Các loại vaccine Covid-19 vốn được phát triển để đối phó với phiên bản virus SARS-CoV-2 ban đầu xuất hiện ở Vũ Hán.
Với sự xuất hiện liên tục của các biến chủng mới, mà gây lo ngại nhất lúc này là biến chủng Delta, hiệu quả của các loại vaccine trong ngăn ngừa Covid-19 đang là một câu hỏi, theo Wall Street Journal.
Biến chủng Delta làm khó các vaccine
Các nghiên cứu ban đầu cho thấy đa phần các loại vaccine vẫn có thể bảo vệ con người trước biến chủng Delta, bởi biến chủng này không khác biệt quá nhiều so với chủng virus ban đầu.
Tuy nhiên, Delta vẫn có những đặc điểm đột biến đáng kể, khiến hiệu quả của vaccine có dấu hiệu giảm đi so với khi sử dụng chống lại phiên bản virus ban đầu, các nghiên cứu chỉ ra.
Con người phải tiêm đủ hai liều vaccine, hoặc tiêm một liều bổ sung đối với loại vaccine chỉ tiêm một liều, để có thể giúp phát triển hệ miễn dịch hoàn chỉnh chống lại biến chủng Delta.
Người dân ở thủ đô Paris của Pháp đợi đến lượt được tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Reuters.
Biến chủng Delta là phiên bản virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan mạnh mẽ nhất được phát hiện tới nay. Vài tháng trở lại đây, biến chủng Delta đã đánh gục hệ thống kiểm soát dịch bệnh của hàng loạt quốc gia châu Á.
Trong khi đó, biến chủng Delta đã tạo ra làn sóng dịch bệnh bùng phát trở lại ở nhiều nước phương Tây như Mỹ, Anh, Israel, dù đây là những nước đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao.
Chỉ trong thời gian vài tuần, biến chủng này đã trở thành chủng virus phổ biến nhất tại Mỹ, chiếm 83% các ca mắc mới.
Các công ty dược phẩm lúc này đang nghiên cứu sự cần thiết tiêm liều vaccine bổ sung cho những người đã tiêm đủ liều vaccine, sau khi các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ kháng thể chống Covid-19 của người đã tiêm vaccine giảm dần qua thời gian.
Dù có dấu hiệu cho thấy vaccine phần nào giảm hiệu quả trong đối phó biến chủng Delta, các nhà khoa học và giới chức các nước tiếp tục khẳng định những vaccine đã được cấp phép giúp bảo vệ con người khỏi nguy cơ diễn biến nặng khi mắc Covid-19.
Vaccine hiện vẫn được coi là công cụ hiệu quả nhất để bảo vệ trước Covid-19, do đó giới chức y tế tiếp tục kêu gọi người dân tiêm chủng sớm nhất có thể.
Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ hôm 22/7 cho biết các loại vaccine giúp mang lại bảo vệ ở mức độ cao trước nguy cơ nhiễm virus, bệnh nặng hoặc tử vong do biến chủng Delta.
"Chúng ta có thể vẫn nhiễm virus, nhưng đa phần người đã tiêm đủ liều vaccine sẽ không bị bệnh nặng, thậm chí không có triệu chứng", bác sĩ Angela Rasmussen, chuyên gia virus tại Đại học Saskatchewan, cho biết.
Vaccine chống lại biến chủng Delta như thế nào?
Các loại vaccine được thiết kế nhắm vào gai protein của virus SARS-CoV-2. Gai protein là bộ phận trồi lên từ bề mặt của virus, một đặc điểm nhận diện của virus SARS-CoV-2, đồng thời là công cụ để virus xâm nhập tế bào người.
Giống như mọi loại vaccine khác, vaccine Covid-19 hoạt động nhằm kích thích khiến cơ thể tin rằng virus đã xâm nhập, huấn luyện hệ miễn dịch làm quen, sẵn sàng chống lại dịch bệnh khi con người thực sự nhiễm virus.
Vaccine tạo ra kháng thể trung hòa, ngăn không để virus xâm nhập các tế bào và tự nhân bản. Kháng thể được tạo ra sẽ bám vào các gai protein của virus, khiến chúng không thể tấn công tế bào khỏe mạnh của con người.
Khi virus đột biến, các bộ phận trên gai protein cũng biến đổi theo. Những đột biến như vậy khiến kháng thể mà vaccine giúp tạo ra khó bám dính vào gai protein hơn, bởi kháng thể có nguy cơ không nhận ra những phần gai protein đã biến đổi.
Vaccine được chứng mình làm giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng hoặc tử vong. Ảnh: Reuters.
"Giống như huấn luyện phi công trên một loại máy bay, và khi bay thật thì sử dụng một loại máy bay có một chút khác biệt", bác sĩ Saad Omer, giám đốc Viện Y tế toàn cầu Yale, cho biết.
Bởi các loại vaccine nhắm tới phần lớn gai protein, vì vậy tới nay, các biến chủng trong đó có Delta chưa đột biến đủ nhiều để loại bỏ hoàn toàn khả năng phòng vệ của hệ miễn dịch tạo ra nhờ vaccine.
Trên người đã tiêm đủ liều vaccine, số lượng kháng thể tạo ra ở mức cao giúp có đủ số kháng thể bám dính vào gai protein, ngăn chặn virus xâm nhập tế bào người.
Các nhà khoa học cho biết tiêm đủ hai liều là cần thiết, bởi kháng thể trung hòa không hoạt động đủ mạnh sau liều đầu tiên.
Bên cạnh đó, với sự xuất hiện của các biến chủng mới, cơ thể con người cần có tỷ lệ kháng thể cao hơn, giúp tạo ra hệ miễn dịch mạnh mẽ hơn để có thể chống lại virus xâm nhập hiệu quả.
"Liều đầu tiên chỉ tạo ra kháng thể ở dưới mức cần thiết để bảo vệ cơ thể, trong khi liều thứ hai sẽ giúp nâng mức kháng thể lên mức bảo vệ hiệu quả", tiến sĩ Akiko Iwasaki, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Yale, cho biết.
Liều vaccine thứ hai cũng giúp tăng số lượng các vũ khí khác của hệ miễn dịch, đó là tế bào T có chức năng tìm, diệt các tế bào nhiễm bệnh, và tế bào ghi nhớ B lưu thông trong máu và giúp sản sinh kháng thể khi phát hiện virus.
Theo ông Shane Crotty, chuyên gia về virus tại Viện nghiên cứu miễn dịch La Jolla, tế bào T và tế bào ghi nhớ B đều rất quan trọng giúp ngăn người mắc Covid-19 diễn biến nặng.
Ví dụ, tế bào T nhận ra các tế bào virus theo nhiều cách hơn so với kháng thể trung hoàn, và tế bào T vẫn phát huy hiệu quả trước các biến chủng mới.
"Tế bào T và tế bào B sẽ gia tăng rất mạnh để ngăn chặn virus", ông Crotty nói.
Một khi cơ thể phát hiện virus xâm nhập, các tế bào như T và B sẽ xung trận và tiêu diệt virus trước bệnh tình diễn biến xấu hơn.
"Với người đã tiêm đủ liều vaccine, tế bào T và B sẽ được kích hoạt ngay khi cơ thể nhiễm virus. Trong khi đó, thời gian với người chưa tiêm vaccine có thể lên đến 2 tuần", bác sĩ Rasmussen cho biết.
Theo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí y khoa danh tiếng New England, hai loại vaccine Pfizer và AstraZeneca đều chứng tỏ hiệu quả cao trong đối phó biến chủng Delta sau khi đã tiêm đủ hai liều.
Với vaccine Pfizer, tỷ lệ hiệu quả sau liều đầu tiên là 36%, sau liều thứ hai là 88%. Trong khi đó, vaccine AstraZeneca có tỷ lệ hiệu quả 30% sau liều đầu tiên và 67% sau liều thứ hai.
Duy Anh
Nguồn: zingnews.vn