Hôm qua, lúc ngồi giải lao uống cà-phê, cả phòng ngồi hàn huyên đủ mọi chuyện.

 

Chuyện cơ quan ở Đức: Văn hoá tranh luận - 0

Một cô đồng nghiệp mới nói đến chủ đề về các nước đang phát triển (bởi cô phụ trách bên Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế).

Cô hỏi mọi người: "Ai trong chúng ta đã từng mua hàng ở cửa hàng quần áo Primark?".

Tiếp theo câu hỏi là biết bao tranh luận về việc mua-không mua và quan điểm mỗi cá nhân.

Primark là chuỗi các cửa hàng thời trang đến từ Ireland (Ai-len). Ở đây người ta bán tất cả mọi thứ (quần áo, giày dép, túi, khăn... của nam, nữ và cho cả trẻ nhỏ).

Chuyện cơ quan ở Đức: Văn hoá tranh luận - 1

Điều đáng nói ở đây là giá cả các mặt hàng của hãng này rẻ, rất rất rẻ. Một chiếc áo phông có khi chỉ 1,2€, một chiếc váy cho nữ tầm 5-7€, giày dép thì cũng ở ngưỡng rẻ như cho vậy.

Chính bởi giá rẻ, đồ lại rất hợp mốt nên hầu như ngày nào, đặc biệt là cuối tuần,Primark cũng chặt cứng toàn người là người.

Chuyện cơ quan ở Đức: Văn hoá tranh luận - 2

Và cũng chính bởi giá rẻ nên sau câu hỏi của cô đồng nghiệp, hai luồng ý kiến trái ngược nhau tranh luận suốt buổi.

  • Một bên thì KHÔNG BAO GIỜ bước chân vào đó để mua đồ. 

    Bởi lí do: Mức lương trả cho người lao động ở những nơi sản xuất đồ thật quá rẻ mạt. Họ không thể chấp nhận làm cái việc mà họ coi như "một cách bóc lột gián tiếp" như vậy được.

     

  • Một bên thì VẪN CỨ MUA nếu cảm thấy phù hợp. 

    Đành rằng, với sự bóc lột ấy, họ không tán thành nhưng lặp luận là:"Chúng ta không mua thì liệu những nhân công đó có được trả lương cao hơn hay không?".

Mỗi bên đều có cái lí riêng để bảo vệ ý kiến của mình.

Riêng bản thân mình nghĩ, hành vi của mỗi cá thể sẽ phụ thuộc vào quan điểm, nhận thức và hoàn cảnh riêng nữa.

Cuộc nói chuyện đã đem đến cho mình những điều đáng nhớ về một loại Văn hoá:Văn hoá tranh luận.

  • Tập trung vào chủ đề

    Tranh luận chủ đề gì cần tập trung đúng vào vấn đề ấy.

  • Tôn trọng đối tác

    Mình không thể bắt người khác phải có cùng quan điểm như mình. Nếu khác, hoặc thậm chí trái ngược quan điểm cũng không nên miệt thị hay coi thường người khác. 

    Chính khác biệt về trình độ, nhận thức, văn hoá sẽ tạo nên sự đa đạng trong suy nghĩ và hành động.

  • Biết giới hạn để dừng

    Khi có dấu hiệu của sự gay gắt (ở phía đối tác hay cả bản thân), tốt nhất nên dừng lại cuộc tranh luận để tránh những mâu thuẫn đáng tiếc và không đáng có.

  • Không để tranh luận ảnh hưởng đến mối quan hệ

    Cuộc tranh luận kết thúc cũng đồng nghĩa khép lại vấn đề ấy.

    Sẽ thật buồn cười nếu vì sự bất đồng quan điểm mà ta không còn muốn nói chuyện hay tiếp xúc với đồng nghiệp/ người quen nữa, dù trước đó vẫn bình thường.

Quan điểm, lối sống và văn hoá là những tiêu chí sẽ giúp ta xác lập mức quan hệ thân-sơ tương xứng.

Quan điểm có thể khác nhau, nhưng phải dựa trên nền tảng về văn hóa và đạo đức đúng đắn.

Xem thêm: Khi bị đồng nghiệp Đức "dìm hàng"

Theo Nguyễn Thu Huyền - © VIANADE.COM




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC