Định kỳ khám sức khỏe giúp phát hiện sớm các bệnh lý, dự phòng được tình trạng thừa cholesterol - mỡ máu cao - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đây là thông tin được đưa ra trong chương trình hội thảo khoa học "Báo động thực trạng thừa cholesterol: hệ lụy và giải pháp", do Tổng hội Y học Việt Nam và Viện Y học ứng dụng Việt Nam tổ chức mới đây.
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn - phó tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam - đây là thực trạng đáng báo động, buộc mỗi người dân cần có kế hoạch điều chỉnh, không thể thờ ơ.
Vì sao người thành thị bị thừa cholesterol ngày càng nhiều?
Thành thị là khu vực tập trung phát triển kinh tế, nên người sống ở thành thị thường dành nhiều thời gian cho công việc. Cộng với đó là người thành thị thường có lối sống "công nghiệp": ăn nhanh, vội, thường xuyên ăn fastfood (thức ăn nhanh), không có hoặc ít dành thời gian cho tập luyện, vận động...
Đó cũng chính là lý do khiến cho gần 50% người thành thị bị mỡ máu và thừa cholesterol trong máu.
Tỉ lệ này sẽ còn tăng nếu người thành thị còn tiếp tục thờ ơ, không nhận thức được mức độ nguy hiểm và những ảnh hưởng của tình trạng mỡ máu cao đến chất lượng sống.
Thực tế, dự phòng tình trạng thừa cholesterol - mỡ máu cao hoàn toàn có thể chủ động thực hiện được bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp vận động, có lối sống khoa học.
Mỡ máu cao hay rối loạn lipid máu được định nghĩa trên lâm sàng là do thừa 1 trong 3 chỉ số sau: cholesterol toàn phần, LDL - cholesterol (hay còn gọi là cholesterol xấu) và triglyceride.
Ngoài ra, giảm HDL - cholesterol (hay còn gọi là cholesterol tốt) cũng được coi là một trong số những yếu tố dẫn đến mỡ máu cao. Do đó để ngăn ngừa tình trạng mỡ máu cao cần điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống để tăng cholesterol tốt, giảm cholesterol xấu trong máu.
2 sai lầm phổ biến của người bị mỡ máu cao
Ăn kiêng, loại bỏ hoàn toàn chất béo ra khỏi khẩu phần ăn, chỉ ăn đồ hấp luộc là sai lầm phổ biến nhất .
Thực chất, chất béo có vai trò quan trọng và là nhóm chất cần thiết cho cơ thể, giúp hấp thu các chất dinh dưỡng, đặc biệt là các vitamin tan trong dầu như A, D, E, K.
Bên cạnh đó, chất béo cũng là thành phần chính của màng tế bào và các hormone. Khi thiếu hụt chất béo trong khẩu phần ăn hằng ngày sẽ ảnh hưởng đến chức năng của nhiều cơ quan, đặc biệt là cơ quan thần kinh.
Không những thế, chất béo cũng là một trong số nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, giúp bạn cảm thấy no lâu hơn.
Sai lầm thứ 2 trong chế độ dinh dưỡng của người bị mỡ máu cao là kiêng các thực phẩm giàu cholesterol.
Thực tế, nhiều thực phẩm giàu cholesterol lại rất giàu những chất dinh dưỡng quan trọng khác, ví dụ như trứng rất giàu choline. Nếu kiêng những thực phẩm này sẽ dẫn đến thiếu các chất dinh dưỡng khác.
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã xóa bỏ ngưỡng khuyến nghị về thực phẩm giàu cholesterol trong khẩu phần ăn dành cho người bị mỡ máu cao.
Thay vì hạn chế chất béo hoặc hạn chế các thực phẩm giàu cholesterol trong khẩu phần ăn, chúng ta nên hạn chế các thực phẩm có chứa chất béo có hại như mỡ động vật, nội tạng động vật, đồ đóng hộp… và học cách sử dụng các chất béo có lợi cho cơ thể.
Áp dụng thực đơn chuẩn LIGHT và thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ để ngăn ngừa mỡ máu cao
Chọn chất béo có lợi và chế độ dinh dưỡng hợp lý
Chế độ dinh dưỡng dành cho người bị mỡ máu cao cũng như người chưa bị mỡ máu cao thì cơ bản không khác biệt nhiều và vẫn nên bao gồm 4 nhóm chất chính là: tinh bột, chất đạm (protein), chất béo (lipid) và chất xơ.
Về chất đạm (protein): ưu tiên protein từ thịt nạc, từ các loại cá béo, các loại đậu, trứng (nhưng không ăn quá 5 quả/tuần).
Về tinh bột: nguồn thực phẩm tinh bột nên cung cấp 60-70% năng lượng một ngày, ưu tiên các thực phẩm giàu chất xơ như khoai củ, ngũ cốc nguyên cám.
Với nhóm thực phẩm cung cấp chất béo (lipid): ưu tiên các thực phẩm có chứa chất béo có lợi.
Nguồn chất béo có lợi thường được tìm thấy nhiều trong các loại cá biển sâu như cá hồi, trích; trong quả bơ, ô liu; ưu tiên sử dụng các loại dầu ăn có chứa dưỡng chất Gamma-Oryzanol và Phytosterol như dầu gạo lứt, dầu đậu nành, dầu hướng dương… vì đây là 2 dưỡng chất có khả năng giảm hấp thụ cholesterol từ thực phẩm.
Cần chú ý, kể cả người bình thường và người bị mỡ máu cao nên hạn chế sử dụng những loại chất béo có hại như: mỡ động vật, nội tạng động vật, đồ đóng hộp…
Về rau củ trái cây: nên ăn đa dạng các loại rau củ, đặc biệt là các loại rau nhiều màu sắc. Rau có thể ăn đa dạng, thoải mái, các loại quả ngọt ăn dưới 100g/ngày, các loại quả nhạt ăn dưới 200g/ngày.
Một khuyến nghị dễ thực hiện để ngăn ngừa mỡ máu cao là tuân thủ thực đơn chuẩn LIGHT. Thực đơn này được xây dựng dựa trên 5 nguyên tắc: L - lựa chọn chất béo có lợi; I - ít tiêu thụ da mỡ, nội tạng động vật; G - giảm muối khi nấu nướng; H - hạn chế rượu, bia; T - tăng cường rau xanh, ngũ cốc.
Tóm lại, đừng để tuổi thọ của bạn bị rút ngắn, chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng chỉ vì mỡ máu cao, vì tình trạng này hoàn toàn có thể dự phòng được thông qua một chế độ dinh dưỡng hợp lý, một lối sống lành mạnh kết hợp với vận động.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online