Một trẻ 9 tuổi nhiễm COVID-19 không triệu chứng đang cách ly tại một bệnh viện dã chiến TP.HCM - Ảnh: XUÂN MAI
BS.CKII Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - cho biết trẻ mắc COVID-19 nhẹ và trung bình trong khoảng 2 đến 4 tuần thì hết bệnh. Những trường hợp nặng, nguy kịch có thể kéo dài 1 đến 1,5 tháng.
Sau khi khỏi bệnh, trẻ vẫn có thể có những triệu chứng như mệt mỏi, đi lại khó khăn, lâu lâu ho, hụt hơi, khạc nhiều đàm nhớt, hồi hộp, đánh trống ngực, đau khớp, buồn ngủ ban ngày, đêm lại thức, không ghi nhớ và hiểu được những gì cô giáo giảng.
Đây là những triệu chứng thường gặp của hậu COVID-19 ở trẻ em mà không lý giải được bởi một nguyên nhân nào khác.
Theo nghiên cứu ở các nước, tỉ lệ trẻ mắc COVID-19 đã khỏi nhưng vẫn bị triệu chứng hậu COVID-19 chiếm 6 - 15%.
Một thống kê ở Anh nêu, có 15% trẻ ở lứa tuổi 12 - 16 có triệu chứng hậu COVID-19. Có những trường hợp nặng biểu hiện co giật, rối loạn tri giác, bại não hoặc nhẹ như nhức đầu, mệt mỏi, mất ngủ, biểu hiện rối loạn vận động, yếu tay chân, đi lại khó khăn, rối loạn về hành vi nhận thức.
Trẻ cũng có thể bị rối loạn tâm thần do thời gian cách ly khi mắc bệnh. Thời điểm này, nhu cầu phát triển của một đứa trẻ bình thường bị mất đi, làm cho trẻ bị khủng hoảng về mặt tinh thần và thể chất. Những trẻ này cần can thiệp sớm và hỗ trợ tâm lý, vật lý trị liệu hô hấp, vận động để giúp trẻ hồi phục gần như bình thường.
Các nghiên cứu cũng cho thấy những trẻ từ 13 tuổi trở lên dễ mắc các triệu chứng hậu COVID-19 hơn, đặc biệt là các trẻ COVID-19 nặng, nguy kịch nhập khoa hồi sức tích cực để điều trị trước đó.
Ở lứa tuổi này, trẻ đã có những biến đổi về mặt tâm sinh lý và cơ thể. Vì vậy, khi bị tác động thêm của virus SARS-CoV-2, trẻ dễ bị tổn thương tâm sinh lý nặng hơn và có thể để lại di chứng lâu dài.
Ngoài ra, virus có thể tấn công lên não, hệ thống nội mạc mạch máu não, gây tình trạng tăng đông, huyết khối dẫn tới giảm tưới máu được cho các vùng vỏ não phụ trách trí nhớ, hành vi, chữ viết...
Bác sĩ Tiến cho biết sau nhiễm SARS-CoV-2, một số trẻ có biểu hiện phản ứng viêm mạnh sau đó. Chính vì vậy, nhiều trẻ không có triệu chứng trong lúc bị bệnh nhưng sau 2-6 tuần lại có thể bị sốt cao, đau bụng, tiêu chảy, đỏ da, lưỡi đỏ, các ngón tay chân sưng nhẹ, hồng ban, tim đập nhanh, mạch vành có thể giãn... Đây là hội chứng đặc trưng chỉ có ở trẻ em, chưa ghi nhận ở người lớn.
Các biểu hiện hậu COVID-19 cũng có thể xảy ra và kéo dài đến 120 ngày nên sau khi hết bệnh, gia đình cần theo dõi trẻ thêm ít nhất 3 tháng nữa. Trẻ rất cần những chuyên gia tư vấn tâm lý, cha mẹ và thầy cô để hỗ trợ trẻ vượt qua mặc cảm và tự ti.
Bác sĩ thần kinh thường hỗ trợ trẻ bằng cách sử dụng các loại thuốc điều trị thích hợp. Chuyên gia vật lý trị liệu hướng dẫn trẻ luyện tập những bài tập vận động, xoa bóp để giúp giảm đau cơ, đau khớp, vật lý trị liệu hô hấp tập thở hiệu quả.
"Phụ huynh có con bị COVID-19 đã khỏi bệnh có thể liên hệ đến các bệnh viện có chuyên khoa nhi để được tư vấn thêm về tình trạng sức khỏe của các cháu giai đoạn hậu COVID-19", bác sĩ Tiến khuyến cáo.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online