Nhồi máu cơ tim cấp
Cách nhập viện 1 giờ, bệnh nhân L.V.D (1955) đột nhiên vã mồ hôi và bộc phát các cơn đau ngực. Các cơn đau ngực xuất hiện ngày càng nhiều với cường độ dữ dội, nghỉ ngơi vẫn không thuyên giảm. Được biết trước khi xảy ra các cơn đau ngực, bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, không bị các vấn đề về bệnh lý tim mạch.
Ngay khi nhận được tin báo từ khoa Cấp cứu, Bác sĩ Lê Duy Lạc – Phó trưởng khoa Hồi sức tim mạch đã có mặt kịp thời để tiến hành đánh giá tình trạng bệnh. Bằng kinh nghiệm của mình, BS Lạc nhận định khả năng cao bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp.
BS Lạc cho biết: "Bệnh nhân vào viện vì đau ngực nhiều, nhịp tim chậm, huyết áp thấp,… Chúng tôi tiến hành đo điện tâm đồ và phát hiện bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp nên đã hội chẩn khẩn cấp và lập tức chuyển bệnh nhân vào phòng DSA chụp mạch vành cấp cứu.
Kết quả cho thấy bệnh nhân bị tắt hoàn toàn động mạch vành bên phải. Chúng tôi nhanh chóng can thiệp để cứu sống người bệnh bằng cách đặt 1 stent tái lưu thông mạch máu cho bệnh nhân.
Quá trình thực hiện chỉ trong vòng 30 phút. Ngay sau khi can thiệp, bệnh nhân dần ổn định, hết đau ngực, nhịp tim huyết áp về bình thường. Bệnh nhân cần phải bỏ thuốc lá để phòng ngừa tái phát."
Nhồi máu cơ tim là tình trạng động mạch vành nuôi tim bị tắc nghẽn. Nếu 1 vùng cơ tim bị chết do thiếu máu, lúc này chức năng bơm máu của tim không còn toàn vẹn như trước gây nên các hậu quả như suy tim, sốc tim, đột tử do tim,... những trường hợp nặng tỷ lệ tử vong lên đến 80%.
Đây là tình trạng cấp cứu cần tái lập dòng máu chảy trong đoạn động mạch vành bị tắc càng sớm càng tốt.
Bệnh viện Quận Thủ Đức đã áp dụng nhiều phương pháp khôi phục dòng chảy động mạch vành bao gồm: tiêu sợi huyết, can thiệp mạch vành đặt stent (PCI) và mổ bắc cầu động mạch vành (CABG).
Hiệu quả của các biện pháp này phụ thuộc rất nhiều vào thời gian điều trị từ lúc khởi phát triệu chứng. Can thiệp động mạch vành đặt stent có lợi rõ rệt khi được tiến hành sớm trong những giờ đầu tiên kể từ lúc khởi phát triệu chứng.
Nguồn: Ngọc Anh/ Giadinh.net.vn