra khỏi máu, duy trì cân bằng muối và điện giải, điều chỉnh huyết áp, loại bỏ nước dư thừa… Từ đó giúp chúng ta luôn khỏe mạnh và duy trì sức khỏe ổn định.
Chính vì thận có vai trò chủ lực như vậy nên cần phải giữ chúng luôn khỏe mạnh. Nếu thận đột nhiên bị nhiễm độc hoặc làm việc quá tải, nó sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan nội tạng khác hoặc toàn bộ cơ thể. Các bệnh như viêm cầu thận, sỏi thận, suy thận, ung thư thận... có thể tác động trực tiếp tới chất lượng sống và thậm chí là tính mạng của bệnh nhân.
Hai quả thận đáng giá ngàn vàng với sức khỏe chúng ta, cho nên hãy bảo vệ thật tốt.
Tuy nhiên hiện nay, nhiều người đang vô tình phạm phải những thói quen xấu khiến thận làm việc quá tải. Lâu ngày sẽ dẫn đến suy thận cùng những bệnh mãn tính rất khó chữa khỏi. Theo Tổ chức Thận học Quốc gia (Mỹ), dưới đây là 7 thói quen bạn cần phải hạn chế ngay kẻo thận "trở ốm" lúc nào chẳng hay:
- Ăn nhiều muối, thích ăn mặn
- Thường xuyên ăn thực phẩm chế biến sẵn
- Không uống đủ nước
- Uống rượu bia quá nhiều
- Nhịn đi tiểu
- Mất ngủ
- Lạm dụng thuốc giảm đau
Cụ thể 7 thói quen hại thận như sau:
1. Ăn nhiều muối, thích ăn mặn
Ngày nay có rất nhiều người thích ăn mặn, làm món gì cũng phải thấm đẫm đậm đà mới thấy ngon. Đặc biệt người Việt ta vẫn giữ thói quen để sẵn một bát nước mắm để chấm kèm khi ăn cơm, hoặc rưới thêm sốt khi ăn hàng quán dù chưa nếm thử hương vị ra sao… Dù ai cũng nghĩ là bình thường nhưng việc này thực sự gây hại hơn bạn tưởng.
Người Việt hay giữ thói quen chấm thêm nước mắm dù món đó đã nêm nếm đủ rồi.
Muối cần thận để chuyển hóa và hấp thu, khi bạn ăn nhiều muối sẽ làm thận bị quá tải và sinh bệnh. Thêm vào đó, ăn mặn cũng dễ làm cao huyết áp và khiến máu thận không thể duy trì ở mức bình thường, cuối cùng dẫn đến bệnh thận. WHO khuyến cáo mọi người không nên ăn quá 5g muối/ngày.
2. Thường xuyên ăn thực phẩm chế biến sẵn
Các thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, đồ hộp, lạp xưởng… đều chứa khá nhiều natri và photpho. Người bệnh thận cần hạn chế photpho đã đành, nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người khỏe mạnh nếu ăn nhiều loại thực phẩm này cũng khiến thận suy yếu dần và sinh bệnh.
Nhìn chung, dù bận rộn không nấu nướng được thì các bà nội trợ cũng nên hạn chế các món chế biến sẵn. Hãy cố gắng đi chợ và mua những gì tươi ngon nhất về nấu ăn. Nếu trong trường hợp phải ăn loại thực phẩm này, bạn nên dùng kèm thêm rau củ quả để hạn chế bớt tác hại.
3. Không uống đủ nước
Rất nhiều người vẫn đang giữ thói quen lười uống nước vì ngại đi vệ sinh nhiều lần. Tuy nhiên nếu cơ thể thiếu nước, thận sẽ không thể hoạt động đúng cách, gây mất cân bằng nước và điện giải trong cơ thể. Chưa kể thận cũng phải cần nước để lọc bỏ độc tố trong người, lâu ngày sẽ khiến cơ thể tích tụ độc tố và gây bệnh sỏi thận.
Thế nên, bạn hãy cố gắng uống đủ 2 lít nước/ngày để đảm bảo mọi cơ quan được hoạt động ổn định. Bên cạnh đó, bạn nên ăn thêm các loại rau củ chứa nhiều nước (dưa hấu, lê, dưa chuột, cà chua…) để bổ sung nước tự nhiên.
4. Uống rượu bia quá nhiều
Theo nghiên cứu từ Tổ chức Thận học Quốc gia, người thường xuyên uống rượu có nguy cơ bị bệnh thận mãn tính cao gấp đôi những người không uống.
Thêm vào đó, uống nhiều rượu bia sẽ làm cơ thể mất rất nhiều nước, gây cản trở thêm cho hoạt động của thận. Đây cũng là lý do tại sao người nghiện rượu bia lại hay mắc các vấn đề về thận.
5. Nhịn đi tiểu
Nhịn tiểu khiến các loại vi khuẩn sản sinh và ở trong bàng quang một thời gian dài. Cuối cùng khiến chúng xâm nhập vào thận thông qua đường niệu đạo, gây nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm bể thận. Những loại bệnh này nếu không chữa trị sớm sẽ làm thận bị nhiễm trùng mãn tính, không dễ điều trị bằng những cách thông thường.
Đừng nhịn đi tiểu, cứ cảm thấy buồn tiểu hãy vào nhà vệ sinh ngay kẻo sinh bệnh.
Thói quen nhịn tiểu rất nhiều người mắc phải, đặc biệt là dân văn phòng hoặc dân lái xe đường dài. Các bác sĩ khuyến cáo bạn nên đi tiểu ngay khi buồn, tuyệt đối không được nhịn, càng giữ thói quen này thì thận lại càng suy yếu.
6. Mất ngủ
Có thể nói, mất ngủ là nguyên nhân của vô số loại bệnh chứ không riêng gì bệnh thận. Chức năng thận được quản lý bởi chu kỳ ngủ và thức của cơ thể, nó giúp sắp xếp khối lượng công việc trong 24 giờ của thận. Nếu bị thiếu ngủ, chức năng thận sẽ bị rối loạn và quá tải, cuối cùng sinh bệnh thận.
Người trưởng thành nên ngủ đủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm để bảo vệ sức khỏe tổng thể. Nếu bị khó ngủ, bạn có thể thử một vài phương pháp giúp cơ thể dễ ngủ hơn, chẳng hạn như tắm nước nóng, ngâm chân, uống trà thảo mộc…
7. Lạm dụng thuốc giảm đau
Lạm dụng thuốc giảm đau sẽ gây hại cho thận và gan vì khiến chúng làm việc nhiều hơn để xử lý lượng thuốc nạp vào. Hiện nay có rất nhiều cách giúp giảm đau nhanh nên đừng uống nhiều thuốc giảm đau. Nếu muốn dùng hãy tham khảo thêm chỉ định bác sĩ, không được tự mua về nhà uống.
Theo Trí Thức Trẻ