Bạn chỉ đến phòng khám nha khoa với mục đích tư vấn và khám định kỳ răng tuy nhiên đùng một cái, bạn quyết định bọc sứ hoặc mặt sứ toàn bộ do "quá nhiều người đã bọc và đều rất đẹp sau đó", quyết định “cống nạp” cho phòng khám. Chuyện gì sẽ xảy ra với hàm răng ấy của bạn sau nhiều năm?
Nếu như bạn là người đã thay đổi toàn bộ răng của mình bằng những loại sứ trắng sáng "kin kít" và sau đó không gặp vấn đề gì về răng miệng thì chúc mừng bạn, bạn là một trong số ít những người may mắn. Tuy nhiên, về dài lâu không ai có thể chắc chắn được.
Một người bạn của tôi đi khám tổng quát răng, ban đầu chỉ có ý định cạo vôi răng và tẩy trắng răng.
Tuy nhiên, do răng đau và không được trắng đẹp, phòng khám đó đã tư vấn bệnh nhân lấy tủy hết hai hàm răng để mài và bọc sứ với lời khẳng định chắc nịch và đầy tự tin: “Đau một lần rồi đẹp vĩnh viễn".
Không lâu sau đó tôi lại nghe người bạn này than phiền vì phải liên tục quay trở lại phòng khám vệ sinh trong trạng thái stress. Tiền bỏ túi phòng khám chưa kịp nóng thì chân răng lên cơn đau liên hồi, mỗi sáng ngủ dậy răng miệng rất hôi và những khi im lặng vài giờ phải đi đánh răng mới có thể nói chuyện trở lại.
Một bạn nữ chia sẻ sau khi bọc răng sứ với giá mỗi răng 3 triệu đồng.
Sau khi đến một Trung tâm răng hàm mặt khác thì được biết nguyên nhân là do sứ bọc bị hở, làm miệng hôi và hư răng bên trong. Tủy lấy sai cách khiến hàm bị đau kéo dài.
"Bọc răng sứ, dán răng sứ" trở thành trào lưu thịnh hành với vẻ đẹp trắng sáng của răng sứ, khiến người ta nổi bật sang trọng giữa đám đông cuốn nhiều người vào guồng "phải có răng sứ thì mới đẹp".
Thực tế có phải có răng sứ mới đẹp?
Ai cũng mơ ước mình sở hữu nụ cười tỏa nắng. Những “nha sĩ dởm" hiểu rất rõ khao khát này và họ chỉ việc bắt đầu quá trình thuyết phục, dẫn dắt bạn nhìn thấy những sự thay đổi.
Những hình ảnh “before and after” của việc bọc răng sứ cuốn người ta vào "ma trận" những mong muốn hoàn thiện bản thân. Răng sứ thực chất sẽ đẹp không tì vết như ảnh? Chính sự xuất hiện tràn lan của các phòng khám với mác "giá cả ưu đãi" đã góp phần thúc đẩy trào lưu làm răng sứ hay dán răng sứ, bọc răng sứ,.... Người trẻ, người già, phái đẹp đến phái mạnh đều sẵn sàng bỏ ra khoản tiền khổng lồ để “mua” nụ cười đẹp ngắn hạn hay "nụ cười công nghiệp". Trào lưu này đã góp phần biến châu Á trở thành thị trường lớn nhất thế giới về chất liệu veneer (một chất liệu trong ngành thẩm mỹ răng hàm mặt) mà trong đó Việt Nam là thị phần béo bở.
Hậu quả nào cho một "nụ cười công nghiệp"?
Bọc sứ hay dán răng sứ không cần thiết, chất liêu ảo hoặc không đúng kỹ thuật,.. đặt bạn trước rất nhiều nguy cơ. Bỗng dưng răng đang lành mạnh khỏe đẹp bị mài để làm răng sứ. "Cái răng cái tóc là gốc con người" - từ trước đến nay ông bà ta thường trân trọng những gì thuộc về gốc về cội cũng bởi vì lý do răng, tóc phần nào thể hiện được tình trạng sức khỏe con người, một phần thể hiện hình thức.
Việc mài đi chân răng cũ sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều khi chúng ta về già, thời điểm mỗi người trưởng thành và lão hóa, răng sẽ chính là một trong những bộ phận quan trọng nhất, răng sứ không thể nào được so sánh rắn và chắc như răng thật của mỗi người được.
Mài chân răng trước khi bọc sứ, nhưng sau đó khách hàng này phải tháo răng sứ và đây là hậu quả.
Nặng nề hơn là việc mài nhỏ răng sai cách sẽ gây chết tủy, đau nhức dai dẳng, đổi màu răng, viêm nướu, hôi miệng. Sử dụng loại sứ rẻ tiền để giảm giá cạnh tranh cũng chính là những hình thức mà người tiêu dùng sẽ trở thành "nạn nhân tiếp chiêu" của các trung tâm nha khoa dởm.
Tủy răng là gì?
Trong đó, việc thay đổi răng thật để lắp răng sứ sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến tủy răng mà nó là các mô liên kết giữa các mạch máu, dây thần kinh,... nằm trong khoang tủy và được bao bọc bởi men răng, chúng bao gồm 2 phần tủy buồng và hệ thống ống tủy chúng đảm bảo nhiệm vụ chức năng rằng dẫn truyền thần kinh và nuôi dưỡng răng. Nếu như ảnh hưởng đến viêm tủy răng không kịp thời được chữa trị sẽ gây nên nhiều biến chứng và nguy hiểm, nhiễm trùng máu, hư chân răng,.. dẫn đến một số hậu quả khó lường về não bộ.
Ma trận răng sứ ở Việt Nam
Hàng trăm chất liệu răng sứ mọc lên như nấm sau mưa, nhiều chất liệu được gọi thành tên nhưng "nghe tên chứ chưa thấy mặt". Đa dạng nhất chính là "phủ sứ nano, veneer". Thực tế, theo các chuyên gia nha khoa, bản chất của công nghệ "phủ sứ nano" thật ra chỉ là kỹ thuật trám răng bằng composite - một loại vật liệu trám răng gốc nhựa có màu sắc tương đối giống màu răng thật. Composite được sản xuất với nhiều tông màu từ rất sẫm đến rất sáng, để nha sĩ có thể lựa chọn phù hợp với màu răng bệnh nhân. Thông thường, nó được sử dụng để trám (hàn) các răng sâu, răng sứt mẻ nhẹ.
Composite có dạng mềm nhão, dễ tạo hình. Nhưng khi được chiếu ánh sáng, có bước sóng phù hợp, miếng composite sẽ được "quang trùng hợp" và cứng lại. "Công nghệ" trám composite này đã được sử dụng rộng rãi trong ngành nha khoa trên thế giới cũng như ở Việt Nam từ rất lâu.
Theo đó, hầu hết các bệnh nhân "phủ trắng nano" tại spa đều bị viêm lợi và hôi miệng. Nguyên nhân là do khi đắp composite phủ kín bề mặt răng, các cơ sở nha khoa thường để composite đè lên lợi gây tích tụ vi khuẩn tại viền lợi, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển dẫn đến bệnh viêm lợi, viêm nha chu và hôi miệng. Đặc biệt, khi "phủ" răng không kỹ lưỡng, lỡ phủ kín luôn các kẽ răng. Thức ăn chui vào kẽ răng không thể lấy ra được cũng rất dễ dẫn đến hôi miệng.
Một nụ cười tỏa nắng được nhiều người ưa thích và ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên, chính vì điều nay chúng càng cần phải quyết định sáng suốt về sự thay đổi của của răng.
Điều quan trọng là bạn phải cập nhật kiến thức cho mình, bọc răng chỉ là lựa chọn tốt nếu răng bạn thật sự đã hỏng nghiêm trọng hoặc điều đó là cần thiết giúp bạn nhai, giữ thức ăn. Việc chọn một phòng khám nha rất quan trọng.
Vì thế, bạn nên dành thời gian để chọn được một nha khoa uy tín, do một nha sĩ thực sự điều hành và làm việc. Bạn đừng bao giờ đến nha khoa đầu tiên đã gật đầu. Hãy chịu khó “thị sát” trước khi quyết định thay đổi "bộ mặt" răng miệng.
Ảnh: Internet
Tổng hợp
Nguồn: YAN