Nước rất quan trọng đối với chức năng của hầu hết mọi tế bào, mô và cơ quan trong cơ thể, cần thiết cho quá trình tiêu hóa và cung cấp chất dinh dưỡng cho tế bào của bạn. Đồng thời, nước giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Nước cũng hoạt động như một chất giảm sốc cho não, tủy sống. Nước giúp bôi trơn các khớp, cơ quan và mô.
Do nhiệt độ cao và đổ mồ hôi nhiều, tốc độ mất nước của cơ thể sẽ được đẩy nhanh hơn và mùa hè. Do đó, sau khi vận động hoặc đi ngoài trời nắng nóng về, nhiều người có thói quen uống nước từng ngụm lớn và uống nhanh, uống nhiều.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu chúng ta uống nước quá nhanh, nước sẽ nhanh chóng đi vào máu, làm cho máu loãng hơn và tăng thể tích máu đột ngột.
Tình trạng này gây gánh nặng cho tim và mạch máu của cơ thể.
Khi uống quá nhiều nước hơn mức cơ thể cần, thận sẽ phải làm việc thêm giờ để lọc lượng nước dư thừa ra khỏi hệ thống tuần hoàn, gây hư hại, tổn thương.
Điều đáng chú ý là nồng độ muối trong máu và các tế bào thường tương đương nhau. Nếu máu đột nhiên trở nên loãng hơn, nó có thể khiến các tế bào, đặc biệt là các tế bào não phình to lên, tạo ra áp lực trong sọ, dẫn đến hiện tượng đau đầu và trong trường hợp nghiêm trọng có thể gây tử vong".
Bên cạnh đó, khi uống quá nhiều nước, lượng chất điện giải trong cơ thể sẽ bị giảm và gây mất cân bằng. Nồng độ chất điện giải thấp có thể gây tình trạng co cứng cơ, co thắt cũng như gây ra tình trạng mệt mỏi quá mức.
Uống nhiều nước, đặc biệt là vào cuối ngày, có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn và gây khó ngủ hay mất ngủ.
Nước ở đây có thể bao gồm cả trà, cà phê, sữa, các loại nước ép trái cây và thậm chí là cả nước có trong những loại thực phẩm như: trái cây, rau củ…
Tùy thuộc vào lượng nước bạn uống bao nhiêu và uống trong một thời gian ngắn hay dài mà những người uống quá nhiều nước hàng ngày có thể gặp nhiều triệu chứng khác nhau như nhức đầu nhẹ hoặc gặp tình trạng khó thở.
Lượng nước bạn cần uống trong ngày sẽ tùy thuộc vào ngoại hình, môi trường sống và khả năng hoạt động của bạn. Thông thường, một người nên uống 1,5-2 lít nước/ngày.
Các chuyên gia khuyến cáo nên uống nước thật chậm, chỉ uống khoảng 60-90ml nước mỗi lần và chia làm nhiều lần trong ngày.
Nếu ăn nhiều loại thực phẩm giàu nước như: rau, hoa quả, đậu và ngũ cốc nấu chín, bạn có thể giảm lượng nước uống trong ngày.
Ngược lại, nếu không ăn nhiều loại thực phẩm giàu nước và ăn mặn hoặc ăn nhiều gia vị trong các bữa ăn, bạn cần tăng lượng nước uống trong ngày. Bên cạnh đó, nếu bạn cao lớn, hoạt động nhiều hay đang trong thời tiết nắng nóng thì cũng nên uống nhiều nước hơn.
Cách tốt nhất để biết khi nào cần uống nước là khi bạn cảm thấy khát. Bạn cũng có thể biết lúc nào cần uống nhiều hơn hoặc ít đi bằng cách theo dõi màu sắc của nước tiểu.
Màu sắc "lý tưởng" nhất là màu vàng nhạt. Nếu màu đậm hơn thì có nghĩa là bạn đang bị mất nước và cần phải bổ sung, còn màu rất nhạt hoặc gần như không màu thì điều đó đồng nghĩa với việc bạn đã uống quá nhiều và cần hạn chế bớt lượng nước cũng như tốc độ uống.
Một dấu hiệu khác của việc uống quá nhiều nước là hay thức dậy lúc nửa đêm để vào nhà vệ sinh. Hầu hết mọi người sẽ đi vệ sinh 6 - 8 lần mỗi ngày. Nếu bạn đi tiểu nhiều hơn 10 lần/ngày thì bạn có thể đã uống nhiều nước hơn cơ thể cần. Để ngăn ngừa tình trạng đi tiểu đêm, cốc nước cuối cùng bạn uống nên trước khi đi ngủ là khoảng 1 - 2 tiếng để thận có kịp thời gian để lọc nước.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí