Với hơn 22 năm kinh nghiệm dày dạn và kiến thức chuyên sâu về Chấn thương chỉnh hình, một bác sĩ Việt Nam tại Đức đã từ bỏ tất cả để về nước cống hiến cho các bệnh nhân tại quê hương mình.

 

TS.BS Lê Trọng Phát, nhận học vị Tiến sĩ Y khoa của Trường Đại học Rheinische Friedrich-Wihelms Bonn tại Đức vào năm 1993 và từng là Phó trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình tại Bệnh viện Franziskus, Linz, Đức.

Thế nhưng ông đã từ bỏ tất cả để về làm việc tại Việt Nam, điều mà không phải ai cũng dễ dàng quyết định.

Bác sĩ danh tiếng liều lĩnh bỏ Đức về Việt Nam - 0 Bác sĩ Phát khám cho bé Hiếu.

Bác sĩ Phát tâm sự: “Một trong những điều để giữ tôi ở lại quê hương chính là những bệnh nhân của tôi, những câu chuyện đời của họ, tâm tư và tình cảm của họ. Người Việt Nam mình rất tôn trọng và yêu quý bác sĩ, tình cảm ấy không dễ tìm ở các nước phát triển khác.

Mỗi bệnh nhân lại cho tôi những kinh nghiệm, bài học quý giá và có thể nói họ là người bạn, người thầy cho chính tôi”.

Trong 22 năm làm nghề, phẫu thuật, điều trị cho không biết bao nhiêu trường hợp nhưng bác sĩ Phát lại thổ lộ, một bệnh nhi được ông phẫu thuật tại Việt Nam đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất cuộc đời y nghiệp của mình.

Đó là câu chuyện về cậu bé Nguyễn Trọng Hiếu, bị bệnh tim lại thêm dị dạng khớp gối bẩm sinh nhưng đầy nghị lực và khát khao sống.

Hiếu sinh ra với một trái tim tật nguyền, đôi chân có phần đầu gối xoay ra ngoài khiến việc đi lại của em rất khó nhọc. Ba Hiếu đã bỏ đi biền biệt từ khi em chào đời. Mẹ Hiếu là công nhân, nhà nghèo phải luôn chạy vạy khắp nơi để vay tiền lo thuốc men cho con từng ngày.

Dù thể trạng yếu ớt, Hiếu vẫn khát khao được đến trường. Mẹ chiều lòng con. Không ít lần Hiếu ngất xỉu ngay tại lớp học.

Năm 2010, Hiếu được một tổ chức từ thiện đưa đi mổ tim. Những tưởng em sẽ có một cuộc sống mới. Thế nhưng, tiếc thay, đầu gối chân em càng xoay ra, mỗi bước em đi là cả sự đau đớn khó nhọc.

Tổ chức từ thiện đã mang hồ sơ bệnh án của em đi nhiều nơi, nhưng nơi nào cũng từ chối vì em bị dị dạng khớp gối bẩm sinh và tình trạng ngày càng nặng hơn.

Cơ hội thử sức ở Việt Nam

Tháng 6/2014, hồ sơ của Hiếu được gửi đến cho bác sĩ Phát. Sau khi thăm khám bác sĩ Phát nhận định đây là ca khó và ông gửi tài liệu, hồ sơ của Hiếu sang Đức để hội chẩn cùng các giáo sư hàng đầu.

Tất cả các đồng nghiệp đều ngạc nhiên vì lần đầu tiên thấy ca bệnh như vậy.

Bác sĩ danh tiếng liều lĩnh bỏ Đức về Việt Nam - 1

Những bước đi vững chắc của bệnh nhân khiến bác sĩ Phát rất phấn khởi.

Quyết tâm giúp Hiếu đi lại mà không phải đoạn chi, bác sĩ Phát quyết định sẽ mổ bằng những kinh nghiệm và kiến thức mà ông tự tích lũy.

Ca mổ kéo dài 4 tiếng đồng hồ và thành công tốt đẹp. Không ai tin nổi vì Hiếu đã có thể đứng thẳng trên đôi chân của mình, đang tập những bước đi đầu tiên.

Trước thắc mắc của nhiều người về sự liều lĩnh khi bỏ sự nghiệp bên Đức về Việt Nam “làm lại từ đầu” của nhiều người, bác sĩ Phát chỉ mỉm cười chia sẻ: “Bạn có thể nghĩ vậy nhưng với việc trở về Việt Nam đã cho tôi cơ hội thử sức ở một môi trường hoàn toàn mới".

Theo bác sĩ Phát, lúc đầu, chỉ xúc tiến việc hợp tác với Bệnh viện FV để trở thành bác sĩ cộng tác định kỳ. Nhưng sau nhiều lần trao đổi thì được mời về làm Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình của bệnh viện.

"Tôi rất bất ngờ, nhưng sau đó nghĩ lại, về sống ở Việt Nam cũng là mơ ước bấy lâu nay của mình. Cũng may gia đình luôn ủng hộ quyết định “về quê” của tôi. Và tôi cảm thấy quyết định của mình chưa bao giờ sai. Tôi hy vọng mình có thể giúp được cho nhiều bệnh nhân Việt hơn nữa.” - bác sĩ Phát bộc bạch.

TS.BS Lê Trọng Phát nhận học vị Tiến sĩ Y khoa của Trường Đại học Rheinische Friedrich-Wihelms Bonn tại Đức vào năm 1993 và từng là Phó trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình tại Bệnh viện Franziskus, Linz (Đức).

Bác sĩ Phát có 22 năm kinh nghiệm chuyên ngành phẫu thuật ở cả khoa Ngoại lẫn khoa Chấn thương Chỉnh hình.

Trong hơn 10 trở lại đây, với sự nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực y học thể thao, bác sĩ Lê Trọng Phát chuyên điều trị chấn thương chỉnh hình, nội soi khớp vai, khớp gối, tái tạo phục hồi các dây chằng, thay khớp vai, khớp gối, khớp háng.

Nguồn: Thanh Huyền - VietnamNet




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC