Vị đại gia người Pháp gốc Việt cho rằng “mình phải làm sao để mình nói một câu thì người ta sẽ tin là cái câu đó mình sẽ làm”. Đó là mấu chốt để xây dựng thương hiệu cá nhân, thương hiệu Việt Nam.

Ngày 30 và 31 tháng 3 vừa qua, Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng toàn cầu (Vietnam Global Leaders Forum – VGLF) diễn ra tại Paris, Cộng hoà Pháp đã quy tụ hơn 200 người Việt thành đạt đến từ 25 quốc gia trên nhiều lĩnh vực:

từ khoa học, công nghệ, kinh doanh đến chính trị và nghệ thuật.

Đại gia gốc Việt muốn mua lại tháp Eiffel

Người gây ấn tượng mạnh tại diễn đàn là một triệu phú người Pháp gốc Việt, người từng nổi tiếng khắp nước Pháp về dự định mua lại tháp Eiffel – Ông Chúc Hoàng nằm trong danh sách 200 người giàu nhất nước Pháp, theo tạp chí Challenges.

Ông xếp hạng khoảng 176 với tổng giá trị tài sản 290 triệu Euro (tương đương 395 triệu USD).

Đây chưa phải là con số cuối cùng vì họ mới chỉ thống kê những phần tài sản nhìn thấy được của ông. Ngoài ra, hiện ông có trong tay khoảng 40 công ty.

Vào năm 2014, vị đại gia gốc Việt từng gây xôn xao trên nhiều tờ báo Pháp vì thương vụ đặc biệt nhất trong 70 năm cuộc đời, với mục tiêu mua lại Công ty Tháp Eiffel (Société de la Tour Eiffel) – được thành lập vào năm 1889 bởi chính Gustave Eiffel, kỹ sư cha đẻ của ngọn tháp Eiffel.

Ngày nay, Công ty Tháp Eiffel là đơn vị quản lý nhiều tòa nhà văn phòng, nhà đất ở Paris với lượng tài sản trị giá 701 triệu USD. Doanh nhân Chúc Hoàng bắt đầu quan tâm đến Công ty tháp Eiffel từ cuối năm 2012 và cho đến năm 2014 thì đã sở hữu 30,74% cổ phần.

42 1 Trieu Phu Goc Viet Muon Mua Lai Thap Eiffel Toi Khong Bao Gio Lam Qua Chuyen Cua Toi Toi Noi La Toi Lam

Quãng giữa năm 2014, ông tiếp tục gửi đơn lên cơ quan Quản lý thị trường tài chính Pháp (AMF) một lần nữa xin mua lại Công ty Tháp Eiffel.

Giá đưa ra là 55 euro mỗi cổ phiếu, nhằm mua 4,3 triệu cổ phiếu và 113.400 quyền chọn khác.

Lần mua này không thành công vì có đối thủ khác ngăn cản với giá 58 euro. Dù vậy, doanh nhân Chúc Hoàng cho biết vẫn chưa bỏ cuộc trong thương vụ trị giá khoảng 250 triệu euro này.

Theo tờ Le Monde, trong nhiều thập niên qua, doanh nhân Chúc Hoàng khá kín tiếng trước công chúng Pháp. Tuy nhiên, ông lại đứng phía sau khá nhiều doanh nghiệp tại nước này như Công ty Phương Đông, Công ty MI29 hay Địa ốc Wilson…

Những năm gần đây, ông Chúc Hoàng dần thâu tóm cổ phần trong nhiều công ty niêm yết như mua 19% Bigben Interactive – nhà phân phối thiết bị chơi game hàng đầu châu Âu. Nhờ đó, người ta ngày càng biết nhiều hơn về thân thế cũng như số tài sản của vị đại gia người Pháp gốc Việt này.

‘Nhất ngôn cửu đỉnh’: Truyền thống chân chính của người Việt

Trong ngày đầu tiên của sự kiện, ông Chúc Hoàng đã gây ấn tượng với toàn bộ khách mời tham dự qua câu nói:

“Thứ nhất là mình phải làm sao để mình nói một câu thì người ta sẽ tin là cái câu đó mình sẽ làm.

Việt Nam mình có hai câu tôi thấy là rất là tồi. Câu thứ nhất là ‘nói chuyện làm quà’.

Tôi không bao giờ làm quà chuyện của tôi, tôi nói là tôi làm.

Câu thứ nhì là ‘nói chuyện xong thôi’.

Nếu tôi nói câu này, trong 20 năm nữa, anh nhớ lại là tôi đã có nói cái câu này cách đây 20 năm thì cũng như là tôi nợ tiền”.

Khi vị triệu phú gốc Việt có giọng nói chậm rãi “Tây Tây” nói đến đoạn này, không ít người đã cười xoà. Có lẽ vì nó… đúng quá chăng?

Dường như chỉ mấy chục năm trở lại đây, người Việt Nam mới có thói quen coi nhẹ lời nói, lời hứa của mình như vậy. Trong lịch sử, chúng ta kế thừa nền văn minh cổ đại phương Đông với các giá trị Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, không thua kém gì Trung Hoa hay Nhật Bản.

Nếu như Trung Hoa có điển tích “Quý Trát tặng kiếm” (1), Nhật Bản nổi tiếng với câu chuyện công ty dao nĩa Fujita (2), thì lịch sử Việt Nam cũng từng ghi lại nhiều gương sáng về đức Tín.

Tô Hiến Thành giữ lòng trung tín, phò tá Thái tử

Tô Hiến Thành là vị đại thần phụ chính nhà Lý, nổi tiếng là công minh chính trực. Khi vua Lý Anh Tông băng hà, Hoàng tử trưởng là Lý Long Xưởng dâm dật hư hỏng, vua có di chiếu lập hoàng tử Lý Long Trát mới 3 tuổi lên ngôi (tức vua Lý Cao Tông), đã giao cho ông làm phụ chính.

Đại Việt sử ký toàn thư chép:                           

“Ất Mùi, [Thiên Cảm Chí Bảo] năm thứ 2 [1175], (Tống Thuần Hy năm thứ 2). Mùa xuân, tháng giêng, sách lập Long Trát làm Hoàng thái tử, ở đông cung. Phong Tô Hiến Thành làm Nhập nội kiểm hiệu thái phó bình chương quân quốc trọng sự, tước vương, giúp đỡ đông cung.

Mùa hạ, tháng tư, vua không khỏe, cố gượng sai Tô Hiến Thành ẵm thái tử mà quyền nhiếp chính sự.

Mùa thu, tháng 7, ngày Ất Tỵ, vua băng ở điện Thuỵ Quang. Trước đó, khi vua ốm nặng, hoàng hậu lại xin lập Long Xưởng, vua nói:

“Làm con bất hiếu còn trị dân sao được”.

Di chiếu cho Tô Hiến Thành giúp rập thái tử, công việc quốc gia nhất nhất tuân theo phép cũ. Bấy giờ thái hậu muốn làm việc phế lập, sợ Hiến Thành không nghe, mới đem vàng bạc đút cho vợ là Nữ thị. Hiến Thành nói:

‘Ta là đại thần nhận mệnh tiên đế dặn lại giúp rập vua bé, nay lấy của đút mà làm việc phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở suối vàng?’.

Thái hậu lại gọi Hiến Thành đến dỗ dành trăm cách. Hiến Thành trả lời: ‘Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có vui làm, huống chi lời của Tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quang hay sao? Thần không dám vâng chiếu’. Việc bèn thôi”.

42 2 Trieu Phu Goc Viet Muon Mua Lai Thap Eiffel Toi Khong Bao Gio Lam Qua Chuyen Cua Toi Toi Noi La Toi Lam

Triệu phú Hoàng Chúc (bên phải) tại Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng toàn cầu 2019. (Ảnh: vietnamnet.vn)

Yết Kiêu kiên cường giữ trận địa

Năm 1284, giặc Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ hai. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn lệnh cho các tướng đến hội quân ở Vạn Kiếp để chuẩn bị chống giặc. Lúc bấy giờ, Yết Kiêu được giao nhiệm vụ giữ thuyền ở Bãi Tân, thuộc sông Lục Nam.

Khi quân Nguyên đến, thế giặc rất mạnh, quân ta thua trận, thủy quân tan cả. Lúc ấy, Hưng Đạo vương định bỏ đường thủy, rút theo lối chân núi mà quên đi bộ tướng của mình vẫn đang kiên cường quyết giữ trận địa theo quân lệnh. Biết được điều đó, Dã Tượng đã nói với chủ tướng:

“Yết Kiêu chưa thấy Đại vương thì nhất định không dời thuyền”.

Vương đến Bãi Tân, chỉ có thuyền Yết Kiêu vẫn còn ở đó. Vương mừng lắm, nói:

“Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng là chim thường thôi”.

“Thương hiệu Việt Nam” trong tương lai?

Trong Luận Ngữ có câu:

“Nhân nhi vô tín, bất tri kì khả dã. Đại xa vô khẩu, tiểu xa vô ngột, kì hà dĩ hành chi tai?“, đại ý là nếu con người không giữ chữ tín, cũng giống như một cỗ xe lớn không có đoạn gỗ chốt nối giữa càng xe và ách xe, xe sẽ không thể chạy được. Cho đến hôm nay, điều này vẫn luôn đúng. Sẽ không ai muốn chơi với người chỉ “nói chuyện làm quà”, “nói chuyện xong thôi”, chứ chưa nói đến là làm ăn với họ.

Chủ đề của Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng toàn cầu 2019 là “Brand Vietnam”, tạm hiểu là “Nâng tầm thương hiệu Việt Nam”.

Thiết nghĩ, để có thể nâng tầm thương hiệu quốc gia, mỗi người Việt Nam đều có trách nhiệm xây dựng “thương hiệu” của chính cá nhân mình thông qua việc giữ chữ Tín.

 

 

(Tham khảo tin tức từ Dân Trí và VnExpress)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC