Ô nhiễm không khí ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe của bạn. Tiếp xúc với các phụ phẩm độc hại trong khí thải xe cộ đã được chứng minh có liên quan đến nguy cơ tử vong sớm cao hơn do mắc ung thư phổi, nhiễm trùng đường hô hấp, đột quỵ và bệnh tim mạch.
Đeo kính hay sử dụng mũ bảo hiểm có kính chắn bụi cũng không có tác dụng
Nhưng đó chưa phải tất cả, các nhà khoa học ngày càng phát hiện ra nhiều tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí tới cơ thể bạn. Mới đây nhất, một nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt, làm giảm chất lượng cuộc sống và có thể dẫn đến mù lòa.
Đeo kính rất tiếc không làm giảm nguy cơ này. Các nhà khoa học cho biết các hóa chất độc hại trong không khí ô nhiễm được hấp thụ qua phổi vào máu bạn, tạo ra các chất kích ứng hoặc gốc tự do. Sau đó, máu mang các chất này tới gây thiệt lại lên hoàng điểm trong mắt. Các thiệt hại này không thể chữa lành được.
Tầm nhìn của một người bị thoái hóa hoàng điểm
Nghiên cứu mới được thực hiện bởi Tiến sĩ Suh-Hang Hank Juo đến từ trung tâm điều trị cận thị và bệnh mắt tại Đại học Y khoa Trung Quốc và các đồng nghiệp. Đây là lần đầu tiên một quần thể dân số lớn bị thoái hóa hoàng điểm sau khi tiếp xúc với hai chất gây ô nhiễm không khí phổ biến là Nitơ Dioxide (NO2) và Carbon Monoxide (CO) được ghi nhận
Thoái hóa hoàng điểm là một căn bệnh thường thấy ở người già, trong đó các tế bào bị tổn thương ở võng mạc dẫn đến mờ mắt và trong một số trường hợp khiến bệnh nhân bị mù một hoặc cả hai mắt.
Bây giờ sự phát triển của căn bệnh này được cho là có liên quan đến cả việc sống trong môi trường ô nhiễm không khí.
Trong kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học điều tra BMJ, các nhà nghiên cứu cho biết đã phân tích dữ liệu bảo hiểm y tế và chất lượng không khí trong môi trường sinh sống của gần 40.000 người Đài Loan trên 50 tuổi.
Họ chia những người này thành bốn nhóm phơi nhiễm với các loại không khí ô nhiễm khác nhau và phát hiện ra rằng những người sống ở khu vực có nồng độ NO2 và CO cao nhất có tỷ lệ thoái hóa hoàng điểm cao nhất.
Những người tiếp xúc với nồng độ NO2 cao nhất có khả năng mắc bệnh cao hơn gần 200%, trong khi những người tiếp xúc với nồng độ CO cao nhất tăng nguy cơ lên tới 84%. Những người tiếp xúc với mức độ vừa phải của hai chất ô nhiễm không cho thấy nguy cơ cao hơn đáng kể.
"Tôi có một chút ngạc nhiên khi thấy chỉ có mức độ phơi nhiễm cao nhất mới tạo ra nguy cơ", tiến sĩ Juo. "Tuy nhiên, dường như điều đó cho thấy nếu tiếp xúc với không khí ô nhiễm vượt quá một ngưỡng nhất định, rủi ro sẽ bắt đầu xuất hiện".
Ảnh chụp một con mắt bị thoái hóa hoảng điểm
Trước nghiên cứu này, đã có nhiều bằng chứng cho thấy ô nhiễm không khí có thể làm tăng nguy cơ rối loạn mắt.
Tiến sĩ Juo nghi ngờ điều này đặc biệt đúng với thoái hóa hoàng điểm, bởi vì ông biết hoàng điểm và bó tế bào thần kinh ở trung tâm võng mạc được nuôi dưỡng bởi rất nhiều mạch máu. Các chất ô nhiễm như NO2 và CO thì được hấp thụ vào máu rất dễ dàng và sẽ theo đó tới hoàng điểm.
"Lý do tại sao tôi tập trung vào thoái hóa điểm vàng thay vì đục thủy tinh thể hoặc tăng nhãn áp là vì về mặt sinh lý và sinh học, hoàng điểm là phần dễ bị tổn thương nhất của mắt", ông nói.
"Chúng tôi biết hai chất gây ô nhiễm không khí là NO2 và CO có thể làm hỏng các tế bào bằng cách tạo ra các phân tử kích ứng hoặc các gốc tự do. Và một khi các dây thần kinh trong mắt hoặc não bị tổn thương, chúng không thể tái tạo".
Trong nghiên cứu hiện tại, tiến sĩ Juo và các đồng nghiệp đã đo lường mức độ phơi nhiễm chất ô nhiễm của người dân bằng cách đo nồng độ NO2 và CO trong khu vực họ sinh sống.
Nhưng chưa dừng lại ở đó, ông còn muốn tiến thêm một bước nữa để xác nhận kết quả của mình. Các nghiên cứu trong tương lai sẽ sử dụng dữ liệu cá nhân hóa về việc phơi nhiễm với ô nhiễm không khí, tiến sĩ Jou chia sẻ. Ông cũng hy vọng sẽ tìm thấy mối liên hệ trong một quần thể lớn hơn nữa.
Đưa ra lời khuyên với những người dân thành thị lo ngại về sức khỏe thị lực của mình, tiến sĩ Juo nói rằng trang bị kính bảo hộ hoặc các hình thức bảo vệ mắt khác không phải là một cách hiệu quả.
Đó là vì các chất ô nhiễm gây hại cho các tế bào hoàng điểm nhiều khả năng không xâm nhập vào cơ thể qua mắt. Thay vào đó, chúng đi vào hệ thống mạch máu của bạn từ hệ thống hô hấp. Cách tốt nhất để giảm rủi ro là tránh tới những khu vực ô nhiễm nặng, có nhiều xe cộ đặc biệt là trong giờ cao điểm, tiến sĩ Juo kết luận.
Tham khảo Time
Theo CafeF