Vất vả kiếm tiền không phải vì yêu tiền, mà là không muốn vì tiền mà phải cúi đầu trước ai, cũng không muốn vì tiền mà làm khó ai. Nếu cho chúng ta một lý do bắt buộc để nỗ lực, vậy thì đó tất nhiên là "sợ nghèo".
01
Hôm qua tôi có rủ một người bạn đi xem phim, nhưng cô ấy từ chối.
Tôi thấy rất lạ, bởi cô ấy gần như là người sôi nổi nhất trong nhóm bạn, thường sẽ chẳng bao giờ vắng mặt trong các cuộc đi chơi.
Thì ra vừa rồi, mẹ của cô ấy bị bệnh, đó cũng là lần đầu tiên cô ấy nhận thức ra được rằng cha mẹ mình đã thực sự già rồi. Hiện tại, cô ấy đang vật lộn để kiếm tiền nên không có thời gian.
Trong bệnh viện, cô ấy khuôn mặt khổ sở hòa vào đám đông đứng chờ để nộp viện phí.
May mắn thay trong tài khoản vẫn còn khoảng 7 triệu đồng, khoảng khắc đó, cô ấy bỗng nhiên ý thức được lợi ích của đồng tiền.
Khi bệnh tật, khó khăn, quẫn bách tìm đến, chúng ta mới ý thức ra được rằng: không có tiền, quả thực rất thảm.
Tôi bỗng nhớ lại quãng thời gian mình nghèo nàn nhất, đến ốm cũng không dám bị bởi không có nhiều tiền để đi khám. Viêm dạ dày chỉ dám ngồi trong nhà vệ sinh để nôn, sau đó ép mình uống một cốc nước ấm lớn.
Lúc đó tôi mới phát hiện ra, có tiền thật tốt. Ít nhất, nó giúp chúng ta có thêm nhiều lựa chọn, có thể giúp chúng ta chống đỡ những lúc cùng cực.
Tôi từng xem qua một bộ phim điện ảnh, trong đó có một lời thoại khiến tôi nhớ đến tận ngày hôm nay: tôi không yêu tiền nhưng tôi biết, tiền có thể đem lại độc lập và tự do, còn tôi lại thích cuộc sống một cuộc sống độc lập và tự do.
Trong bộ phim chiếu mạng "Women in Beijing", Trần Khả khi vừa tới Bắc Kinh đã ngay lập tức chạy đi tìm bạn học cấp 3 của mình.
Rõ ràng biết nam nữ thụ thụ bất thân nhưng vì không có tiền, cô ấy vẫn phải mặt dày đến ở cùng phòng trọ với người bạn nam đó. Sau đó, suýt chút nữa còn bị bạn học xâm phạm, nhưng trước khi rời đi vẫn gắng hỏi anh ta rằng: công việc trước kia cậu giới thiệu cho tôi, tôi vẫn có thể làm chứ?
Mất mặt như vậy, nói cho cùng vẫn chỉ vì 3 chữ: không có tiền.
Liên quan đến câu hỏi "Chúng ta vì sao phải kiếm tiền?", trên mạng có một câu trả lời khiến tôi rất đồng ý như sau:
Vất vả kiếm tiền không phải vì yêu tiền, mà là không muốn vì tiền mà phải cúi đầu trước ai, cũng không muốn vì tiền mà làm khó ai. Chỉ hi vọng khi cha mẹ già đi tôi có thể gánh trách nhiệm; khi con cái cần, tôi cũng có thể ra tay giúp đỡ.
Nếu cho chúng ta một lý do bắt buộc để nỗ lực, vậy thì đó tất nhiên là "sợ nghèo".
02
Khoảng thời gian trước, tôi có xem bộ phim truyền hình chuyển thể từ tiểu thuyết "Nửa đời trước của tôi", nữ chính La Tử Quân, tốt nghiệp đại học danh tiếng, dung mạo xinh đẹp, nhưng lại chỉ vì một câu nói "Anh kiếm tiền nuôi em" của chồng lại lựa chọn ở nhà.
Chồng ở bên ngoài danh tiếng vang dội, hô mưa gọi gió, còn La Tử Quân ở nhà lại chỉ biết suy nghĩ lung tung, không có một chút năng lực kinh tế nào. Vì vậy, khi hôn nhân gặp trục trặc, cô ấy trở nên vô cùng bất lực.
Trong "canh bạc" hôn nhân này, La Tử Quân đã thua sạch sành sanh, bởi ngay từ đầu cô ấy đã không có thẻ đánh bạc, thậm chí đến tiền cũng là chồng đưa cho.
Cũng may La Tử Quân tỉnh ngộ kịp thời, sau khi ly hôn ngay lập tức tìm công việc, từng bước từng bức trở mình vực dậy.
Đối lập với La Tử Quân là bạn thân của cô ấy, Đường Tinh.
Đường tinh là kiểu "gái công sở" điển hình, có nhà, có tiền, có tiếng nói nơi làm việc, trước giờ không dựa dẫm vào ai.
Trong tiểu thuyết, Tử Quân sau khi ly hôn, có một hôm tới văn phòng tìm Đường Tinh. Trong đó có một đoạn miêu tả tâm lý như sau:
"Lúc trước, tôi chưa từng đến phòng làm việc của Đường Tinh, hôm nay bỗng có cảm giác ấm áp và an toàn lạ thường, ngồi xuống liền không muốn rời đi.
Đây là thế giới của cô ấy, do một tay cô ấy nỗ lực dựng lên, là "thù lao" sau bao nhiêu vất vả và nỗ lực của cô ấy. Là công việc và tiền đem lại cho Đường Tinh sức mạnh."
Ding Xueliang, tiến sỹ tốt nghiệp Đại học Harvard, trong quãng thời gian học tại Mỹ có một người bạn thân thiết là người Do Thái. Người bạn Do Thái này nói với ông rằng: "Người Châu Á các cậu thường cho rằng người Do Thái chúng tôi yêu tiền, chúng tôi lúc trước cũng vì điều này mà cảm thấy xấu hổ. Nhưng sau đó, ba của tôi đã nói với tôi một câu, kể từ sau đó, tôi đã biết rằng chúng tôi vì sao lại yêu tiền như vậy.
"Bởi vì lúc gặp khó khăn, túng quẫn, bất luận là vì lý do gì, thứ có thể mua được mạng sống của người thân chính là tiền. Người Do Thái không yêu tiền, thứ họ yêu là "tiền có thể mua được mạng sống của người thân. Tiền bạc ở một mức độ nào đó, nó ngang bằng với tôn nghiêm và tự do, nó khiến chúng ta cảm nhận được sự ấm áp và sự an toàn. Còn tìm kiếm cảm giác an toàn lại là bản năng tiềm ẩn bên trong của mỗi người.
Trên mạng xã hội có một câu chuyện được rất nhiều lượt chia sẻ như sau: Bạn thân của tôi sau khi thất tình đã đặt vé đến Maldives, một tuần sau trở về, cô ấy giống như chưa từng xảy ra chuyện gì vậy.
Tôi hỏi cô ấy, sao nhanh thoát ra được cái bóng đau khổ của thất tình vậy? Là vì yêu không đủ sâu ư? Cô ấy nói: có lẽ là vì có tiền! Người không có tiền, lúc thất tình chỉ có thể mua chai rượu ngồi bên vỉa hè vừa uống vừa khóc. Nhưng có tiền rồi, bạn hoàn toàn có thể đi tới Thổ Nhĩ kỳ, tới Tokyo, tới Paris, vừa đi vừa khóc, muốn khóc ra sao thì khóc.
Không phải chúng ta bắt buộc phải sùng bái tiền, nhưng nếu không có tiền, cuộc sống quả thực không dễ qua.
Chỉ khi bạn dành thời gian đi nâng cao bản thân, đi kiếm tiền, bạn mới có thể tránh xa khỏi những nông nổi, lo lắng và mệt mỏi. Bởi những người vừa bận vừa có tiền, nhất định sẽ không lãng phí thời gian vào những chuyện không đáng để mình bận tâm.
Nguồn: CAFEF