Thủ đô Tehran của Iran đầy khói bụi - Ảnh: AFP
WHO cho biết cần hành động khẩn cấp để giảm ô nhiễm không khí, cần xem gánh nặng bệnh tật do ô nhiễm không khí gây ra ngang bằng với hút thuốc và ăn uống không lành mạnh.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới tất cả bộ phận của cơ thể, từ não bộ cho tới thai nhi đang phát triển trong bụng mẹ.
WHO cũng đã ban hành hướng dẫn về chất lượng không khí (AQG) vào ngày 22-9, nói rằng tuân thủ hướng dẫn có thể cứu sống hàng triệu người.
Hướng dẫn nhằm mục đích bảo vệ mọi người khỏi tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí. Chính phủ các nước sẽ tham khảo hướng dẫn của WHO để đặt ra các tiêu chuẩn ràng buộc về mặt pháp lý.
Lần gần nhất WHO ban hành AQG là vào năm 2005, có tác động đáng kể đến các chính sách giảm ô nhiễm không khí trên toàn cầu.
Các nhà khoa học hoan nghênh AQG nhưng lo ngại một số quốc gia sẽ gặp khó trong việc thực hiện, do phần lớn thế giới đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn cũ, ít nghiêm ngặt hơn.
Theo dữ liệu của WHO, vào năm 2019, 90% dân số toàn cầu sống trong môi trường không khí không lành mạnh, dựa theo AQG năm 2005. Một số quốc gia như Ấn Độ có tiêu chuẩn lỏng lẻo hơn khuyến nghị năm 2005 của WHO.
Liên minh châu Âu tuy có tiêu chuẩn cao hơn đáng kể so với khuyến nghị cũ của WHO, nhưng vẫn có một số nước trong khối này không kiểm soát được mức ô nhiễm trung bình hằng năm, ngay cả khi công nghiệp và giao thông ngừng hoạt động do COVID-19.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online