Những câu chuyện về cách làm giàu nhờ vào số lượng tài sản dồi dào, vừa khởi nghiệp đã phát triển mạnh mẽ, hoặc thu mua một công ty đã dày dạn kinh doanh hàng thập kỷ rồi phù phép nó thành một doanh nghiệp mới đã không còn xa lạ với bất cứ ai. Thế nhưng, những con người đã phải đi lên chỉ với hai bàn tay trắng mới thật sự là nguồn cảm hứng đối với tôi.
Năm doanh nhân sau đã bắt đầu hành trình của mình từ con số không tròn trĩnh, thậm chí còn nợ nần ngập đầu. Vậy mà những gì họ đạt được bây giờ đã khiến hơn 300 triệu dân Mỹ phải ngả mũ kính phục vì bản lĩnh kinh doanh tài ba.
1. George Soros
"Kẻ phá sập ngân hàng Anh" - George Soros
Người ta thường nghĩ đến George Soros như một nhà đầu tư hơn là một nhà kinh doanh nhưng những bài học từ câu chuyện làm giàu từ con số không của ông thì không ai có thể phủ nhận. Khi Soros còn là một cậu trai trẻ ở Hungary, năm 1947, cậu đã phải chạy trốn sang Anh sống để thoát khỏi cuộc đàn áp của Đức Quốc xã. Mặc dù kinh tế trong tay vô cùng khốn khó, Soros vẫn nỗ lực theo học trường Kinh tế Luân Đôn và tự xoay xở theo cách riêng của mình để thuận lợi nhận được tấm bằng đại học. Sau đó, vào những năm 1950, sau khi chuyển tới Mỹ, ông trở thành nhà quản lý đầu tư cho một vài doanh nghiệp, tự gây dựng vốn cho riêng mình và cuối cùng cũng thành lập công ty riêng.
Phi vụ đầu tư nổi tiếng nhất của ông là lần bán non trước thời hạn đồng bảng Anh vào đầu những năm 1990. Quyết định vô cùng sáng suốt này đã giúp ông kiếm về hơn 1 tỷ đô mỗi ngày sau đó.
2. John Paul DeJoria
John Paul DeJoria, từ vô gia cư trở thành tỷ phú.
John Paul DeJoria đã tạo ra kỳ tích về tinh thần kinh doanh và quản lý tài sản đủ để cạnh tranh với cả Steve Jobs hay Elon Musk. Ông bắt đầu công việc đầu tiên từ việc đi giao báo, sau đó là bảo vệ gác cổng, rồi lái xe kéo để kiếm tiền. Đến tận khi bước chân vào làm việc tại một cơ sở chăm sóc tóc, DeJoria đã tình cờ gặp được Paul Mitchell.
Với khoản vay 700 USD trong tay, hai người họ đã bắt đầu tự tay xây dựng một doanh nghiệp nhỏ mà sau này nó đã phá triển thành tập đoàn lớn John Paul Mitchell Systems hiện nay. Sau đó, DeJoria đồng sáng lập Patron Spirits, và cũng là đối tác sáng lập chuỗi House of Blues. Tính đến ngày hôm nay, con người ông đã trị giá hơn 3,1 tỷ USD.
3. Kevin Plank
Tỷ phú Kevin Plank, đứng thứ 37 trong danh sách Doanh nhân của Năm 2016 theo Fortune.
Là CEO của công ty may mặc đồ thể thao Under Armor, Kevin Plank đã suýt phải đánh đổi tất cả khi quyết tâm thay đổi kế hoạch bán quần áo đặc trưng dưới thương hiệu Under Armor của mình. Lúc đó, ông đã phải sử dụng tới đồng tiền mặt cuối cùng trong túi mà ông tiết kiệm suốt nửa đời vào khoảng 20.000 đôla, và vay nợ thêm 40.000 đôla từ thẻ tín dụng để có thể trang trải cho công ty.
Cũng nhờ đó, ông có cơ hội hoàn thành một thương vụ rất lớn trị giá 17.000 đô la Mỹ cho Đại học Georgia Tech, và lấy đó làm động lực, ông tiếp tục giành được liền 20 hợp đồng bán hàng cho các đội bóng bầu dục quốc gia. Sau đó, chỉ trong vài năm, công ty của ông đã kiếm được doanh số hàng triệu đô và thuê thêm hàng trăm nhân viên. Ngày nay, Under Armor đã đạt 2 tỷ đô doanh số bán lẻ và có gần 6.000 nhân viên.
4. Jan Koum
Thành đạt không cần bằng cấp.
Là người sáng lập WhatsApp, Jan Koum sinh ra tại một ngôi làng nhỏ gần Kiev ở Ukraine. Do quá nghèo khó, gia đình của Koum di cư đến California và Koum bắt đầu tự mình tìm hiểu về máy tính mỗi khi có thời gian rảnh rỗi. Từ lúc 18 tuổi, ông đã thể hiện được các kỹ năng ấn tượng và vào năm 1997, ông trở thành một kỹ sư cơ sở hạ tầng của Yahoo!.
Sau một thập kỷ trong ngành công nghệ, vào năm 2009, ông dần nhận ra tiềm năng phát triển to lớn từ các ứng dụng và đã bắt đầu sáng lập Tập đoàn WhatsApp trong năm 2014. Ngay sau đó WhatsApp trở nên vô cùng phổ biến. Facebook đã phải chi một con số đáng kinh ngạc là 19 tỷ đô la để có thể sở hữu ứng dụng này.
5. Sam Walton
Bí quyết thành công: "Khách hàng là thượng đế".
Thật là buồn cười khi vị "đại gia" Walmart vô cùng giàu có lại thường xuyên hứng chịu nhiều sự chỉ trích vì thường xuyên trả lương thấp cho nhân viên cũng như sử dụng hàng loạt chiến lược "cắt cổ" để tối đa hóa lợi nhuận. Sam Walton chính là cha đẻ sáng lập ra Walmart nhưng vào năm 1945, tất cả những gì ông đứng tên mình chỉ là một cửa hàng bách hóa nhỏ xíu đầu tiên.
25.000 đô tiền vốn để nhập hàng bán thậm chí còn là tiền ông đã phải vay cha vợ của mình. Vậy mà chỉ sau đó không lâu, ông đã gặt hái thành công rực rỡ ngay lập tức trong ngành bán lẻ. Trụ sở chính thức đầu tiên của Walmart được mở trong năm 1962 ở Rogers, Ark; và trong 1976, Walmart đã trị giá hơn 176 triệu đô la Mỹ. Có thời điểm người ta còn cho rằng, Walton chính là người đàn ông giàu có nhất nước Mỹ.
Vậy, từ những câu chuyện trên, chúng ta có thể rút ra 3 bài học quý giá:
Vay nợ là lựa chọn khả thi. Các khoản nợ chỉ đáng sợ khi ta dùng cho trường hợp không chắc chắn. Còn người thành công, họ vay nợ để tạo đà phát triển. Chỉ cần bạn luôn có một kế hoạch trả nợ khả thi thì chẳng ngại gì vay nợ.
Đầu tư vào chính mình. Trước khi đầu tư bất cứ thứ gì, bạn phải đầu tư vào bản thân mình trước, từ cách nâng cao các kỹ năng đến việc trau dồi đào tạo và kinh nghiệm. Nếu không, bạn sẽ khó có thể gây dựng chứ đừng nói đến việc giữ vững doanh nghiệp của riêng mình.
Nhìn về tương lai. Những doanh nhân hiểu điều này sẽ không cố chen chân vào một thị trường đã tồn tại. Họ sẽ tìm cách tạo ra những hướng đi mới, đánh liều xem thị trường đó sẽ phát triển như thế nào. Các chiến lược tập trung vào tương lai luôn chiến thắng những chiến lược đánh vào hiện tại.
Ai cũng có thể đi lên từ con số không, miễn là họ sẵn sàng làm việc chăm chỉ, trung thành với ý tưởng của mình và chấp nhận rủi ro cần thiết để biến ý tưởng đó thành hiện thực. Lấy cảm hứng từ những thành công lớn của các tấm gương trên đây, và đừng để tiền bạc hay kinh nghiệm thiếu hụt ngăn cản bạn theo đuổi giấc mơ của mình.
Phương Thúy
Theo Trí thức trẻ