Có một số loại đường không những không gây tăng đường huyết mà còn tốt cho sức khỏe. Đường cỏ ngọt là một trong số đó.

Nhiều người nghĩ rằng bệnh nhân tiểu đường cần phải kiêng tuyệt đối các loại đồ ngọt, nhất là đường, mật ong... Tuy nhiên sự thật không hẳn như vậy, bởi có một số loại đường không những không gây tăng đường huyết mà còn tốt cho sức khỏe. Đường cỏ ngọt là một trong số đó.

Theo ThS BS Đặng Ngọc Hùng (Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng): "Những người bị đái tháo đường hoặc đang ăn kiêng để giảm cân thì nên ưu tiên dùng đường cỏ ngọt".

Vị chuyên gia tiết lộ, đây là chất tạo ngọt tự nhiên, về bản chất không thuộc nhóm đường. Dù chúng có vị ngọt gấp 300 lần so với đường cát thông thường nhưng lại không tạo ra năng lượng. Do đó, chúng có thể giúp bệnh nhân tiểu đường thỏa mãn về vị giác mà không lo gây hại cho sức khỏe.

"Ngày nay có nhiều tổ chức y tế, trong đó có FDA của Mỹ đã phê duyệt đường cỏ ngọt là loại đường an toàn. Cho nên là trong trường hợp chúng ta muốn kiểm soát đường huyết cho người đái tháo đường hay muốn giảm cân thì rất nên dùng loại đường này", ThS BS Đặng Ngọc Hùng nói.

Đường cỏ ngọt là gì?

Đường cỏ ngọt có tên tiếng Anh là stevia. Đây là một chất làm ngọt ít calo, có đặc tính chống oxy hóa và chống đái tháo đường. Nó đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt.

Stevia chứa các hợp chất được gọi là steviol glycoside ngọt hơn đường mía khoảng 150-300 lần. Tuy nhiên, stevia có lượng calo thấp đến mức về mặt khoa học nó là một sản phẩm "không chứa calo".

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) và Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA) cho biết stevia có thể có lợi cho người mắc bệnh tiểu đường nếu sử dụng một cách hợp lý. Trong một nghiên cứu năm 2018, các chuyên gia đã thử nghiệm tác dụng của thạch dừa làm ngọt bằng stevia. Kết quả cho thấy lượng đường trong máu của những người ăn loại thạch dừa này bắt đầu giảm 60-120 phút sau khi ăn thạch, thậm chí trước khi tiết insulin.

Không giống như chất làm ngọt và đường nhân tạo, cỏ ngọt có thể ngăn chặn mức đường huyết trong huyết tương của bạn và làm tăng đáng kể khả năng dung nạp đường.

Stevia cũng có khả năng làm tăng sản xuất insulin, tăng tác dụng của insulin trên màng tế bào, ổn định lượng đường trong máu, phòng ngừa bệnh tiểu đường loại 2 và các biến chứng của nó.

Việc thay thế loại đường này cũng có thể làm giảm số lượng calo mà một người tiêu thụ, điều này có khả năng hỗ trợ giảm cân. Cân nặng quá mức là yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường loại 2 và các biến chứng của nó, bao gồm các vấn đề về tim và thận.

Bệnh nhân tiểu đường dùng các loại đường ăn kiêng như thế nào?

Các bác sĩ cảnh báo người bệnh đừng nghĩ rằng đường ăn kiêng thì có thể dùng thỏa thích. Nó có thể làm giảm huyết áp xuống mức cực thấp hoặc tương tác với các thuốc làm giảm lượng đường trong máu.

Khi chọn thực phẩm chứa đường cỏ ngọt cũng cần quan tâm đến các nguyên liệu khác để xem chúng có lành mạnh hay không.

1 Thu Ngot Gap 300 Lan So Voi Duong Mia Nhung Lai Giup On Dinh Duong Huyet Bs Khuyen Nguoi Tieu Duong Nen Su Dung

Nhìn chung, người bệnh tiểu đường không nhất thiết phải từ bỏ đường hoàn toàn nhưng cũng cần phải chú ý đến lượng đường tiêu thụ. Hơn nữa người bệnh tiểu đường nên cố gắng đa dạng hóa khẩu phần ăn hàng ngày. Tốt nhất người bệnh nên ăn một số loại trái cây và rau quả không đường để gip bổ sung chất xơ, thúc đẩy nhu động ruột, trì hoãn việc tăng đường huyết...

Với nhóm bệnh nhân này, việc theo dõi sức khỏe định kỳ là rất quan trọng để kiểm soát tình trạng bệnh.

Mọi người có thể tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn về chế độ ăn uống tốt nhất cho mình.

Theo Tổ Quốc




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC