Sử dụng không đúng chỉ định hay lạm dụng thuốc hạ sốt có thể gây nhiễm độc gan trầm trọng, đặc biệt ở người có bệnh lý gan sẵn như viêm gan B hoặc viêm gan C - Ảnh: X.MAI
Cần cẩn trọng khi dùng thuốc hạ sốt ở người viêm gan B, C nhiễm COVID-19 ra sao?
Không dùng sai chỉ định
ThS Võ Triều Lý - phó khoa nhiễm E Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - cho hay bệnh viện này đã tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp nhiễm độc gan nặng do tự sử dụng thuốc hạ sốt quá liều, thuốc cây cỏ, thuốc đông y không rõ nguồn gốc trên các mạng xã hội để điều trị các bệnh lý khác nhau như đau khớp, viêm gan B, viêm gan C.
Các bệnh nhân này thường đến khám tại bệnh viện vì vàng da, mệt mỏi, chán ăn. Đa số các trường hợp được điều trị ổn định tại bệnh viện nhưng tốn thời gian và chi phí. Một số trường hợp nặng diễn tiến hôn mê, xuất huyết và tử vong.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều phương thức điều trị đông y và tây y chưa có bằng chứng khoa học xuất hiện trên các mạng xã hội. Một trong những thuốc được sử dụng phổ biến là thuốc hạ sốt như paracetamol, nhằm giảm triệu chứng đau và sốt.
Theo bác sĩ Lý, việc sử dụng không đúng chỉ định cũng như lạm dụng thuốc có thể dẫn đến nhiễm độc gan trầm trọng, dẫn đến tử vong, đặc biệt là bệnh nhân có sẵn bệnh lý gan như viêm gan B và C.
Bị viêm gan B, C và mắc COVID-19, uống thuốc hạ sốt ra sao?
Khi muốn hạ sốt cho bản thân hoặc người thân trong gia đình nhiễm COVID-19, đặc biệt có bệnh nền viêm gan B hoặc viêm gan C, bác sĩ Lý lưu ý một số điểm sau:
Thứ nhất, chúng ta cần ưu tiên sử dụng các biện pháp hạ sốt không dùng thuốc như lau chườm ấm với nhiệt độ nước lau chườm thấp hơn nhiệt độ cơ thể khi sốt khoảng 1OC; tránh sử dụng nước quá lạnh vì làm co mạch máu, hiệu quả chườm nước sẽ không còn vì nhiệt không thể thoát ra khỏi cơ thể, khiến tình trạng sốt của bệnh nhân tồi tệ hơn.
Thứ hai, chỉ sử dụng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể ≥ 38OC vì ở nhiệt độ này mới có thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể. Tuy nhiên, vấn đề lựa chọn thuốc hạ số cần được lưu ý loại thuốc và liều dùng.
Đối với bệnh nhân COVID-19, thuốc hạ sốt sử dụng đầu tay là paracetamol. Đối với trường hợp viêm gan B hoặc viêm gan C có chức năng gan gần bình thường, liều khuyến cáo sử dụng không quá 4g/ngày; ngược lại những người viêm gan nặng, xơ gan hoặc nghiện rượu sử dụng không quá 2g/ngày và khoảng cách sử dụng thuốc hạ sốt từ 4 đến 6 giờ.
Một số loại thuốc hạ sốt thuộc nhóm NSAIDs như ibuprofen không được khuyến cáo sử dụng đầu tay trong hạ sốt do COVID-19, đặc biệt là bệnh nhân có suy giảm chức năng gan liên quan viêm gan B, viêm gan C hay bất kỳ nguyên nhân nào do tăng nguy cơ tích lũy thuốc, từ đó làm gia tăng tác dụng phụ như xuất huyết tiêu hóa, suy thận, suy gan tiến triển.
Thứ ba, bệnh nhân nhiễm COVID-19 có bệnh nền viêm gan B, viêm gan C hoặc các bệnh nền khác cần được theo dõi chặt chẽ các biểu hiện nặng của COVID-19 như sốt cao khó hạ, khó thở và cần thông báo ngay các biểu hiện bất thường cho y tế địa phương.
Tránh sử dụng quá nhiều loại thuốc hạ sốt khác nhau để làm giảm nhanh cơn sốt vì có thể dẫn đến sử dụng thuốc quá liều và gây ra nhiều tác dụng phụ, đặc biệt làm tình trạng suy gan trầm trọng hơn.
Không tự ý dùng phối hợp các loại hạ sốt
Các nghiên cứu cho thấy bệnh nhân COVID-19 thường biểu hiện sốt, đau mỏi cơ. Vì vậy, việc sử dụng thuốc hạ sốt cần được sử dụng cẩn trọng để đảm bảo an toàn cho "sức khỏe lá gan" của các bệnh nhân nhiễm COVID-19, đặc biệt bệnh nhân có kèm viêm gan B, viêm gan C hoặc các bệnh lý gan khác.
1. Không tự ý sử dụng và phối hợp các loại thuốc hạ sốt khác nhau vì có thể dẫn đến quá liều và các tác dụng phụ trầm trọng.
2. Paracetamol thường là thuốc hạ sốt đầu tay. Liều lượng và khoảng cách sử dụng giữa hai liều cần đảm bảo, lưu ý giảm liều ở bệnh nhân viêm gan có suy giảm chức năng gan nặng, xơ gan.
3. Báo cho nhân viên y tế về tình hình bệnh lý viêm gan đang có bao gồm các xét nghiệm gần nhất, phác đồ đang điều trị để được sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online