Hành lá tác dụng giải cảm, sát trùng, trị đau bụng, bí tiểu tiện. Hành tây trị mệt mỏi, suy nhược cơ thể, đau đầu. 

Hành lá

Cây hành lá còn có tên hành hoa, là cây thảo, cao 0,5 m, có thân hình nhỏ, chỉ hơi phồng, rộng 0,7-1,5 cm. Lá hình trụ rỗng, có 3 cạnh ở dưới, có bẹ. Cán hoa (trục của cụm hoa) cao bằng lá. Cụm hoa hình đầu tròn, gồm nhiều hoa có cuống ngắn, bao hoa có các mảnh hình trái xoan nhọn, màu trắng có sọc xanh, bầu xanh nhạt, quả nang.

Hành là gia vị tuyệt hảo trong nấu nướng, có thể ăn sống, luộc ăn và muối dưa. Món dưa hành đã trở thành món ăn quen thuộc, đặc biệt trong dịp Tết.

42 1 Cong Dung Chua Benh Cua Cay Hanh

Cây hành lá có thể ăn sống, muối dưa, làm gia vị, sắc uống. Ảnh: Healthplus

Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết hành vị cay, tính ấm, tác dụng giải cảm, sát trùng, thông khí trệ, yên ngũ tạng. Đây là vị thuốc chữa nhiều bệnh, đặc biệt là phòng ngừa bệnh cổ trướng, bằng việc sắc uống hành hàng ngày. Bệnh cổ trướng thuộc vào loại "tứ chứng nan y"(Phong, Lao, Cổ, Nại), trước đây ai mắc phải hầu như vô phương cứu chữa, chỉ còn chờ chết. Bệnh cổ trướng theo y học cổ truyền là do tỳ vị không vận hóa được thủy thấp, làm cho thức ăn và nước tích chứa trong tạng phủ gây cổ trướng (bụng căng lên như cái trống hay như bọng cóc), nước rút được bao nhiêu thì nó lại căng lên ngay.

Ngoài ra, hành trị cảm mạo, nhức đầu, nghẹt mũi bằng việc sắc hành cùng gừng và tía tô uống hàng ngày. Dùng lá hành chọc vào lỗ mũi (nam bên trái, nữ bên phải) giúp thông khí trệ, chữa ngất xỉu. Với những cơn đau bụng cấp, hành bóc sạch, giã nát, lấy ông bơm vô họng rồi bơm dầu mè vô, hễ nuốt được một chút sẽ tỉnh, sau đi giải ra sâu và nước vàng là khỏi. Hành giã nát, sao nóng, chườm ở bụng dưới, hễ nguội thay gói khác là thông ngay hoặc kết hợp uống nước râu ngô trị bí tiểu tiện...

Hành lá có nhiều công dụng, song theo lương y Sáng, hành có tính phát tán, không nên dùng nhiều hại mắt. Đặc biệt không ăn hành chung với đường, mật, thịt chó.

Hành tây

Hành tây là cây thảo sống hai năm, có giò phình to (thường gọi là củ) gồm nhiều vảy thịt tức là các bẹ lá chứa nhiều chất dinh dưỡng. Củ hành có hình dạng tròn đều (hình cầu) hoặc hình cầu hơi dẹt, hình bầu dục hoặc hình bầu dục dài, có vỏ dạng vảy, lớp ngoài màu vàng nâu hoặc tím nhạt, lớp trong màu trắng. Việt Nam chủ yếu có hai giống hành tây nhập từ Pháp và Nhật, được trồng phổ biến ở đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung và ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Hành tây là loại rau được sử dụng phổ biến ở châu Âu trong các bữa ăn hàng ngày. 

42 2 Cong Dung Chua Benh Cua Cay Hanh

Ở nước ta, hành tây cũng thường được sử dụng để xào với thịt, dầm giấm để ăn sống... Ảnh: Egypt Today

Theo lương y Sáng, trong 100 g hành tây có nước 88 g, protid 1,8 g, glucid 8,3 g, chất xơ 0,1 g, tro 0,8 g. Các chất khoáng calcium 38 mg, phosphor 58 mg, sắt 0,8 mg, croten 0,03 mg, vitamin có 0,03 mg B1, 0,04 mg B2, 0,2 mg PP, 10 mg C.

Hành tây là một thứ gia vị bổ, ngon, vừa có tác dụng thông tiểu tiện và lợi đường hô hấp, chống bệnh hoại huyết, sát khuẩn và chống nhiễm khuẩn, chống chứng huyết khối.

Hành tây chủ trị mệt mỏi, suy nhược cơ thể và thần kinh, thủy thũng, thừa urê huyết, đau sinh dục tiết niệu, béo phì, xơ cứng động mạch, đái đường, viêm hạch, đau răng, mụn cóc, đau đầu, sung huyết não, đau răng, áp xe, nhọt, ong đốt, nứt nẻ. 

Sắc uống hành tây trị tiểu tiện không thông, khó thở. Hành tây giã đắp lên đầu chữa say nắng, nhức đầu. Ép hành tây lấy nước cốt, uống 1 thìa vào mỗi buổi sáng giảm đường huyết...

Lương y khuyến cáo những người có bệnh ngoài da không nên ăn hành tây.

Thúy Quỳnh




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC