Trải qua hơn gần 2 năm xảy ra đại dịch, các nhà nghiên cứu đã liên tục thu thập những kiến thức mới và quan trọng về tác động của COVID-19 đối với cơ thể và não bộ con người. Những phát hiện này đang làm dấy lên lo ngại về những tác động lâu dài mà virus SARS-CoV-2 có thể gây ra đối với các quá trình sinh học, ví dụ như quá trình lão hóa.
"Là một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về thần kinh, trước đây tôi đã tập trung vào việc tìm hiểu về những thay đổi bình thường của não bộ liên quan đến quá trình lão hóa có ảnh hưởng như thế nào đến khả năng suy nghĩ và vận động của con người - đặc biệt là ở độ tuổi trung niên trở lên. Nhưng kể từ khi có nhiều bằng chứng cho thấy COVID-19 có thể ảnh hưởng đến cơ thể và não bộ trong nhiều tháng hoặc lâu hơn sau khi nhiễm bệnh, thì nhóm nghiên cứu của tôi lại bắt đầu quan tâm đến việc tìm hiểu cách COVID-19 ảnh hưởng đến quá trình lão hóa tự nhiên như thế nào", Jessica Bernard, thành viên của Viện Khoa học Thần kinh (Hoa Kỳ) cho biết.
Nghiên cứu phản ứng của não bộ đối với COVID-19
Vào tháng 8 năm 2021, một nghiên cứu sơ bộ nhưng có quy mô lớn điều tra những thay đổi của não ở những người nhiễm COVID-19 đã thu hút rất nhiều sự chú ý trong cộng đồng các nhà khoa học nghiên cứu về thần kinh.
Các nhà nghiên cứu đã liên tục thu thập những kiến thức mới và quan trọng về tác động của COVID-19 đối với cơ thể và não bộ con người.
Trong nghiên cứu đó, các nhà nghiên cứu đã dựa trên một cơ sở dữ liệu thực tế có tên là UK Biobank, chứa dữ liệu hình ảnh não bộ của hơn 45.000 người ở Anh từ năm 2014. Điều này có nghĩa là những dữ liệu cơ bản và hình ảnh não của tất cả những người đó đã được lưu lại kể từ trước khi xảy ra đại dịch.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích các dữ liệu hình ảnh của bộ não và sau đó chụp lại hình ảnh não của những người mắc COVID-19. Họ so sánh hình ảnh của những người đã nhiễm COVID-19 với những người chưa bị nhiễm, đối sánh cẩn thận các nhóm dựa trên độ tuổi, giới tính, ngày xét nghiệm cơ bản và địa điểm nghiên cứu, cũng như các yếu tố gây nguy cơ phổ biến đối với bệnh tật, chẳng hạn như các biến số sức khỏe và tình trạng kinh tế xã hội.
Kể từ khi có nhiều bằng chứng cho thấy COVID-19 có thể ảnh hưởng đến cơ thể và não bộ trong nhiều tháng hoặc lâu hơn sau khi nhiễm bệnh, thì nhóm nghiên cứu của tôi lại bắt đầu quan tâm đến việc tìm hiểu cách COVID-19 ảnh hưởng đến quá trình lão hóa tự nhiên như thế nào
Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy sự khác biệt rõ rệt về chất xám - được tạo thành từ các thân tế bào của tế bào thần kinh xử lý thông tin trong não - giữa những người đã bị nhiễm COVID-19 và những người không bị nhiễm. Cụ thể, độ dày của mô chất xám ở các vùng não được gọi là thùy trán và thùy thái dương đã giảm ở nhóm người nhiễm COVID-19, khác với các kiểu điển hình được thấy ở nhóm không nhiễm bệnh.
Trong dân số nói chung, người ta thường thấy một số thay đổi về khối lượng hoặc độ dày chất xám theo thời gian khi người ta già đi, nhưng những thay đổi này ở người mắc COVID-19 lại lớn hơn so với bình thường.
Điều thú vị là khi các nhà nghiên cứu xem xét những người bị bệnh nặng đến mức phải nhập viện thì kết quả cũng giống như những người bị nhiễm COVID-19 thể nhẹ. Có nghĩa là, những người đã bị nhiễm COVID-19 đều có biểu hiện "mất não" ngay cả khi bệnh chưa đến mức phải nhập viện.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã tiến hành xem xét những thay đổi về nhận thức và phát hiện ra rằng não bộ của những người đã mắc COVID-19 xử lý thông tin chậm hơn so với những người không mắc bệnh.
Trong khi chúng tôi sẽ phải giải thích cẩn thận cho những phát hiện này bởi vì cần phải chờ đánh giá đồng cấp chính thức, thì những mẫu thử, những dữ liệu thu thập được trước và sau khi bị bệnh ở những người giống nhau và đối sánh cẩn thận với những người chưa mắc COVID-19 đã làm cho công trình sơ bộ này trở nên đặc biệt có giá trị. .
Những thay đổi này trong khối lượng não có ý nghĩa gì?
Vào thời kỳ đầu của đại dịch, một trong những báo cáo phổ biến nhất từ những người bị nhiễm COVID-19 là mất khứu giác và vị giác.
Đáng chú ý là các vùng não mà các nhà nghiên cứu của Vương quốc Anh phát hiện ở những bệnh nhân mắc COVID-19 đều có liên quan đến hành khứu giác - một cấu trúc gần phía trước của não có chức năng truyền tín hiệu về mùi từ mũi đến các vùng não khác. Hành khứu giác có kết nối với các vùng của thùy thái dương. Chúng ta thường nói về thùy thái dương khi nhắc đến quá trình lão hóa và bệnh Alzheimer vì đó là vị trí của vùng hồi hải mã (hippocampus). Hồi hải mã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình lão hóa, do nó có liên quan đến trí nhớ và các quá trình nhận thức.
Một số bệnh nhân COVID-19 đã bị mất hoặc giảm khứu giác. Ảnh: Dima Berlin qua Getty Images/
Khứu giác cũng rất quan trọng đối với nghiên cứu về bệnh Alzheimer, vì có một số dữ liệu đã chỉ ra rằng những người có nguy cơ mắc bệnh này thường bị giảm chức năng khứu giác. Mặc dù còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào về các tác động lâu dài của những thay đổi liên quan tới COVID, nhưng việc xem xét các mối liên hệ có thể xảy ra giữa những thay đổi trong bộ não do COVID và khả năng ghi nhớ là rất đáng được quan tâm - đặc biệt là đối với các vùng trong não bộ có liên quan và tầm quan trọng của chúng đối với khả năng ghi nhớ và bệnh Alzheimer.
Cái nhìn xa hơn
Những phát hiện mới này đã đặt ra những câu hỏi quan trọng nhưng chưa có câu trả lời: Những thay đổi của não liên quan tới COVID-19 có ý nghĩa như thế nào đối với quá trình và tốc độ lão hóa? Và theo thời gian, não có khả năng phục hồi ở một mức độ nào đó không?
Đây là những lĩnh vực nghiên cứu mang tính mở và tích cực, chúng tôi đã tiến hành thực hiện một số đó trong phòng thí nghiệm của riêng tôi song song với những nghiên cứu về sự lão hóa trong bộ não.
Hình ảnh não của người 35 tuổi và người 85 tuổi. Mũi tên màu cam cho thấy chất xám mỏng hơn ở cá thể già hơn. Mũi tên màu xanh lá cây chỉ vào những khu vực có nhiều không gian chứa đầy dịch não tủy (CSF) do giảm thể tích não. Các vòng tròn màu tím làm nổi bật tâm thất của não, nơi chứa đầy dịch não tủy. Ở người lớn tuổi, những khu vực chứa đầy chất lỏng này lớn hơn nhiều. (Jessica Bernard, CC BY-ND)
Bằng các nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng khi con người già đi, bộ não sẽ suy nghĩ và xử lý thông tin theo cách rất khác nhau. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã quan sát những thay đổi theo thời gian về cách con người di chuyển và cách mọi người học các kỹ năng vận động mới. Sau nhiều thập kỷ, những nghiên cứu đã chứng minh rằng người lớn tuổi gặp khó khăn hơn trong việc xử lý và thao tác thông tin nhưng họ thường nhớ được các kiến thức về sự kiện và từ vựng. Đối với các kỹ năng vận động, chúng ta đều biết rằng người lớn tuổi vẫn học được, nhưng họ làm chậm hơn so với người trẻ tuổi.
Khi nói đến cấu trúc não, chúng ta thường thấy sự giảm kích thước của não ở người lớn trên 65 tuổi. Sự sụt giảm này không chỉ khu trú ở một khu vực. Sự khác biệt có thể được nhìn thấy trên nhiều vùng của não. Thông thường cũng có sự gia tăng dịch não tủy lấp đầy khoảng không gian do mất mô não. Ngoài ra, chất trắng, lớp cách điện trên sợi trục - những sợi cáp dài mang xung điện giữa các tế bào thần kinh - cũng ít nguyên vẹn hơn ở người lớn tuổi.
Những thay đổi của não liên quan tới COVID-19 có ý nghĩa như thế nào đối với quá trình và tốc độ lão hóa? Và theo thời gian, não có khả năng phục hồi ở một mức độ nào đó không?
Khi tuổi thọ đã được tăng lên trong những thập kỷ qua, thì ngày càng có nhiều người già. Trong khi mục tiêu là tất cả mọi người sẽ sống lâu và khỏe mạnh, ngay cả trong trường hợp tốt nhất là một người già không mắc bệnh tật hoặc khuyết tật, thì càng có tuổi sẽ dẫn đến những thay đổi trong cách tư duy và di chuyển.
Tìm hiểu về cách thức tất cả các mảnh ghép này khớp được với nhau sẽ giúp chúng ta làm sáng tỏ những bí ẩn của quá trình lão hóa để có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và chức năng cho những người già. Và bây giờ, trong bối cảnh của COVID-19, nó sẽ giúp chúng ta hiểu mức độ mà não có thể phục hồi sau khi bị bệnh.
Theo Pháp luật và bạn đọc