Người đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19 vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Các nhà khoa học đang nghiên cứu thêm về di chứng hậu Covid-19 ở những người này.

Ngày 10/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức định nghĩa Covid-19 kéo dài, hay Long Covid, là tình trạng sau khi mắc Covid-19. Nó thường xảy ra trong khoảng 3 tháng kể từ khi mắc bệnh với các triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tháng và không thể giải thích bằng chẩn đoán. Các triệu chứng Covid-19 kéo dài có thể thay đổi hoặc tái phát theo thời gian.

Đến nay, các nghiên cứu mới chỉ tìm hiểu những triệu chứng Long Covid ở người mắc Covid-19 chưa được tiêm vaccine. Vì vây, thách thức mới cho các nhà khoa học là tìm hiểu sâu hơn về việc hội chứng này xảy ra như thế nào ở những người mắc Covid-19 dù đã tiêm vaccine.

Các triệu chứng Long Covid phổ biến

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật Covid-19 của WHO, cho biết rất nhiều người bị nhiễm SARS-CoV-2 đang đối mặt với những di chứng kéo dài.

Bà Janet Diaz, Trưởng nhóm chăm sóc lâm sàng trong chương trình khẩn cấp của WHO, người đứng đầu nghiên cứu về Long Covid, cho biết đến nay đã có tới hơn 200 triệu chứng được báo cáo liên quan di chứng hậu Covid-19.

Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), các triệu chứng Long Covid phổ biến bao gồm: Mệt mỏi nghiêm trọng; khó thở; hồi hộp, lo lắng; đau hoặc tức ngực; các vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung (còn gọi là hội chứng sương mù não); khó ngủ (mất ngủ); tim đập nhanh; chóng mặt; đau khớp; trầm cảm và lo âu; ù tai, đau tai; cảm thấy buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, chán ăn; sốt cao, ho, nhức đầu, đau họng, thay đổi khứu giác hoặc vị giác; phát ban.

Bà Diaz cho biết một số người có biểu hiện bệnh kéo dài 3 tháng, nhưng cũng có trường hợp lên đến 6-9 tháng, thậm chí lâu hơn.

Cho tới nay, nguyên nhân gây ra hội chứng Long Covid vẫn chưa được xác định hoàn toàn rõ ràng. Theo một số nghiên cứu, SARS-CoV-2 có thể gây viêm trong mạch máu hoặc tế bào, từ đó sản sinh chất độc với não hoặc mạng lưới mạch máu.

Một giả thuyết khác là do tình trạng tự miễn, trong đó, virus "đánh lạc hướng" hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể sản sinh kháng thể chống lại các mô của chính mình. Tình trạng này có thể tồn tại suốt nhiều tháng.

1 Di Chung Keo Dai O Nguoi Mac Covid 19 Da Tiem Vaccine

Hội chứng hậu Covid-19 khiến nhiều người mệt mỏi, uể oải trong thời gian dài sau khi khỏi bệnh. Ảnh: SWHR.

Long Covid ở người đã tiêm vaccine

Theo New York Times, hiện các nhà nghiên cứu vẫn chưa có nhiều dữ liệu về Long Covid, nhưng họ phát hiện 10-30% người trưởng thành nhiễm nCoV có thể gặp hội chứng này, bao gồm cả người bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng gì.

Tuy nhiên, phần lớn dữ liệu thu thập được về Covid-19 kéo dài được thu thập từ khoảng thời gian lâu trước đó và nằm trong nhóm dân số chưa được tiêm chủng. Nguy cơ phát triển Covid kéo dài đối với người bị nhiễm bệnh sau khi đã tiêm chủng đầy đủ, hay còn gọi là nhiễm trùng đột phá, vẫn chưa được nghiên cứu.

Các nhà nghiên cứu vẫn đang đi tìm câu trả lời cho thắc mắc hiện bao nhiêu phần trăm trường hợp nhiễm trùng đột phá phát triển các triệu chứng kéo dài? Các triệu chứng dai dẳng ở những người này có nghiêm trọng như người chưa được chủng ngừa không?

Tiến sĩ Zijian Chen, Giám đốc y tế tại Trung tâm Chăm sóc hậu sản thuộc Hệ thống Y tế Mount Sinai ở New York (Mỹ), cho biết: "Tôi không nghĩ rằng có đủ dữ liệu và còn sớm để nói về vấn đề này. Hiện tại, số trường hợp nhiễm trùng đột phá không cao và cũng chưa có đủ dữ liệu theo dõi tình trạng của những bệnh nhân này".

Nghiên cứu gần đây về các nhân viên chăm sóc sức khỏe ở Israel được công bố trên Tạp chí New England Journal of Medicine đã đề cập về nguy cơ mắc hội chứng kéo dài ở các trường hợp nhiễm trùng đột phá.

Nghiên cứu cho thấy trong số 1.497 nhân viên y tế được tiêm đủ liều, 39 người (khoảng 2,6%) gặp nhiễm trùng đột phá. Trong khi hầu hết trường hợp mắc bệnh sau tiêm vaccine là nhẹ hoặc không có triệu chứng, 7 nhân viên gặp di chứng Long Covid sau 6 tuần. Các triệu chứng bao gồm mất khứu giác kéo dài, ho dai dẳng, mệt mỏi, suy nhược, khó thở hoặc đau cơ.

Do mục đích của nghiên cứu là tìm hiểu nồng độ kháng thể ở những người nhiễm bệnh, các nhà khoa học không đi sâu vào tìm hiểu nguy cơ mắc di chứng hậu Covid-19 ở những người đã tiêm vaccine.

Tuy nhiên, con số 1/5 nhân viên y tế bị nhiễm trùng đột phá gặp di chứng sau 6 tuần có thể là tiền đề để các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu về vấn đề này.

Tiến sĩ M. Wachter, Giáo sư và Chủ nhiệm khoa Y tại Đại học California, San Francisco, nói rằng dù có nhiều hạn chế trong nghiên cứu của Israel, dữ liệu cung cấp thêm bằng chứng cho thấy người được tiêm chủng nên tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa hợp lý để ngừa lây nhiễm virus.

Diana Berrent, người sáng lập Survivor Corps, trang nhóm cá nhân dành cho những người bị ảnh hưởng bởi Covid-19 có khoảng 171.000 thành viên, đã thực hiện cuộc thăm dò không chính thức. Kết quả cho thấy 24 người nói rằng họ có các triệu chứng kéo dài sau khi bị nhiễm trùng đột phá.

"Đây không phải là khảo sát mang tính khoa học và các trường hợp báo cáo vẫn chưa được xác thực. Tuy nhiên, cuộc thăm dò cho thấy việc tìm kiếm thêm dữ liệu về vấn đề này là rất cần thiết", bà Berrent nhận định.

Một số chuyên gia dự đoán sự gia tăng của các ca bệnh mới do sự lây lan của biến chủng Delta. Thật không may, điều này có thể làm gia tăng số ca mắc Covid-19 dù đã tiêm vaccine trong những tháng tới.

Athena Akrami, nhà thần kinh học tại Đại học London, đã tham gia nghiên cứu thu thập và công bố dữ liệu từ gần 4.000 bệnh nhân mắc hội chứng Covid-19 kéo dài. Bà Akrami cho biết mặc dù thiếu dữ liệu, có một điều rõ ràng là tiêm vaccine sẽ làm giảm nguy cơ bị nhiễm virus và mắc hội chứng kéo dài.

"Đó là một phép toán đơn giản. Nếu bạn giảm nguy cơ nhiễm bệnh, khả năng mắc hội chứng Covid-19 kéo dài sẽ tự động giảm xuống", tiến sĩ Akrami nhận định.

Theo Zing




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC