Ngày 6/1, Claire Chung đã chia sẻ hình ảnh chụp CT phổi của mình, mục đích kêu gọi thanh thiếu niên dừng hút thuốc lá điện tử.
“Điều đáng sợ nhất là tôi chưa bao giờ cảm thấy bất cứ điều gì bất thường. Hãy chia sẻ hình ảnh này đến bất kỳ ai đang sử dụng thuốc lá điện tử và các tinh dầu tạo mùi”, Claire viết trên trang cá nhân.
Claire Chung tại bệnh viện. Ảnh: Claire Chung
Hình ảnh CT cho thấy phổi Claire tổn thương nặng nề, các mô bị hủy hoại hoàn toàn, ống phế quản có biểu hiện viêm nghiêm trọng.
Trước khi đi khám, Claire sốt 40 độ C liên tục trong ba tuần liền mà không có bất cứ triệu chứng nào khác. Gia đình cho rằng cô bị cảm lạnh. Sau vài tuần dùng thuốc, bệnh tình không thuyên giảm, Claire quyết định kiểm tra thêm.
Ban đầu, bác sĩ chẩn đoán cô bị “viêm nhẹ ở vùng dưới phổi trái” và kê đơn kháng sinh uống trong 48 giờ. Tuy nhiên, Claire tiếp tục sốt cao phải vào viện cấp cứu.
“Kết quả chụp CT phổi, vô cùng đáng lo. Phổi của người khỏe mạnh khi chụp CT sẽ có màu đen, còn tôi, ở tuổi 19, cả hai phổi toàn màu trắng đục”, Claire nói.
Cô phải nhập viện điều trị thời gian dài, sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch và steroid.
Phổi của người bình thường (trên) và phổi của Claire Chung (dưới). Ảnh: Claire Chung
Trước đó, ngày 31/12, một thiếu niên 15 tuổi tại Texas, đã tử vong do hút thuốc lá điện tử.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), tính đến ngày 7/1, đã có 2.602 ca viêm phổi và 57 người tử vong liên quan đến thuốc lá điện tử. Độ tuổi của các bệnh nhân từ 15 đến 75.
Ngày 8/11/2019, CDC công bố tìm thấy vitamin E acetate trong mẫu bệnh phẩm của người sử dụng thuốc lá điện tử. Chất này thường được sử dụng để làm đặc dung dịch trong thuốc lá điện tử, đặc biệt là hàng bán “chợ đen” và là một trong những tác nhân gây ung thư phổi.
Nguồn: Dân Trí