Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: Reuters).
Theo AFP, WHO cảnh báo, độ phủ vaccine thấp cùng với sự chậm trễ xét nghiệm để truy vết virus đã tạo điều kiện cho virus lây lan và biến đổi, tạo ra các biến chủng.
"Thế giới đang tạo ra một công thức độc hại tạo điều kiện cho virus sản sinh và khuếch đại bao gồm phủ vaccine thấp, chậm xét nghiệm. Đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục hối thúc các nước đảm bảo tiếp cận công bằng với vaccine, các biện pháp xét nghiệm và phương pháp điều trị Covid-19 trên toàn cầu", Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 1/12.
Người đứng đầu WHO nhấn mạnh, các biện pháp hiện nay dùng để đối phó biến chủng Delta cũng có thể giúp ngăn chặn Omicron.
"Chúng ta cần sử dụng các công cụ mà chúng ta phải dùng để ngăn chặn đà lây nhiễm và đảm bảo mạng sống cho con người trước sự đe dọa của Delta. Nếu làm như vậy, chúng ta cũng ngăn được đà lây lan và cứu được mạng sống của con người khỏi Omicron", ông Tedros nói.
Ngược lại, ông nhấn mạnh: "Nếu các nước và các cá nhân không thực hiện những việc mà chúng ta cần làm để ngăn chặn Delta, thì họ cũng không ngăn chặn được biến chủng Omicron".
Omicron đã lan ra 23 nước
Biến chủng Omicron được phát hiện ở châu Phi từ giữa tháng 11 và được Nam Phi báo cáo lên WHO hôm 24/11. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, Omicron đã trở thành biến chủng trội ở Nam Phi, chiếm 74% mẫu giải trình tự gen ở nước này.
Theo ông Tedros, Omicron đã xuất hiện ở ít nhất 23 quốc gia và chắc chắn sẽ còn lan rộng hơn nữa bất chấp lệnh hạn chế đi lại với châu Phi mà nhiều nước ban hành ngay sau khi tin tức về biến chủng "siêu đột biến" này xuất hiện.
WHO khuyến cáo người trên 60 tuổi, người dễ tổn thương và người chưa tiêm đầy đủ vaccine nên hoãn các chuyến đi đến những nơi có lây lan Covid-19 trong cộng đồng ở thời điểm này. Tuy nhiên, WHO cũng cho rằng, lệnh hạn chế đi lại tuyệt đối với các nước châu Phi hoặc thậm chí với tất cả các nước còn lại trên thế giới do lo ngại biến chủng Omicron là không cần thiết. Theo WHO, lệnh hạn chế này sẽ tác động tiêu cực đến đời sống, sinh kế của người dân và cũng cản trở việc chia sẻ dữ liệu dịch tễ giữa các nước.
Sắp giải mã khả năng lây lan của Omicron
WHO đã xếp Omicron vào nhóm biến chủng đáng lo ngại và đánh giá biến chủng này có "thế mạnh tăng trưởng" dựa vào những dữ liệu ban đầu.
WHO nói rằng có thể phải mất vài tuần để hoàn tất các nghiên cứu về Omicron để xem nó có thay đổi nào về mức độ lây lan, độc lực hay bất cứ thay đổi nào ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine, phương pháp xét nghiệm và điều trị hay không.Với nghiên cứu về mức độ lây lan của Omicron, trưởng nhóm kỹ thuật phụ trách vấn đề Covid-19 của WHO, bà Maria Van Kerkhove cho biết: "Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm thông tin về khả năng lây lan (của Omicron) trong vài ngày tới".
Trong khi thế giới lo ngại về Omicron, Giám đốc chương trình khẩn cấp WHO Mike Ryan cảnh báo mối đe dọa do Delta - biến chủng trội toàn cầu - gây ra. "Một điều chắc chắn là chúng ta đang phải đối phó một cuộc khủng hoảng: Đó là cuộc khủng hoảng ở châu Âu do Delta gây ra", ông nói.
Minh PhươngTheo AFP
Nguồn: Báo điện tử Dân trí