Vài năm gần đây, màn ảnh Việt Nam biết tới một khuôn mặt tài tử đẹp trai, rất đàn ông. Anh được mời tham gia nhiều phim, khi thì sắm vai tay giang hồ nghĩa hiệp hay tay thảo khấu lận đận trời Âu xa xứ, lúc lại đóng vai người lính ngụy trở về miền đất lành v.v...
Ở vai nào người xem cũng thấy anh diễn khá chuyên nghiệp.
Người ta còn thấy anh xuất hiện trong vai dẫn chương trình, ca sĩ với các ca khúc tự anh viết và phối trong vài chương trình biểu diễn thu hút giới trẻ ở Hà Nội. Đó là Lâm Vissay.
Lâm Vissay là ai, mà tới tuổi gần 40 mới để khán giả Việt Nam biết tới? Hóa ra người diễn viên nam tới độ chín này là hàng xóm của tôi, nhà ở trước đền Đống Nước, làng Ngọc Hà. Một ngôi nhà ba tầng nhỏ, tầng hai là phòng tập treo đầy những dây leo, tạ và cả bao, bóng cho luyện tập quyền võ thuật.
Một phòng tập dành cho một võ sĩ hay diễn viên chuyên đóng vai hành động. Lâm Vissay khi ấy nói tiếng Việt chưa sõi, nhiều câu anh còn dùng tiếng Đức để đủ cho tôi hiểu câu chuyện.
Lâm Vissay là người Đức gốc Việt. Anh sinh năm 1976, mẹ người Việt Nam, bố người Lào. Ba tuổi Lâm sang Đức với cha mẹ.
Từ nhỏ Lâm đã thích nghề diễn. Anh có nhiều khả năng để biểu đạt các trạng thái tâm hồn. Mười sáu năm trên nước Đức, Lâm Vissay tham gia đóng phim, tham gia diễn xuất cả trên sân khấu kịch ở Đức và Mỹ.
Khán giả châu Âu và Mỹ biết anh qua những phim nổi tiếng dài nhiều tập như “Soko Leipzig” (Điệp vụ Leipzig), “Unter Dir Die Stadt” (Dưới bạn là thành phố).
Ở lĩnh vực sân khấu anh cũng làm người Đức hâm mộ khi tham gia vở kịch “Karl-May-Festspiele in Bad Segeberg bei Hamburg”.
Nói về nghề diễn viên điện ảnh ở châu Âu, Lâm Vissay tâm sự:
Khán giả ở Đức hay Âu châu vẫn chưa chấp nhận những diễn viên người gốc châu Á, hay châu Phi khi họ chưa nổi tiếng vào những phim lớn, vì thế điện ảnh châu Âu ít kịch bản dành vai chính như Lâm.
Do vậy trong 1 năm, Lâm thường chỉ có 3 tháng đi diễn, có năm chỉ diễn 15 ngày. Catse ở Đức khá cao, gấp 30, 40 lần ở nước ta. Một ngày diễn thù lao thường đến 1.600USD, và nếu những năm ít diễn, nhờ chế độ bảo hiểm, dân sinh tốt, nghệ sĩ không đi làm gì thêm vẫn có tiền để sống được. Nhưng nếu những ngày không diễn chỉ ở nhà không làm việc, mình tự mình thấy thiếu lòng tự trọng.
Sinh ra làm con người phải lao động.
Vì thế ở Đức, Lâm làm thêm nhiều nghề khác khi không đi diễn, ví như tài xế, nấu ăn, rửa bát...
Cách đây hơn 3 năm, Lâm được mời tham gia vai chính trong phim video “Hai phía chân trời”.
Đấy là một cơ hội để anh biết tới phim ảnh Việt Nam, đặc biệt là làm quen với giới văn nghệ sĩ điện ảnh trong nước. Qua cuộc chơi lần thứ nhất ấy, Lâm quyết định quay hẳn về Việt Nam tham gia làm phim và biểu diễn, bởi thấy mình được tôn trọng, dầu là đóng phim ở Việt Nam thực vất vả và nhiều điều kiện không được như ở Đức.
Gặp Lâm sau gần hai năm, anh đã nói tiếng Việt khá hơn rất nhiều.
Người thanh niên thấm đẫm văn hóa châu Âu, thẳng thắn và thật thà cởi mở với tôi:
Về Việt Nam tham gia phim “Khi đàn chim trở về” được vài ngày thì Lâm muốn bỏ quay. Ngôn ngữ tiếng Việt kém, làm anh thất vọng.
Nhưng chính tình cảm và sự động viên của các nghệ sĩ Việt Nam trong đoàn đã cho Lâm thêm quyết tâm và nghị lực.
Để tiếp tục tham gia phim, khi anh em nghỉ ngơi, đi chơi, Lâm ở nhà đánh vần từng dòng kịch bản. Tự tập nói từng lời thoại, khi thì một mình, lúc có anh em cùng đoàn sửa nắn. Phim hoàn thành. Lâm rất vui khi đạo diễn và đồng nghiệp khen Lâm diễn tốt. Từ những thành công ban đầu ấy Lâm được nhiều đạo diễn mời tham gia phim mới.
Tham gia làm phim ở Việt Nam thực có nhiều thú vị.
Điều làm Lâm hào hứng nhất là các đạo diễn đa phần đều rất tôn trọng Lâm về nghề, cho phép Lâm tự do diễn.
Làm phim “Bến tình” với đạo diễn Lưu Trọng Ninh để lại ấn tượng khá sâu sắc. Ông là một đạo diễn rất kĩ tính từ công tác chuẩn bị làm phim, phục trang, đạo cụ tới chọn vai diễn và ông luôn đòi hỏi các diễn viên phải diễn kĩ, chuyên nghiệp.
Có đoạn quay chúng tôi phải diễn đi diễn lại tới chục lần. Điện ảnh hiện đại đòi hỏi phải làm như vậy, lao động tới cùng để đạt được hiệu quả. Lâm cho đó là cách làm chuyên nghiệp và có trách nghiệm cao. Còn đạo diễn Cường Ngô rất lắng nghe ý kiến của diễn viên.
Khi làm phim “Truy sát” với Cường Ngô, Lâm muốn thay đổi kịch bản cho phim hay hơn, ông lắng nghe và đã chấp thuận. Nhưng làm điện ảnh ở Việt Nam thật vất vả.
Vì kinh phí hạn hẹp nên nhiều phim diễn viên và các nghệ sĩ làm phim có ngày làm việc tới 18 giờ, khi thù lao rất thấp, điều kiện ăn ở cũng vô cùng thiếu thốn. Có phim Lâm đi diễn, khẩu phần ăn đến cuối phim giảm xuống từ 60 ngàn tới 10 ngàn một bữa.
Điều kiện ở cũng thực tồi, có phim cả 40 người phải chen chúc sống chung trong một khu ở rất tồi tàn, sinh hoạt tối thiểu cũng kém.
Chính những điều ấy làm nghề diễn viên ở Việt Nam hiệu quả không cao.
Một bộ phim truyền hình ở châu Âu quay trong hai ba tuần, thậm chí một tháng thì ở ta chỉ quay vài ngày. Diễn viên và các nhà làm phim đều kiệt sức thì khó có một cảnh hay, phim hay.
Sự chuẩn bị tổ chức sản xuất thực hiện một phim cũng nhiều khi thiếu chuyên nghiệp. Diễn viên có khi diễn vài phút, nhưng phải cờ đợi cả ngày làm họ mệt mỏi.
Chính những điều ấy cản trở sự phát triển của Điện ảnh Việt Nam, ấy là chưa nói dàn diễn viên của ta trừ những bạn được đào tạo bài bản trong các trường nghệ thuật lớn, còn nhiều diễn viên vẫn diễn như đóng kịch.
Dù như vậy Lâm vẫn chọn ở lại Việt Nam để làm phim.
Bạn bè Lâm cùng lứa ở châu Âu hiện nay nhiều người đã có danh vị. Họ có thể sống rất ổn định, với những nghề nghiệp như bác sĩ, kĩ sư hay lập trình viên ở châu Âu với đời sống rất cao.
Lâm đã chọn nghệ thuật làm nghề, thì chính ở Việt Nam cho Lâm thỏa mãn cái đam mê của mình, là được diễn một cách chuyên nghiệp. Được diễn, đấy là hạnh phúc không gì có gì lớn lao cần thiết hơn cho một nghệ sĩ.
Người nghệ sĩ phải có đam mê vượt qua những điều khó khăn như sự thử thách tình yêu của mình với nghề nghiệp.
Tôi gặp Lâm Vissay trước ngày anh lên đường trở lại Đức tiến hành phẫu thuật sau một chấn thương nặng, khi anh tham gia một phim hành động ở trong nước. Lâm nói, sẽ quay lại Việt Nam, vì đây là cũng là quê hương của Lâm. Sự phát triển Điện ảnh Việt Nam cũng là mong mỏi, khao khát của chính Lâm. Và Lâm muốn góp công sức nhỏ bé của mình để biến mong muốn đó thành hiện thực.
Lâm Vissay khoe với tôi, sau khi điều trị vết thương anh sẽ tiếp tục làm phim với các nhà điện ảnh trong nước.
Lâm đã kí hợp đồng nhận lời tham gia giảng dạy những khóa đào tạo diễn viên sân khấu và điện ảnh. Nói về tương lai của nền điện ảnh nước nhà Lâm Vissay như khẳng định:
Điện ảnh Việt Nam đang phát triển, dù đang còn chập chững từng bước trong hội nhập với điện ảnh hiện đại của thế giới. Sự phát triển nhiều thành tố, nhà nước và tư nhân trong liên hoan phim 19 vừa qua, đang làm điện ảnh nước nhà rất đa dạng và khởi sắc.
Điều này giống như những năm đầu phát triển của điện ảnh Hongkong, nhưng chắc chắn nay mai chúng ta sẽ có những cuốn phim hay như các nền điện ảnh hiện đại của thế giới.
Lâm không từ bỏ khao khát rằng, nay mai điện ảnh châu Âu sẽ mời Lâm tham gia những phim lớn, nhưng việc đóng góp cho nền Điện ảnh nước ta, Lâm muốn như một hạt cát, cùng anh em nghệ sĩ khác cống hiến cho một nền điện ảnh chuyên nghiệp, nhất là đội ngũ diễn viên kế tiếp.
Tôi tạm biệt Hạt cát Lâm Vissay trong một chiều đông ấm áp.
Một hạt cát với tình yêu quê hương và Điện ảnh nước nhà đã đóng góp rất cụ thể cho nhiều giải thưởng điện ảnh nước nhà tặng cho các cuốn phim mà anh đã cùng các nghệ sĩ tham gia được vinh danh.
Một lâu đài của nền Điện ảnh Việt Nam có lẽ cần nhiều hạt cát như vậy, những hạt cát lấp lánh như kim cương tỏa sáng với lòng đam mê nghệ thuật và lòng yêu nước cụ thể đơn giản như Lâm Vissay.
Nghệ sĩ điện ảnh Lâm Vissay tham gia diễn các phim:
|
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ