Mắc ung thư là bất hạnh. Cô gái nhỏ Đặng Trần Thuỷ Tiên, 19 tuổi, chưa bao giờ nghĩ điều đó lại đến với mình, thay đổi toàn bộ cuộc sống như thế.

Đó là một ngày tháng 6, Đặng Trần Thuỷ Tiên - nữ sinh năm nhất trường Đại học Ngoại thương, chuẩn bị thi cuối kỳ. Cô nữ sinh 19 tuổi quê Hải Phòng đi tắm và sờ thấy cục hạch nhỏ bằng đầu ngón tay cái, cứng, di động ở ngực. Lên mạng đọc thấy bảo là còn trẻ, ít khả năng ung thư vú nên chắc không sao. Tiên gọi điện về kể với mẹ.

Một tuần sau khi tự phát hiện ra hạch, cô lên một cơ sở y tế khám. Bác sĩ siêu âm cũng bảo chỉ là xơ thôi nên chỉ định tiểu phẫu cắt u. Ngày 13/6, Tiên tự đi đăng ký khám, cắt u. Cô gái trẻ vẫn nghĩ mọi chuyện đơn giản, không nghiêm trọng thì bác sĩ mới động dao kéo.

42 1 Mac Ung Thu Khi Vua Tron 19 Tuoi Nu Sinh Dh Ngoai Thuong Nhan Nhu Loi Canh Tinh Thoi Quen Xau Nhieu Nguoi Hay Mac

Thuỷ Tiên có gương mặt sáng, nụ cười tươi

Hôm sau, các bác sĩ khám và thực hiện cắt u cho Tiên nói để cẩn thận hơn cô có thể đem gửi hạch đi sinh thiết. "Sau khi sinh thiết u, mình phát hiện đã ung thư vú giai đoạn 2a mất rồi" - Tiên kể.

Tiên và tất cả mọi người xung quanh vẫn nghĩ cô rất khỏe mạnh. Bác sĩ cũng nói 19 tuổi còn quá sớm để mắc bệnh này. Người quen xung quanh cô thì liên tục thắc mắc: "Còn trẻ thế sao lại mắc ung thư". Vẫn chưa hết hi vọng, cô lên Bệnh viện K khám lại vì nhỡ đâu kết quả sinh thiết sai.

Thế nhưng, cô nhận tin "sét đánh ngang tai, khi Bệnh viện K kết luận Thủy Tiên mắc ung thư vú.

42 2 Mac Ung Thu Khi Vua Tron 19 Tuoi Nu Sinh Dh Ngoai Thuong Nhan Nhu Loi Canh Tinh Thoi Quen Xau Nhieu Nguoi Hay Mac

Tiên tham gia cuộc thi hoa khôi ở trường Đại học vì muốn truyền cảm hứng cho các bạn có ngoại hình khác biệt và những ai đang bị ung thư có thêm dũng cảm. "Dù chỉ còn một ngày được sống cũng hãy sống thật trọn vẹn và ý nghĩa" - Tiên nói.

Tiên không bao giờ quên cảm giác đó. Trời đất xung quanh sụp đổ, Tiên như người bị phán án tử, biết trước cái chết. Phẫn uất và thấy bất công vô cùng. Vì sao thần chết lại điền tên mình vào danh sách dự bị sớm thế này? Rõ ràng là mình còn rất trẻ mà...

Hàng trăm, hàng nghìn lần Tiên nức nở, dằn vặt. Tại sao lại là mình? Tại sao lại là ung thư? Tiên không khỏi cảm giác oán trách số phận. Sao cuộc đời cô lại không bằng phẳng như mọi người?

"Mình có thể cho phép mình buồn, khóc, nhưng không được gục ngã, phải tiếp tục chiến đấu thôi", Tiên tự nhủ. Phải khá lâu sau, cô nữ sinh học giỏi mới bình tĩnh lại và tạm chấp nhận số phận, gia đình, thầy cô và bạn bè liên tục động viên, bên cạnh lúc mình đứng giữa ranh giới sống chết của cuộc đời.

Tiên được chuyển tuyến lên Bệnh viện K. Ngày 1/7, cô trải qua ca phẫu thuật cắt nửa ngực trái. Sau 20 ngày chờ đợi vết mổ ổn định, Tiên được hóa trị lần đầu tiên. Rồi quá trình đó ròng rã một năm.

Cô gái Hải Phòng chủ động cạo trọc đầu trước. "Người quen ai cũng nhớ mình có mái tóc dài, nuôi bao nhiêu năm trời. Hôm cắt tóc, thật sự rất nuối tiếc. Nhưng không sao" - Tiên nhớ lại. Tháng 8, cô bảo lưu kết quả học tập ở Đại học Ngoại thương để tập trung chữa bệnh.

42 3 Mac Ung Thu Khi Vua Tron 19 Tuoi Nu Sinh Dh Ngoai Thuong Nhan Nhu Loi Canh Tinh Thoi Quen Xau Nhieu Nguoi Hay Mac

Nhiều lúc, Tiên muốn trở lại lớp học gặp bạn bè, chỉ cần được nói chuyện với mọi người thôi cũng được

Đợt đầu tiên khi thuốc ngấm, cô vô cùng mệt, nôn nao, móng tay móng chân đen, da sạm do hoá chất, bạch cầu thấp, thiếu máu. Tiên buồn nhưng hiểu rằng những hóa chất đó giúp tiêu diệt tế bào ung thư trong cơ thể mình. Tế bào ung thư không biết nói dối.

Dù đã chuẩn bị tâm lý, cô gái trẻ có gương mặt sáng vẫn hoang mang khó tả. "Khi xuất hiện giữa đám đông, tôi thấy vừa khác biệt vừa đặc biệt" - Tiên nói.

Bây giờ một tuần một lần, Tiên cùng mẹ từ Hải Phòng lên Hà Nội để truyền hoá chất trong 2 ngày, rồi lại về và bồi bổ, tĩnh dưỡng ở nhà. Đến giờ, cô đã trải qua 9 lần hoá trị, với 4 mũi hóa chất đỏ, 5 mũi hóa chất dầu.

Sau mỗi lần vào thuốc, cô đều phải nằm nghỉ cả ngày vì mất sức. Nhưng niềm lạc quan vẫn còn đó trong cô gái. "May vì mình còn trẻ, mỗi lần hóa trị chỉ cần nghỉ ngơi 1-2 hôm là khỏe hơn, có thể giúp bố mẹ nấu cơm, làm việc nhà" - Tiên nói.

Lời cảnh tỉnh

"Trước đây mình thức rất khuya, ngủ không đủ giấc, lười tập thể dục và ăn những món ăn không tốt cho sức khoẻ, nên bây giờ phải thay đổi hết toàn bộ" - Tiên nói. Hơn thế, nỗi ám ảnh day dứt của cô gái là đã không đi khám sàng lọc, kiểm tra sức khoẻ thường xuyên, bởi sự chủ quan: Mình luôn khoẻ.

Những ngày không lên Hà Nội điều trị, cô gái nhỏ nhắn thức dậy từ 5 giờ sáng, đi bộ tập thể dục cùng bố hoặc mẹ - những người đã từng khóc hết nước mắt khi nghe tin con gái cả mắc bệnh, nhưng chưa bao giờ từ bỏ ý chí.

Cô bỏ hết các món chiên, rán ra khỏi thực đơn. Cả gia đình gồm bố, mẹ và em trai cùng ăn nhiều đồ luộc theo Tiên. Tiên cũng xin mẹ đi học đàn guitar để quên đi hết những muộn phiền.

"Mọi người cũng thế, đừng nên chủ quan với sức khoẻ của mình, cố gắng thay đổi thói quen sinh hoạt không tốt cho cơ thể, ngủ sớm hơn, ăn uống lành mạnh. Bệnh tật không chừa một ai cả, từ già đến trẻ, hãy biết quý trọng bản thân mình hơn" - Tiên nhắn nhủ.

Những ngày hoá trị ở viện, chứng kiến những người bệnh khác không may mắn đã ra đi, Tiên hiểu ung thư có thể đem cô quay lại viện bất cứ lúc nào bởi nguy cơ tái phát. Liệu rằng những đợt điều trị hoá chất có giúp mình khỏi bệnh được không? Tiên nhiều lần tự hỏi.

Nhưng Tiên tin rằng mái tóc đen, dày mà cô đã cắt mấy tháng trước, lông mày rụng rồi sẽ mọc lại. Móng tay, làn da sẽ thôi đen sạm... Vết sẹo mổ rồi cũng sẽ lành. Giờ, sợ hãi không giải quyết được gì, khóc nhiều cũng không thể khiến bệnh tự nhiên khỏi.

Điều duy nhất có ý nghĩa là lạc quan, kiên trì, phải khoẻ mạnh, may mắn và hạnh phúc như cái tên loài hoa mà bố mẹ cô đã đặt: Thuỷ Tiên.

Nguồn: Giadinh.net.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC