Vaccine COVID-19 được xem là chìa khóa giúp chúng ta sớm quay trở lại cuộc sống bình thường. Song, không có bất kỳ vaccine nào hiệu quả 100% và dù đã tiêm đủ liều, chúng ta vẫn có nguy cơ nhiễm nCoV. Điều khiến nó trở nên quan trọng là giúp ngăn ngừa khả năng nhập viện, tử vong vì COVID-19.
Theo định nghĩa của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), những người đã tiêm vaccine COVID-19 mà vẫn mắc bệnh được gọi là hiện tượng nCoV xuyên qua hàng rào miễn dịch (breakthrough infection hay nhiễm trùng đột phá).
CDC cũng khuyến cáo: "Vaccine được phê duyệt có hiệu quả cao, nhưng vẫn có những trường hợp mắc COVID-19 do virus xuyên qua hàng rào miễn dịch, đặc biệt trước khi đạt được miễn dịch cộng đồng đủ để giảm nguy cơ lây nhiễm".
Nhóm người có nguy cơ cao nhất
Khi vaccine được tiêm cho người dân, các chuyên gia tại Anh đã phát triển công cụ đánh giá rủi ro QCOVID nhằm xác định người có nguy cơ tử vong, nhập viện cao nhất khi nhiễm nCoV. Công cụ này đã giúp bổ sung 1,5 triệu người vào danh sách cần tiêm chủng sớm.
Cũng dựa trên dữ liệu này, các tác giả của Đại học Oxford, Anh, đã xây dựng công cụ QCOVID3, xác định người nào có nguy cơ cao mắc COVID-19 dù đã tiêm hai liều vaccine. Theo Medical News Today, QCOVID3 cũng xác định một số nhóm được tiêm chủng có nguy cơ tử vong, nhập viện cao khi nhiễm nCoV. Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí BMJ ngày 17/9.
Dữ liệu từ Đại học Oxford cho thấy người bị hội chứng Down, từng ghép thận, mắc HIV/AIDS, xơ gan... có nguy cơ mắc COVID-19 sau tiêm vaccine cao hơn. (Ảnh: Freepik)
GS.TS Aziz Sheikh, Giám đốc Viện Usher, Đại học Edinburgh, Anh, đồng tác giả nghiên cứu, cho hay công trình của họ là nghiên cứu quốc gia khổng lồ dựa trên dữ liệu của 6 triệu người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm vaccine COVID-19.
Trong đó, 5 triệu người đã tiêm đủ liều. Đây là nghiên cứu có số mẫu lớn bậc nhất thế giới, do đó, họ tự tin vào số liệu tính toán, dự báo người dân vẫn có nguy cơ nhập viện, tử vong vì COVID-19 sau khi tiêm chủng.
Theo GS.TS Julia Hippisley-Cox, đồng tác giả nghiên cứu, thời gian 14 ngày trở lên từ mũi tiêm cuối cùng được xem là đủ để khả năng miễn dịch phát triển. Do đó, sau thời gian này, rất ít người đã được tiêm vaccine COVID-19 tử vong hoặc nhập viện khi nhiễm bệnh.
Nghiên cứu QCOVID3 phát hiện 2.031 ca tử vong liên quan COVID-19, 1.929 ca nhập viện, chiếm tỷ lệ lần lượt là 4%, và 3,7%. Các tình trạng này đều xảy ra 14 ngày sau khi bệnh nhân tiêm vaccine COVID-19 liều thứ hai.
Thuật toán của QCOVID3 cũng xác định những nhóm có rủi ro cao nhất theo thứ tự giảm dần gồm: Người bị hội chứng Down; người được ghép thận; bệnh nhân mắc chứng hồng cầu hình liềm; người sống trong viện dưỡng lão; bệnh nhân đang được hóa trị liệu; trường hợp đã được cấy ghép tủy xương hoặc ghép tạng gần đây; bệnh nhân HIV/AIDS; người bị mất trí nhớ, Parkinson, mắc một số bệnh thần kinh hiếm gặp; bệnh nhân xơ gan.
Nghiên cứu cũng chỉ ra người dân Pakistan, Ấn Độ có nguy cơ mắc COVID-19 sau tiêm vaccine cao gấp 2 lần so với nhóm dân cư da trắng khác. Họ nhấn mạnh những chênh lệch về sắc tộc có thể đại diện cho yếu tố ảnh hưởng như hành vi, lối sống…
Ngoài nghiên cứu từ nhóm chuyên gia Đại học Oxford, một số công trình khác cũng khai thác vấn đề mắc COVID-19 sau tiêm vaccine.
Ngày 1/9, các nhà khoa học tại King’s College London (Anh) công bố nghiên cứu trên tạp chí The Lancet ngày 1/9 cho thấy việc tiêm hai liều vaccine giúp giảm khoảng 50% khả năng mắc COVID-19 kéo dài ở người trưởng thành.
Những người được tiêm chủng đầy đủ nếu mắc COVID-19 có khả năng phải nhập viện thấp hơn 73%. Người đã tiêm vaccine nhưng vẫn mắc COVID-19 thường được gọi là trường hợp lây nhiễm đột phá.
Bên cạnh đó, khả năng gặp các triệu chứng nghiêm trọng ở nhóm này cũng giảm 31%, theo nghiên cứu. Các triệu chứng phổ biến nhất gồm mất khứu giác, ho, sốt, đau đầu và mệt mỏi, thường nhẹ hơn ở những người được tiêm chủng đầy đủ.
Tiêm vaccine COVID-19 không ngăn ngừa lây nhiễm 100%, song, nó giúp chúng ta giảm tỷ lệ nhập viện, bệnh nặng, tử vong. (Ảnh: Reuters)
Một nghiên cứu khác từ Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) phát hiện những người bị rối loạn sử dụng chất kích thích có nguy cơ cao mắc COVID-19 sau khi tiêm vaccine. Trong đó, 7% người bị rối loạn sử dụng chất kích thích mắc COVID-19 dù đã tiêm vaccine. Con số này ở người bình thường là 3,6%. Ngoài ra, nguy cơ mắc COVID-19 sau tiêm cũng khác nhau ở từng nhóm nghiện chất kích thích: thuốc lá (6,8%), cần sa (7,8%).
Khi các bệnh lý mạn tính, đặc điểm kinh tế xã hội bất lợi được kiểm soát, tỷ lệ người bị lây nhiễm đột phá giảm xuống. Song, người nghiện cần sa vẫn có nguy cơ mắc COVID-19 sau tiêm vaccine cao hơn 55% so với nhóm còn lại. Giả thuyết của nhóm là cần sa gây tác động bất lợi lớn nhất với chức năng miễn dịch, phổi, từ đó góp phần tăng nguy cơ mắc COVID-19 sau tiêm vaccine.
Nhóm bị rối loạn sử dụng chất kích thích cũng có nguy cơ trở nặng cao khi mắc COVID-19 sau tiêm vaccine. Trong số này, 22,5% phải nhập viện; 1,7% tử vong. Tỷ lệ tương ứng ở người bị rối loạn sử dụng chất kích thích nhưng không mắc COVID-19 là 1,6% và 0,5%.
Nguồn: vietnamnet.vn