Theo nghiên cứu được công bố tại Anh, triệu chứng "ngón chân Covid-19" được cho là do hệ miễn dịch phản ứng quá mức, tiêu diệt nhầm tế bào khỏe mạnh thay vì nCoV.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Da liễu Anh ngày 5/10. Nhóm chuyên gia đã kiểm tra những người mắc Covid-19 từ ngày 9-16/4/2020 tại Bệnh viện Saint-Louis, Paris, Pháp. Nghiên cứu loại bỏ những người có tiền sử mắc cước tay, chân bẩm sinh hoặc lupus chilblain. Số mẫu điều tra là 50 F0.

Nguyên nhân

Theo Guardian, nhóm tác giả phát hiện 13 người gặp “ngón chân Covid-19” với tổn thương ở ngón chân, bàn tay, gây viêm, mẩn đỏ kèm theo bỏng rát, ngứa kéo dài hàng tháng. Tổn thương của các F0 tương tự bị cước tay, chân vào mùa lạnh.

Tình trạng này thường phát triển trong vòng 1-4 tuần sau mắc Covid-19. Các vết sưng, đỏ thường tập trung ở ngón chân, thậm chí lan ra cả hai bàn chân. Những vết loét gây đau đớn, cảm giác nóng rát và ngứa. Ban đầu, các ngón chân sẽ có màu đỏ, sau đó, chuyển tím và có tình trạng viêm.

1 Phat Hien Moi Ve Trieu Chung Hiem Gap Cua Covid 19

"Ngón chân Covid-19" thường phát triển bệnh trong vòng 1-4 tuần sau khi mắc Covid-19, có thể gây sưng tấy, thay đổi màu sắc ngón chân, tay. Ảnh: iStock.

Nhóm chuyên gia tại Anh phát hiện những F0 bị “ngón chân Covid-19” có liên quan tình trạng cơ thể tạo phản ứng miễn dịch quá mức khiến một số kháng thể nhắm nhầm mục tiêu, tự tấn công tế bào, mô của con người thay vì virus xâm nhập.

Các tác giả cũng nhận thấy protein interferon loại I xuất hiện muộn trong cơ thể những người này. Interferon loại I vốn là tập hợp 17 protein quan trọng để bảo vệ tế bào và cơ thể khỏi virus. Sự vắng mặt của protein interferon loại I được cho là nguyên nhân khiến các bệnh nhân mắc Covid-19 dễ trở nặng hơn. Nếu

Ngoài hệ thống miễn dịch, các tế bào lót mạch máu cũng bị ảnh hưởng khi nCoV xâm nhập. Nhóm chuyên gia cho rằng điều này cũng gây ra hiện tượng tổn thương mao mạch ở ngón tay, chân người bệnh.

Tiến sĩ Charles Cassius, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết kết quả này đã cung cấp hiểu biết sâu hơn về tình trạng bệnh. “Dịch tễ học, các đặc điểm lâm sàng của tổn thương ngón chân Covid-19 đã được nghiên cứu và công bố rộng rãi. Song, rất ít trong số đó chứng minh được bệnh lý liên quan hoặc nguyên nhân gây ra tình trạng này. Nghiên cứu của chúng tôi đề cập các vấn đề rất mới”, vị chuyên gia nói.

Triệu chứng kỳ lạ

Trên thực tế, “ngón chân Covid-19” chưa được công nhận là triệu chứng điển hình khi mắc Covid-19. Tuy nhiên, số lượng F0 báo cáo tình trạng này chiếm tỷ lệ đáng kể, thậm chí, họ không gặp các triệu chứng Covid-19 thông thường khác.

Tháng 5/2020, Tạp chí Da liễu Nhi khoa châu Âu công bố bài báo về “dịch bệnh” lạ ở trẻ em, thanh, thiếu niên tại Italy. Những F0 này gặp tình trạng tổn thương da chưa từng được quan sát trước đó, không giống các phát ban liên quan mắc Covid-19.

“Chúng tôi nhận thấy một ‘làn sóng’ bệnh nhân nhỏ tuổi bị tổn thương mao mạch cấp tính ở bàn tay, bàn chân. Những người này không có triệu chứng mắc Covid-19 khác như ho, sốt, khó thở… Họ cũng tự hồi phục sau thời gian ngắn. Những tổn thương này tạo thành điểm mới khiến chúng tôi đặt giả thuyết về mối liên hệ giữa triệu chứng với Covid-19”, bài báo viết.

Tiến sĩ y khoa Ivan Bristow, chuyên gia tại Anh, đồng quan điểm người bị “ngón chân Covid-19” thường tự khỏi bệnh. Tuy nhiên, vị chuyên gia cho hay một số người có thể phải sử dụng kem bôi hay thuốc khác nhằm giảm bớt đau đớn, mau hồi phục. “Nghiên cứu mới công bố đã xác định nguyên nhân gây ra triệu chứng này, giúp những phương pháp điều trị hiệu quả, trúng đích hơn”, ông Ivan nói.

Tiến sĩ Veronique Bataille, phát ngôn của Tổ chức Da liễu Anh, cho biết “Covid toe” ghi nhận thường xuyên nhất ở giai đoạn đầu của đại dịch. Song, khi làn sóng Delta xuất hiện, tình trạng này ít phổ biến hơn. Nguyên nhân có thể là nhiều người được tiêm chủng vaccine, tích cực đẩy mạnh các biến pháp ngăn ngừa lây nhiễm.

2 Phat Hien Moi Ve Trieu Chung Hiem Gap Cua Covid 19

"Ngón chân Covid-19" thường tự khỏi sau vài tuần và không gây biến chứng nghiêm trọng. Ảnh: Shutter Stock.

Trước đó, theo New York Times, một số tài liệu y tế từ Tây Ban Nha, Bỉ và Italy cũng miêu tả về hiện tượng nhiều bệnh nhân Covid-19 chia sẻ về các tổn thương trên ngón chân. Hầu hết bệnh nhân là trẻ em, thanh thiếu niên.

Thống kê cho thấy các trường hợp "ngón chân Covid-19" chiếm gần 50% số ca báo cáo triệu chứng trên da của những người nhiễm SARS-CoV-2.

Trước khi có nghiên cứu từ Anh, một số giả thiết khác đã được đặt ra về cơ chế nCoV xâm nhập và gây tổn thương cho các ngón chân, tay. Họ cho rằng hiện tượng này là do viêm. Đây cũng là cơ chế mà nCoV thường xuyên dùng để tấn công các cơ quan khác, tương tự viêm phổi, suy hô hấp cấp tính.

Một số chuyên gia khẳng định hiện tượng "ngón chân Covid-19" cần được xem xét cẩn thận và đưa nó vào hệ thống kiểm tra, sàng lọc người nghi mắc Covid-19, tương tự mất vị giác, khứu giác trước đây.

Tuy nhiên, một nghiên tại Mỹ được công bố trên tạp chí JAMA Dermatology chỉ ra tình trạng "ngón chân Covid-19" có thể không liên quan chẩn đoán nhiễm nCoV. Việc thay đổi lối sống khi mắc Covid-19 có thể là yếu tố góp phần gây ra tình trạng này.

Thiên Nhan

Nguồn: zingnews.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC