Phi trường Los Angeles (LAX), nơi xuất phát của hầu hết các chuyến bay về Á Châu và nhiều nơi trên thế giới đã mở cửa đón khách nhưng vẫn chưa có các chuyến bay đi Việt Nam. (Hình: Mario Tama/Getty Images)
Ông Trần Quang, một du khách từ Việt Nam sang sang California du lịch, kể với phóng viên nhật báo Người Việt: “Tết vừa rồi, tôi bay qua Mỹ du lịch. Dự tính ở chơi tới Tháng Ba thì về, nhưng dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tôi bị kẹt cho tới giờ. Nhớ nhà quá nên ngày nào tôi cũng hỏi han khắp nơi để mua vé về, nhưng nơi bán vé, nơi không. Tôi hoang mang quá!”
Bán vé đầu Tháng Tám, nhưng “không chắc”
Ông Quang cho biết, ngày nào em gái của ông cũng liên lạc nhiều đại lý bán vé máy bay ở khu Little Saigon để hỏi mua vé.
“Ở Bolsa có khoảng 30 đại lý bán vé máy bay, nhưng hầu hết họ đều chưa mở cửa, mà chỉ ‘gặp’ khách qua phone, thậm chí nhiều nơi em tôi gọi tới, còn không có ai trả lời.”
Sáng 29 Tháng Sáu, khi đọc được bản tin “Việt Nam có thể mở lại các chuyến bay quốc tế vào cuối Tháng Bảy,” ông Quang mừng rỡ, nói cô em bốc phone gọi liền cho vài đại lý bán vé, xem có ai bán, ông sẽ mua liền, dù có bị cách ly 14 ngày.
Sau nhiều cú phone bất thành, cuối cùng em của ông Quang mới gặp được nhân viên của đại lý Blue Sky Travel.
Yêu cầu đầu tiên của ông Quang là muốn về Sài Gòn trong Tháng Bảy, bị từ chối ngay lập tức.
Nhân viên bán vé trả lời: “Việt Nam chưa cho vào, tụi em không dám bán đâu. Hiện tại đại lý tụi em chỉ bán vé từ ngày 2, ngày 3 Tháng Tám trở đi thôi, nhưng cũng… không chắc.”
Theo giải thích của nhân viên bán vé, nếu đến ngày đó, Việt Nam vẫn chưa “mở cửa,” khách không được trả vé, mà chỉ có thể dời sang ngày khác, chịu phí dịch vụ $25. “Nếu tới ngày bay của lịch trình mới, mà vẫn chưa bay được, lúc đó… tính tiếp, vì không ai dám hứa chắc điều gì vào thời điểm này.” Nhân viên đại lý bán vé nói.
Văn phòng đại lý vé máy bay Titan Travel, chiều 29 Tháng Sáu. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)
Để chắc ăn, bán vé từ đầu năm 2021
Đại lý vé máy bay Titan Travel hoạt động tại khu Bolsa hơn 13 năm qua, nhưng từ đầu năm đến nay bị “thất thu” thê thảm.
Chị Cathy Phương Ngô, chủ đại lý vé máy bay Titan Travel kể với phóng viên Người Việt: “Trong khoảng thời gian từ Tháng Giêng đến Tháng Ba, chúng tôi cực lắm. Lúc đầu, khách không dám bay, vì sợ, nên đòi hủy vé. Khi đó một số hãng hàng không vẫn còn bay được, nên cũng có khách dời ngày bay. Sau đó tới lượt hãng hàng không hủy chuyến, do nhiều quốc gia cấm nhập cảnh, nên tụi tôi phải đổi chuyến cho khách, nhưng vừa đổi xong thì hãng mới cũng bị cấm bay.”
Cô Ngoan Lâm, nhân viên đại lý vé máy bay Titan Travel cho biết: “Cứ hết chuyển qua hãng này, lại chuyển hãng khác, có khi chỉ có một khách mà tụi em phải chuyển cả chục lần. Đến lúc dịch bệnh bùng phát, hãng nào cũng hủy chuyến, thế là hết bay luôn.”
Chị Cathy nói thêm: “Tụi tôi làm quần quật, nghe điện thoại nhiều khi ‘cháy máy,’ cực đã đành, mà còn chẳng được gì. Thậm chí chúng tôi bị mất hết toàn bộ commission (tiền hoa hồng) của những vé book (đặt chỗ) cho tới Tháng Tám năm nay, mỗi tháng khoảng $3,000-4,000, do hãng hàng không hủy chuyến. Kiểu gì thì đại lý cũng bị thiệt, chưa kể tiền thuê văn phòng, điện, Internet,… vẫn phải đóng đều đều, mà nhiều khách hàng không hiểu, có người làm khó dễ, mệt lắm!”
Chị Cathy Phuong Ngo đang tiếp khách hàng chiều 29 Tháng Sáu. Chị cho biết vào thời điểm này, mỗi ngày đại lý của chị chỉ mở 4 tiếng. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)
Theo chị Cathy, khách hàng sẽ bị phạt khi hủy vé đã đặt. Trường hợp hãng hàng không hủy chuyến (do không được nhập cảnh ở đâu đó, kể cả nơi quá cảnh), khách hàng được hoàn tiền vé, mà chỉ phải trả phí dịch vụ cho đại lý bán vé, và nơi xuất vé.
“Chính vì quy định như thế, nên chúng tôi thường khuyên khách hàng nên dời ngày bay, thay vì hủy vé, và chờ. Đến lúc đó, nếu có chuyến bay thì tốt, còn nếu hãng hàng không hủy chuyến, khách sẽ không bị mất tiền.”
Mặc dù chân tình giải thích kỹ lưỡng, nhưng chị Cathy từng gặp một khách hàng khó chịu, nhất quyết không chịu trả phí dịch vụ, khiến chị phải “ứng tiền túi” ra mà trả lại, coi như làm… không công!
“Tôi liên lạc khá thường xuyên với các nhân viên Lãnh Sự Quán Việt Nam tại Hoa Kỳ để hỏi xem chừng nào Việt Nam ‘mở cửa’ thì chúng tôi mới dám bán vé. Hiện nay, vì chưa có gì là chắc chắn, nên tôi không dám bán vé đi Việt Nam trong suốt năm 2020, mà chỉ bán vé từ đầu năm 2021 thôi,” chị Cathy nói.
Chị Cathy cho biết giá vé vào thời điểm đầu năm 2021 khá rẻ. Nếu bay khứ hồi từ Los Angeles (LAX) về Việt Nam, giá trung bình khoảng $600-700, tùy hãng hàng không và tùy điểm đến: Sài Gòn, Hà Nội, hay Đà Nẵng.
Một khu thương mại của người Việt trên đường Bolsa, Little Saigon, nơi có đại lý bán vé máy bay. (Hình: Google Map)
Tiếp tục chờ đợi
Là người thường đặt vé máy bay online, chúng tôi vào thử vài website của những hãng hàng không như China Airlines, EVA Airs (quá cảnh tại Đài Loan); American Airlines (quá cảnh tại Tokyo, Nhật Bản)… đều được thông báo chuyến bay sớm nhất có thể mở lại là ngày 30 Tháng Bảy.
Trong khi đó, các website như Priceline, Expedia, Cheapflights, nơi bán vé máy bay của nhiều hãng, cũng chỉ hiện lên các thông tin của hãng hàng không American Airlines và Japan Airlines với lịch trình và giá vé từ ngày 30 Tháng Bảy trở đi. Tất nhiên, tới đúng ngày đó, nếu Việt Nam vẫn chưa cho nhập cảnh, các hãng hàng không này cũng sẽ thông báo để hành khách dời ngày.
Chị Cathy kể: “Một trong những khách hàng gắn bó lâu năm với đại lý chúng tôi gọi hàng ngày để hỏi mua vé, vì ông ấy ‘mắc’ về Việt Nam quá. Ổng kêu tụi tôi lì, không chịu bán vé, trong khi các đại lý khác người ta bán rồi. Tôi phải cá cược rằng ông ta cứ mua bất cứ vé ở đại lý nào để bay trong Tháng Bảy. Nếu ổng bay được, thua gì tôi cũng chịu. Cuối cùng ông ấy mới thôi. Bán vé ai chẳng muốn!”
Với kinh nghiệm nhiều năm bán vé máy bay, bảo hiểm cho khách du lịch, chị Cathy khuyên những người là khách đi du lịch bị “mắc kẹt” mà hết hạn visa, nên hỏi những ai rành về luật di trú, nhờ viết lá thơ gửi cho Sở Di trú Hoa Kỳ (USCIS) để tránh bị ghi tên vào “sổ bìa đen” có thể không bị ảnh hưởng khi xin visa vào Mỹ sau này.
Để tìm hiểu thêm thông tin về các chuyến bay đi Việt Nam trong thời điểm hiện tại và sắp tới, phóng viên Người Việt đã gọi điện thoại đến các văn phòng bán vé máy bay trong khu Little Saigon như Le’s Travel, LA Travel,… nhưng “không liên lạc được.”
Hoa Kỳ đang dẫn đầu số ca bệnh và tử vong vì COVID-19. Chưa có quốc gia nào khẳng định không còn, hoặc đã kiểm soát được dịch bệnh. Chính vì thế, điều cần làm là tiếp tục chờ đợi, bởi chưa có gì là chắc chắn, cho đến thời điểm này.
Nguồn: Người Việt