"Trong số hơn 300 trường hợp hiện đã được chẩn đoán (nghi nhiễm biến chủng Omicron) ở nhiều quốc gia, tất cả đều là những ca bệnh rất nhẹ hoặc không có triệu chứng", Giáo sư Paul Kelly, Giám đốc Y tế Australia, cho biết hôm 2/12.
Theo giáo sư Kelly, không có dấu hiệu nào cho thấy biến chủng Omicron mới gây tử vong nhiều hơn các chủng virus khác.
Biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu ở khu vực phía nam châu Phi từ giữa tháng 11. Kết quả giải trình tự gen cho thấy, Omicron chứa đến 50 đột biến, trong đó có 32 đột biến trên protein gai, gấp đôi số đột biến của chủng Delta. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng Omicron dễ lây nhiễm hơn cũng như kháng các loại vaccine.
Omicron hiện đã lan ra ít nhất 23 quốc gia, vùng lãnh thổ, song số ca nhiễm chưa nhiều và cũng chưa ghi nhận ca tử vong nào liên quan đến biến chủng này. Mỹ và Hàn Quốc là 2 quốc gia mới nhất ghi nhận ca nhiễm Omicron là người có lịch sử đi lại châu Phi gần đây và đều có triệu chứng nhẹ.
Australia cho đến nay đã ghi nhận 7 ca nhiễm biến chủng Omicron, trong đó có 6 trường hợp ở New South Wales, bang đông dân nhất của Australia.
Giáo sư Kelly cho biết, nhiều trường hợp trong số hàng trăm ca nhiễm biến chủng Omicron xuất hiện trên khắp thế giới là ở những người đã tiêm vaccine. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy vaccine Covid-19 hiện thời không thể chống lại Omicron - biến chủng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm "đáng lo ngại".
Giáo sư Kelly cho biết nhiều trường hợp được chẩn đoán nhiễm biến chủng Omicron ở nhiều nước trên thế giới, trong đó phần lớn là du khách từ khu vực phía nam châu Phi, đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Tuy nhiên họ không bị bệnh nặng dù nhiễm biến chủng mới.
"Vì vậy, chúng ta cần chờ đợi, theo dõi và thu thập thêm thông tin", ông Kelly nói.
Bang New South Wales đã báo cáo ca nhiễm thứ 7 của biến chủng mới. Người này từ Doha, Qatar đến Australia hôm 23/11, nhưng trước đó không đến khu vực phía nam châu Phi. Điều này cho thấy virus có thể đã được lây nhiễm trên máy bay.
Trong khi chính phủ Australia kêu gọi các bang tránh áp đặt lại các lệnh phong tỏa, các cơ quan y tế khuyến cáo nên thận trọng cho đến khi họ biết thêm về khả năng lây nhiễm và độc lực của Omicron.
"Chúng tôi biết loại virus này rất nguy hiểm, nó xuất hiện dưới một số hình thức khác nhau. Đừng xem nhẹ", Bộ trưởng Y tế Australia New South Wales Brad Hazzard nói với các phóng viên hôm 2/12.
Mặc dù vậy, giới chuyên gia cảnh báo, vẫn còn quá sớm để khẳng định khả năng lây lan hay mức độ nghiêm trọng của Omicron. Trong một kịch bản tích cực, nếu Omicron có lây lan nhanh hơn nhưng độc lực giảm, nó có thể sớm trở thành biến chủng trội toàn cầu, thay thế Delta và Covid-19 sẽ không gây mối đe dọa lớn như hiện nay khi độ phủ vaccine toàn cầu tăng lên.
Các chuyên gia Nam Phi cũng cho rằng, hầu hết các ca nhiễm Omicron có triệu chứng không nghiêm trọng, vì vậy người dân không nên hoảng sợ, nhưng vẫn cần thận trọng khi còn quá ít dữ liệu về biến chủng nào. Người dân được khuyến cáo nên chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ, đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết của tiêm chủng vaccine.
Theo Dantri