Do cuộc sống khó khăn, nhiều người Việt ở các vùng quê nghèo, đặc biệt là ở khu vực miền Trung, đã tìm cách sang Đức bằng con đường bất hợp pháp, tìm mọi cách để ở lại làm ăn, kiếm tiền với hy vọng “đổi đời”.
Một số nhỏ trong những người đi tìm vận may ở phương xa này, hoặc đã gặp may mắn, có đầu óc tính toán làm ăn và nhất là “có gan”, nên làm ăn khấm khá, thực hiện được giấc mơ “đổi đời” của mình.
Còn lại một phần lớn đã bị trục xuất về nước hoặc vất vả làm ăn đủ sống, trong khi phải trả một giá đắt trong cuộc sống.
Tôi tình cờ gặp chị P. 58 tuổi vào đầu năm 2014.
Thông qua câu chuyện chắp vá, tôi đã nhận thấy chị là một mẫu người tương đối điển hình trong những người quyết tâm "đổi đời" ở Đức.
Vừa gặp, chị đã than vãn về ông chồng già người Đức nát rượu, ít hiểu biết, đến cái hợp đồng thuê chỗ bán hàng cũng không hiểu làm chị bị hớ.
Chị P. cho biết, qua môi giới, chị tìm thuê được một chỗ ở một ven hồ để bán hàng ăn nhanh châu Á.
Sau khi ký hợp đồng thuê chỗ bán hàng, chị mới ớ ra rằng đây mới chỉ là một khoảng đất trống.
Chị sẽ phải tự mua xe bán hàng hay container để đặt vào đây, trong khi phải đặt cọc 10.000 Euro và chi khoảng 5.000 Euro cho tiền môi giới, thế mà chồng chị cũng chẳng nói gì, làm chị tưởng rằng đã có xe bán hàng sẵn rồi.
Giờ đây, chị nhờ tôi đi dịch khi nói chuyện với các đối tác người Đức.
Tiếng Đức vốn lập bập, nhưng chị hay nói xen vào, kệ người nghe có hiểu hay không. Bên môi giới khẳng định sẽ giúp chị mua được một chiếc xe bán hàng ngon lành, thiết kế phần trang trí miễn phí, chị chỉ phải trả tiền thuê in ấn và dán lên khoảng vài trăm Euro là xong.
Chị tỏ ra lo lắng vì ước tính sẽ cần tới 15.000 Euro nữa để mua xe từ 6-8.000 Euro, trang trí, mua thực phẩm và một số trang thiết bị nữa, ngoài tiền đặt cọc và tiền môi giới.
Thêm vào đó là tiền thuê 3.500 Euro/tháng trong thời gian hoạt động từ tháng 5 tới tháng 9. Chỉ trong thời gian này trời ấm mới có người đi tắm hoặc ra hồ chơi mới vào ăn.
Chị kể, năm 1991, chị trốn sang Đức xin "tị nạn", thực tế chỉ vì điều kiện kinh tế khó khăn, nghe người ta nói ở Đức dễ kiếm tiền.
Trước khi đi, hai vợ chồng chị đã bàn bạc giả vờ ly hôn để có điều kiện cưới giả, ở lại Đức kiếm ăn.
Được mấy năm không thấy vợ về, anh chồng cũ liền cưới ngay cô vợ mới, thế là giả hóa thật. Sau vài năm ở Đức, chị bị trục xuất vì sử dụng giấy tờ giả.
Ảnh minh họa
Trong thời gian này, chị gặp một anh người Đức, vốn là đệ tử của Lưu Linh.
Được bà mẹ anh ta vun vào, vì bà đã già yếu, muốn họ cùng chung sống để chăm sóc bà khi đau yếu. Vả lại tình duyên đã bẽ bàng, chồng có vợ mới, trong khi ước mơ “đổi đời” chưa thành, chị quyết định liều “nhắm mắt đưa chân”.
Anh Tây già đã sang tận Việt Nam để cưới và làm thủ tục đưa vợ về Đức sinh sống.
Chị tần tảo làm ăn, kiếm được một số vốn nên quyết định tự hành nghề bán hàng ăn nhanh với hy vọng kiếm được nhiều tiền một cách nhanh chóng.
Sau đó, chị quyết tâm đi học lái xe để chủ động, vì ông chồng già hay say rượu nên nhiều lúc không thể lái xe, phụ giúp chị.
Nhưng rồi vận may vẫn chưa đến với chị. Năm đó, hè không có nhiều ngày nắng nóng nên ven hồ ít khách, thu nhập chẳng được là bao.
Từ đó, những ngày rằm, mồng Một, chị rất hay đi lễ chùa, mong tìm lại được một chút thư thái trong lòng đầy sóng gió.
Tuy nhiên, giấc mơ “đổi đời” dường như ngày càng xa vời, khi chị đã bước vào tuổi xế chiều.
Nguồn: VietnamNet