Sau 5 tháng nhiễm SARS-CoV-2, Lucy Gahan, nhà tâm lý học lâm sàng ở Shrewbury (Anh), vẫn chưa thể làm việc và trở lại cuộc sống bình thường.
Gahan gọi căn bệnh này là "những cơn bão". Nó khiến cô cảm thấy khó thở, tê chân tay và nhịp tim tăng đột ngột kể cả khi làm những công việc đơn giản.
"Vào tháng 5 và tháng 6, tôi hầu như không thể nói chuyện vì quá ốm yếu," cô nói.
Tờ CNN cho biết trước khi mắc bệnh vào đầu tháng 4, bà mẹ 2 con có thói quen chạy bộ 3 lần mỗi tuần và tập yoga đều đặn. Nhưng hiện tại, Gahan cho biết cô chỉ đi xa nhất là đến góc đường đối diện nhà của mình. Cô không thể tưởng tượng khi nào có thể chạy bộ trở lại.
Lucy Gahan là một trong số hàng nghìn người mắc Covid-19 trên thế giới chuyển sang bệnh mạn tính.
“Tôi nghĩ thay vì bảo bệnh nhân rằng các triệu chứng Covid-19 chỉ kéo dài 2 tuần, bác sĩ nên nói là ‘chúng tôi không biết’. Điều đó giúp chúng tôi bớt lo lắng hơn”, Gahan chia sẻ.
Corey Coopersmith, huấn luyện viên thể dục ở Las Vegas (Mỹ), là một trong những người được chữa khỏi Covid-19. Coopersmith cho biết anh không thể làm việc kể từ khi nhiễm bệnh vào cuối tháng 2. Người đàn ông 36 tuổi mắc một loạt triệu chứng như mệt mỏi, khó thở nhưng sau khi thăm khám, kết quả xét nghiệm là "bình thường".
"Một tháng trước, khi tôi đi khám, bác sĩ nói chức năng phổi của tôi rất tốt. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn cảm thấy khó thở", Coopersmith chia sẻ.
Nhiều người mắc Covid-19 luôn cảm thấy mệt mỏi, khó thở sau thời gian dài nhiễm bệnh. Ảnh: Istock.
Các nhà nghiên cứu từ đơn vị Hô hấp Học thuật của North Bristol NHS Trust (Anh) đã xem xét 110 bệnh nhân Covid-19, những người phải nằm viện trung bình 5 ngày từ 30/3 đến 3/6.
Ba tháng sau khi xuất viện, 74% trường hợp gặp phải các triệu chứng bao gồm khó thở và mệt mỏi quá mức. Mặc dù có những triệu chứng này, 104 trong 110 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm máu cơ bản bình thường. 12% cho thấy bất thường trên phim chụp X-quang vùng ngực và 10% phát hiện chức năng phổi hạn chế.
Vào tháng 8, bài báo đăng trên Tạp chí Y khoa Anh (BMJ) đã công bố hướng dẫn mới cho các nhà cung cấp dịch vụ y tế về cách điều trị bệnh nhân Covid-19 phải chịu hậu quả kéo dài. Các nhà khoa học ước tính có 10% trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 có thể mắc các triệu chứng kéo dài.
Những kết quả này đi ngược lại kết luận được đưa ra hồi đầu đại dịch, trong đó, nhiều chuyên gia y tế tin rằng bệnh nhân mắc Covid-19 ở mức độ vừa phải sẽ bị bệnh trong vài tuần, sạch virus và sớm ổn định sau đó.
Tuy nhiên, điều đó không phải xảy ra với mọi trường hợp. Hướng dẫn trên BMJ cho biết phản ứng kháng thể yếu hoặc không có; tái phát hoặc tái nhiễm; phản ứng viêm và các phản ứng miễn dịch khác; suy giảm chức năng và các yếu tố tinh thần như căng thẳng sau chấn thương góp phần gây ra triệu chứng lâu dài hơn. Những trường hợp tương tự đã xảy ra ở bệnh nhân SARS và MERS.
Tiến sĩ MeiLan King Han, nhà nghiên cứu về phổi và giáo sư y khoa tại Đại học Michigan (Mỹ), cho biết: “Với những bệnh nhân mà tôi đã theo dõi, nhiều người tiếp tục phàn nàn về cơn ho, khó thở và mệt mỏi nghiêm trọng rất lâu sau lần nhiễm bệnh đầu tiên".
Theo Noah Greenspan, nhà sáng lập tổ chức sức khỏe The Pulmonary Wellness Foundation (Mỹ), Gahan và những người mắc triệu chứng Covid-19 kéo dài phải đối mặt tình trạng nhịp tim nhanh tư thế đứng. Đây là hội chứng khiến nhịp tim của người bệnh tăng mạnh khi chuyển từ tư thế nằm sang đứng. Lực kéo của trọng lực khiến máu đọng lại ở chân. Tình trạng này có thể gây chóng mặt, choáng váng và ngất xỉu.
“Nhịp tim của họ tăng từ 50 đến 75 điểm nếu họ đứng dậy lấy nước. Nó không liên quan đến việc họ đang làm hay khối lượng công việc của họ", ông Greenspan cho hay.
Theo Zing