Trưa 5.10, bà N.T.Ch (68 tuổi) được điều dưỡng Khoa Hồi sức và phục hồi chức năng (HS-PHCN) cho bệnh nhân (BN) sau điều trị Covid-19, Bệnh viện (BV) Thống Nhất TP.HCM thông báo chiều cùng ngày sẽ được xuất viện vì đã hồi phục. Bà Ch. tươi cười cảm ơn điều dưỡng và nói mẹ con bà thuê xe đi một mạch về Đồng Tháp, không ghé bất cứ đâu ở TP.HCM vì đã quá sợ. Bà Ch. là một trong những BN đầu tiên của Khoa HS-PHCN cho BN sau điều trị Covid-19 ở BV này.
Cứ nhắm mắt là thấy người chết
Bà Ch. nhớ lại, đầu năm 2021 bà từ Đồng Tháp lên TP.HCM nuôi con gái sinh. Đến ngày 5.8, bà được phát hiện nhiễm Covid-19 và 5 ngày sau thì được chuyển vào BV Q.Gò Vấp.
Biết mẹ nhập viện, anh L.S.C (28 tuổi, con trai bà Ch.) đang làm việc ở TP.HCM đến BV xin vào chăm sóc mẹ và rồi anh cũng nhiễm Covid-19, nhưng triệu chứng rất nhẹ. Theo lời anh C., khi mẹ anh chuyển nặng thì được đưa lên khu hồi sức thở ô xy cao tầng BV Gò Vấp. Anh hướng dẫn mẹ gắng hít sâu để thở. “Vừa động viên mẹ gắng thở, tôi vừa vuốt lưng năn nỉ mẹ cố lên để sống, vừa quạt để tiếp sức, khi SpO2 lên 93%, tôi nhẹ người”, anh C. nói.
Bà Ch. sau 20 ngày điều trị hậu Covid-19, sức khỏe đã hồi phục, tinh thần phấn chấn hơn
Còn bà Ch. nhớ như in: “Không biết vì sao lúc đó đang bệnh nhẹ bỗng trở nặng, liệt hết nửa thân người dưới, 3 đêm liền tôi không ngủ được, tôi bỏ ăn và suy sụp luôn. Cứ nhắm mắt thì thấy vật gì đó màu đen và thấy toàn người chết. Tôi cũng nghĩ là chết rồi, chỉ còn 1% sống, phải giành giật hơi thở từng chút, từng chút, ráng hít sâu để thở, đau lắm. Nó như đu sợi dây chỉ 3 ngày. Tôi vái trời phật, nếu cho tôi đi theo ông bà thì xin được chết nhẹ nhàng. Khi tưởng như không qua khỏi, tôi nói lời trăn trối với người con trai: Ráng sống và ở lại nghe, mẹ đi trước, mẹ hết cầm cự nổi rồi”.
Anh L.S.C tiếp lời mẹ: “Chỗ mẹ nằm chung nhiều người lớn tuổi lại bị bệnh nền, nhiễm Covid-19 nặng và nhiều người lần lượt ra đi trước mặt mẹ. Tâm lý mẹ lại càng thêm suy sụp, ngày càng kiệt quệ. Tôi điện thoại cho dì, anh em nói mẹ khó qua khỏi vì SpO2 có lúc xuống còn 50%, ai cũng khóc”. Thấy mẹ mình trong tình cảnh như hết hy vọng, anh khóc năn nỉ: “Mẹ ơi, mẹ cố vượt qua và khỏe lại để về với gia đình, với cháu và cưới vợ cho con”. Nhìn đứa con trai như thế, bà Ch. tự nhủ lòng ráng cố gắng để sống.
Bà Ch. vừa nói, vừa cười hiền: “Tôi coi trong sách số, tôi chết người ta đưa tiễn đông lắm, còn bây giờ chết một mình buồn thiu, sợ lắm”. Bà chỉ tay về hướng người con trai đang ngồi, bảo: “Không có nó tôi chết rồi!”.
Còn con trai bà Ch. tâm sự: “Cái chính là mẹ cố gắng, còn tôi chỉ là người níu kéo mẹ ở lại. Tôi nghĩ, nếu mắc Covid-19 mà không có người thân bên cạnh thì cơ hội sống sẽ rất thấp, vì ngày tôi vào viện, mẹ nằm ngay đơ, ốm nhom, nói chuyện không nghe được, còn nay thì nhà báo thấy đó, da dẻ bà hồng hào trở lại”.
Ông H. mong khỏi bệnh để về với con cháu
“Tới đây là hết chết, yên tâm”
Được sự động viên của bác sĩ và con trai, nên bà Ch. ngủ được, sức khỏe dần hồi phục, vượt cửa tử. 35 ngày nằm ở BV Q.Gò Vấp, dù xét nghiệm Covid-19 âm tính nhưng khi xuất viện bà Ch. không thể đi lại bình thường, vẫn ám ảnh cảnh nhiều người ra đi trước mắt nên chưa thể ổn định để về nhà. Người con trai đưa mẹ đến Khoa HS-PHCN cho BN sau điều trị Covid-19, BV Thống Nhất. Khi bà Ch. vừa bước vào cửa phòng bệnh, một BN động viên: “Tới đây là hết chết rồi, yên tâm”. Nghe được câu này, bà Ch. như được tiếp thêm động lực.
Sau 20 ngày nằm ở BV Thống Nhất, bà Ch. tâm sự với chúng tôi: “Ở đây được chăm sóc rất kỹ, được chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm tại giường; được tập thở, châm cứu tại giường, lại thêm nhiều thuốc men, nhân viên y tế dễ thương. Tôi thấy mỗi ngày một khỏe lên, tôi hồi phục 60 - 70% so với ban đầu và đã cai được ô xy mấy ngày, tôi vui lắm”.
Hai mẹ con bà Ch. tự tin thả tim làm dáng trước ống kính của PV với niềm vui vì đã vượt qua cửa tử, được trở về nhà. Buổi chiều của ngày thứ 57 kể từ lúc nhập viện, bà Ch. xuất viện, bà đi một mạch về quê mà không ghé thăm con cháu, bà bảo: “Sợ quá rồi!”.
Vi rút như kẻ thù vô hình
Ở đối diện phòng bà Ch., trên giường bệnh ông N.K.H (78 tuổi, ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) ngủ sâu và tiếng thở nặng nề, kéo dài nghe rõ mồn một. Con gái ông H. cho biết từ lúc hết nhiễm Covid-19 đến nay, ông không ngủ về đêm mà cứ đi loanh quanh trong phòng, ban ngày ngủ được vài tiếng.
Con gái ông H. kể ba mình mắc Covid-19 từ cuối tháng 8, nhưng điều trị ở nhà và khỏi bệnh vào giữa tháng 9. Ông còn có bệnh lý cao huyết áp, suy thận, tai biến nên việc ông khỏi Covid-19 là kỳ tích. Nhưng khi khỏi bệnh thì ông khác hẳn so với trước, yếu dần, bỏ ăn uống, rơi vào mê sảng, nên gia đình đưa đến BV Thống Nhất.
“Ông ngủ hay nói mớ và mơ về những điều tồi tệ xảy ra với mình, nghĩ có người ra đi, xong họ tới đưa ông đi. Thế là ông hoảng loạn, chân tay bứt rứt nhưng không biết đau ở đâu, người uể oải, bụng thì khó chịu”, con gái ông H. kể lại. Sau 8 ngày tập vật lý trị liệu, uống thuốc, ông H. ngủ được hơn một chút, nhưng ban đêm vẫn thức suốt.
Ngủ được mươi phút, ông H. thức dậy, con gái dìu đi vệ sinh, với dáng vẻ uể oải. Chúng tôi hỏi nguyên nhân vì sao ông lại bỏ ăn, bỏ uống và mất ngủ như vậy? Ông trả lời: “Cái bệnh quái ác quá!”.
Rồi ông kể lịch sử cuộc đời đã đi chiến đấu trên nhiều chiến trường từ bắc tới nam. Ông bảo trên chiến trường mỗi người một cây súng, ông thấy địch để bắn, còn con vi rút như sốt rét, Covid-19 mà ông từng trải qua, nó giống như kẻ thù vô hình, nó loanh quanh trong người khó chữa, nó khiến ông đau đầu, đau mình, ăn uống không được. Ngồi chừng 3 phút thì ông mệt nên kêu con gái đỡ nằm xuống giường. Cô con gái khuyên ba cố lên để mau được về nhà. Ông bảo mong hết bệnh để về gặp con, cháu.
Ông H. lại nằm lơ mơ không ngủ được, mệt mỏi. Con gái ông cho biết: “Trước khi nhiễm Covid-19, ông cũng hơi yếu, nhưng bây giờ thì yếu quá. Nhà báo hỏi chuyện này thì ông lại nói vu vơ chuyện khác…”. (còn tiếp)
Giống như khoa điều trị bệnh nhân Covid-19
Ở Khoa HS-PHCN cho BN sau điều trị Covid-19 BV Thống Nhất, quy trình phòng chống nhiễm khuẩn giống y như một khoa điều trị BN Covid-19. PV muốn vào phòng BN, điều dưỡng trưởng đích thân hướng dẫn mặc đồ bảo hộ và loại đồ cấp 4, mang 2 lớp găng tay. Điều dưỡng trưởng dặn dò PV cách thay bảo hộ an toàn và đi ra phòng thay đồ theo quy trình một chiều. Sau gần 3 giờ mặc bảo hộ, PV chảy mồ hôi ướt như tắm, ngứa. Thế nhưng, các y bác sĩ phải mặc bảo hộ cả buổi, thậm chí cả ngày! |
Duy Tính
Nguồn: thanhnien.vn