Duy trì thói quen sống và ăn uống lành mạnh là chìa khóa giúp tất cả chúng ta sống lâu, sống khỏe hơn. Nhưng ngược lại, việc sinh hoạt vô độ, ăn uống thiếu kiểm soát sẽ làm cho sức khỏe bị ảnh hưởng xấu, gây nên bệnh tật và cuối cùng là dẫn đến nguy cơ chết sớm.
Mới đây, các bác sĩ, chuyên gia nổi tiếng Trung Quốc đã liệt kê ra 7 thói quen trong lúc ăn khiến con người dễ chết sớm. Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều người biết hại nhưng không thể bỏ được.
1. Ăn nóng
Đồ ăn nóng tạo cảm giác ngon miệng hơn xong nếu bạn lạm dụng loại đồ ăn này trong một thời gian dài sẽ gây ra một loạt các bệnh về tiêu hóa, nghiêm trọng hơn là ung thư thực quản.
Thành thực quản của chúng ta rất mỏng manh và chỉ có thể chịu đựng được nhiệt độ thực phẩm từ 50-60 độ C. Nếu đồ ăn ở mức nhiệt cao hơn, niêm mạc thực quản sẽ bị bỏng, theo thời gian có thể khiến thực quản phát triển khối u.
Theo các chuyên gia, đồ ăn không nên quá nóng hoặc quá lạnh, nhiệt độ lý tưởng là 40 độ C.
2. Xem tivi trong khi ăn
Đây là một thói quen trong bữa cơm của rất nhiều gia đình, nhưng nó lại gây tổn hại cho sức khỏe.
Một cuộc khảo sát diễn ra tại Trường Kinh doanh Châu Âu của Pháp và Đại học Cornell ở Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng người Mỹ đã quen với việc xem TV trong khi ăn. Trong khi đó, người Pháp sẽ chọn lựa một là ăn, hai là xem TV, tuyệt đối không làm 2 việc chung một lúc. Kết quả là tỉ lệ người thừa cân của Pháp thấp hơn một nửa so với người Mỹ.
Các bác sĩ cho rằng, chúng ta nên tắt TV trong lúc ăn để đảm bảo việc nhai đủ, ăn đủ, dễ kiểm soát cân nặng, tránh nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
3. Nói về công việc trong bữa tối
Bữa tối là thời gian thư giãn nhất trong ngày, các gia đình thường tận dụng cơ hội này để kể cho nhau nghe về một ngày làm việc, học tập vất vả mà không ngờ thói quen này có thể cản trở quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn.
Nguyên nhân đến từ việc khi một người tập trung suy nghĩ hoặc khi căng thẳng, chức năng thần kinh thực vật bị ức chế, lượng máu cung cấp cho đường tiêu hóa bị giảm và nhu động của dạ dày bị chậm lại. Điều này đặc biệt gây hại đối với những người có chức năng tiêu hóa yếu.
4. Chỉ ăn những món mà mình thích
Mỗi người đều có những sở thích ăn uống khác nhau, chính vì vậy có những món mà bạn rất thích nhưng người khác lại không. Cho dù khó tính trong ăn uống đến đâu, bạn cũng không nên chỉ ăn những món mình thích mà bỏ qua các món ăn còn lại.
Ví dụ nếu bạn chỉ thích ăn thịt mà không thích ăn rau, bạn sẽ bị thiếu vitamin, khoáng chất, chất xơ… từ đó gây ra bệnh táo bón. Ngược lại, những người không thích ăn thịt sẽ bị thiếu protein, chất sắt, gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển.
Các chuyên gia khuyên rằng, trong bữa cơm bạn có thể ăn nhiều những món mình yêu thích để thỏa mãn về mặt cảm xúc, nhưng bên cạnh đó hãy ăn thêm cả những món khác để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của mình.
5. Lười nhai
Khi bạn không nhai, não sẽ quên nhắc nhở các bộ phận tiêu hóa chuẩn bị nhận thức ăn. Khi dạ dày bất ngờ nhận đồ ăn gây ra tình trạng nhồi nhét, dẫn đến rối loạn tiêu hóa và trao đổi chất. Hơn nữa, nó không có lợi cho việc làm chủ lượng thức ăn và nó có khả năng gây béo phì.
Bạn nên ăn ít nhất 15 phút mỗi bữa, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Tốt nhất nên nhai hơn 20 lần trước khi nuốt.
6. Dùng đồ nóng – lạnh xen kẽ
Vừa ăn một món nóng, vừa uống một chút đồ lạnh sẽ đem lại cho tất cả chúng ta cảm giác ngon miệng hơn. Tuy nhiên, thói quen này lại đem lại cảm giác khó chịu cho dạ dày vì nóng lạnh đột ngột có thể gây khó tiêu, viêm co thắt dạ dày. Theo thời gian, nó có thể gây ra viêm dạ dày hoặc viêm ruột.
7. Hút thuốc sau bữa ăn
Một số nghiên cứu y khoa đã chỉ ra rằng hút thuốc ngay sau bữa ăn cực kỳ gây hại cho sức khỏe, tác hại của thuốc lá lúc này thậm chí còn lớn hơn gấp 10 lần so với các thời điểm khác.
Sau khi ăn, hệ thống tiêu hóa của chúng ta hoạt động, tuần hoàn máu được tăng tốc và lỗ chân lông của toàn cơ thể được mở ra. Lúc này, việc hút thuốc, khả năng hấp thụ mô của cơ thể được tăng cường, các chất có hại trong khói thuốc sẽ kích thích mạnh đường hô hấp và đường tiêu hóa.
Các bác sĩ, chuyên gia đã tổng kết các thói quen xấu trong và sau khi ăn nói trên bao gồm:
- PGS. Fan Zhihong (Khoa Khoa học Thực phẩm và Kỹ thuật dinh dưỡng, trường Đại học Nông nghiệp Trung Quốc).
- Bác sĩ Chen Runhua (Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đông y Bắc Kinh).
- Giáo sư Yang Li (Học viện Khoa học Y học Trung Quốc).
Nguồn: Tri thức trẻ