Đối với những người sống ở thành phố lớn, vấn đề ô nhiễm không khí thực sự rất nhức nhối. Khi phổi thường xuyên hít khí độc từ môi trường, những chất ô nhiễm này sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản, xơ nang, viêm phổi lên gấp nhiều lần.
Chính vì vậy, để bảo vệ phổi, cách tốt nhất nên sống trong môi trường có không khí trong lành. Nếu không có điều kiện sống như vậy, bạn vẫn có thể giúp phổi của mình khỏe mạnh hơn nhờ vào những loại thực phẩm chuyên biệt có tác dụng bổ phổi. Sau đây là 10 loại thực phẩm bạn có thể tham khảo.
1. Táo
Trong táo chứa nhiều vitamin C, E, flavonoid, beta carotene, những chất chống oxy hóa này có tác dụng rất tốt cho phổi. Những nghiên cứu cho thấy, nếu tiêu thụ 5 quả táo mỗi tuần sẽ giúp phổi hoạt động tốt hơn và làm giảm nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
2. Quả óc chó
Quả óc chó rất giàu axit béo omega-3, rất có lợi cho sức khỏe. Đặc biệt, dưỡng chất này còn có tác dụng chống lại bệnh hen suyễn, chống viêm và một số tình trạng hô hấp.
3. Bông cải xanh
Bông cải xanh có hàm lượng cao vitamin C, carotenoid, folate và phytochemical giúp chống lại các yếu tố gây hại cho phổi. Chất sulforaphane có trong bông cải xanh có tác dụng thúc đẩy hoạt động của gen NRF2 trong các tế bào ở phổi, giúp phổi tránh được những tổn thương do các chất độc hại như khói thuốc lá gây ra.
Tiêu thụ bông cải xanh rất tốt cho phổi.
Các chuyên gia tại trường Đại học Y Johns Hopkins (Mỹ) cho biết, tiêu thụ bông cải xanh có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Ngoài ra, hợp chất glucosin có trong các loại rau họ cải như bông cải xanh được chứng minh giúp làm giảm nguy cơ ung thư phổi ở phụ nữ lên tới 20%.
4. Quả mọng
Quả acai và việt quất là 2 trong số những loại quả có tác dụng bổ phổi hiệu quả nhất. Chúng rất giàu chất chống oxy hóa như vitamin C, giúp chống lại các gốc tự do gây hại tế bào.
5. Ớt chuông
Chất capsaicin trong ớt giúp kích thích bài tiết và bảo vệ màng nhầy ở đường hô hấp trên và dưới. Nó còn chứa nhiều vitamin C, chất này rất quan trọng đối với những người thường xuyên hút thuốc. Những người hút thuốc nên tiêu thụ thêm 35mg vitamin C mỗi ngày để bảo vệ chức năng phổi tốt hơn.
Đặc biệt, chất phytochemical trong ớt chuông giúp ngăn chặn sự phát triển của ung thư phổi.
6. Gừng
Gừng không chỉ chống viêm mà còn giúp giải độc, thúc đẩy quá trình đào thải các chất ô nhiễm ra khỏi phổi. Gừng giúp giảm tắc nghẽn, khơi thông đường thở, cải thiện quá trình lưu thông không khí tới phổi, tăng cường sức khỏe cho phổi.
Gừng luôn được xem là một vị thuốc tự nhiên điều trị cảm lạnh hay đau họng. Hợp chất tạo nên vị cay nồng của gừng sẽ ngăn ngừa được bệnh hen suyễn hiệu quả.
7. Hạt lanh
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Ung thư BMC, chế độ ăn có hạt lanh không chỉ bảo vệ các mô phổi trước khi tiếp xúc với bức xạ mà còn có thể làm giảm đáng kể thiệt hại sau khi phơi nhiễm xảy ra.
8. Tỏi
Tỏi chứa nhiều flavonoid, giúp kích thích sản xuất glutathione, tăng cường loại bỏ độc tố và các chất gây ung thư, bảo vệ phổi hoạt động tốt hơn.
9. Bí ngô
Bí ngô đặc biệt giàu carotenoid, bao gồm beta carotene, lutein và zeaxanthin, tất cả đều có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm mạnh mẽ.
Bí ngô rất tốt cho phổi.
Các nghiên cứu cho thấy rằng, mức carotenoid trong máu cao hơn có liên quan đến chức năng phổi tốt hơn.
10. Nghệ
Nghệ có đặc tính chống viêm nhờ hợp chất curcumin. Hợp chất này giúp giảm viêm đường hô hấp, triệu chứng tức ngực, bệnh hen suyễn, hỗ trợ chức năng phổi tốt hơn.
Trong tinh bột nghệ còn chứa nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C, E, K, có tác dụng rất tốt trong việc loại bỏ độc tố, thanh lọc cơ thể. Ngoài ra, một số thành phần khác của nghệ có tính sát khuẩn, kháng virus, giúp ngăn ngừa viêm nhiễm, làm sạch phổi.
Theo Trí Thức Trẻ