Hơn 6 năm ròng người phụ nữ Việt Nam nhỏ bé định cư trên đất Đức không tiếc công sức, tiền của truyền dạy tiếng Việt đến thế hệ thứ 2, 3.
Một lớp học tiếng Việt ở Đức
Sự nghiệp trồng người dù có gian nan vất vả nhưng chị Nguyễn Thu Loan chưa bao giờ nản chí. Chị phải truyền tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ - những chiếc cầu nối đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Người phụ nữ nhỏ nhắn ấy kể cho tôi nghe cái duyên chị đến với nghề cao quý nhưng đầy ắp sự nhọc nhằn này.
Với chị mỗi người con xa xứ có rất nhiều lý do để họ lưu lạc nơi xứ người nhưng trong tôi hình ảnh đất nước có dáng hình của người mẹ lưng còng tựa vào dẫy Trường Sơn hùng vĩ và ánh mắt hướng về Biển Đông luôn xuất hiện trong những giấc mơ.
Tôi yêu đất nước tôi bằng cả trái tim và khối óc.
Vì vậy, tôi cũng muốn con tôi, những đứa trẻ không được sinh ra ở Việt Nam cũng có chung niềm hạnh phúc là nói được tiếng mẹ đẻ, có một chốn để nhớ về. Vì vậy, tôi đã dạy tiếng Việt cho con từ thuở nằm nôi qua những câu hát ru ầu ơ, ân tình.
Nhưng chỉ con tôi biết tiếng Việt thôi thì chưa đủ.
Ngôn ngữ bọn trẻ dùng hàng ngày là tiếng Đức, chúng chỉ gặp cha mẹ một quãng thời gian ngắn ngủi trong ngày, chữ nghĩa đọng trong đầu chúng là bao? Mình phải dạy cho trẻ con tại khu vực mình sinh sống nói tiếng Việt. Chỉ làm được điều này các cháu mới có cơ hội sử dụng tiếng Việt.
Nói là làm, lớp học i tờ của chị hình thành thuở ban đầu chỉ lèo tèo 3-4 học sinh.
Cũng không ít lần lớp học của chị "hội ngộ rồi chia ly” bởi ngoài những tiết dạy chị có cả một núi công việc, nào chuyện mưu sinh, nào nghĩa vụ của người phụ nữ với gia đình đè nặng lên vai. Hơn nữa để thu hút được con trẻ đến học là chuyện không dễ.
Không dễ là bởi tiếng Việt là ngoại ngữ tại Đức lại không có mặt trong các môn ngoại ngữ bắt buộc trong hệ thống giáo dục của nước này. Trẻ con không phải học nếu chúng không thấy thích còn người lớn thì thấy học tiếng Việt cũng tốt nhưng họ sẽ phải sắp xếp đưa đón con cái, ảnh hưởng đến cuộc mưu sinh vốn đã khó khăn nơi xứ người... Bao nhiêu rào cản khiến việc dạy học nhiều lần bị đình lại.
Chị Nguyễn Thu Loan
Cái khó ló cái khôn
Vốn là cán bộ văn hóa chị đã tìm ra những cách rất riêng để những đứa trẻ đến với lớp học.
Chị bảo, trẻ con ở một nước phát triển rất khác với trẻ con sống trong nước. Chúng chỉ làm điều chúng muốn, chúng thực sự thích và không gì có thể ép buộc chúng đến trường. Thế là chị phải tổ chức làm sao để lớp học thực sự là nơi học mà chơi, chơi mà học.
Chị đã soạn giáo án theo cách rất riêng.
Lớp học không chỉ được bó hẹp trong 4 bức tường mà có thể được tổ chức tại một khu vườn xinh đẹp, trong một chuyến đi pinic hay bất kỳ hoạt động nào có liên quan đến cuộc sống của chính các em. Đến với lớp học con trẻ sẽ cảm nhận được hai chữ mẹ hiền khi mà bất cứ điều gì chúng cũng được mẹ Loan chia sẻ, đồng cảm.
Chị Loan tâm sự, trẻ nhỏ nhất là những cháu bước vào tuổi 13, 14 có rất nhiều điều chúng không nói được với cha mẹ nhưng chúng lại nói với tôi. Chúng chia sẻ với cô giáo dạy tiếng Việt vì chúng hoàn toàn cho rằng, tôi là chỗ dựa cho chúng. Chính sự tin tưởng của con trẻ đã kéo theo sự tin tưởng của bố mẹ các em với lớp học tiếng Việt.
Giờ thì rất nhiều phụ huynh chẳng cần vận động họ cũng tự giác đưa con đến nhờ cô dạy.
Chị bảo, sở dĩ các bậc phụ huynh tin tưởng vào lớp học của chị là bởi phương thức giáo dục con cái của một nước phương Tây rất khác Việt Nam.
Nhiều cha mẹ Việt đã bế tắc trong cách dạy con. Và họ nhận ra rằng học tiếng Việt không chỉ là học ngôn ngữ để giao tiếp mà ẩn sâu trong tầng văn hóa Việt chính là truyền thống tôn sư, trọng đạo, hiếu đễ với cha mẹ.
Chính những điều các em thu lượm được trong quá trình tìm hiểu về văn hóa Việt Nam sẽ giúp tự điều chỉnh hành vi của mình, không đến mức "dân chủ quá trớn” khiến bố mẹ phải đau đầu.
Giờ thì mẹ Lan có gần 50 đứa con. Con nào cũng yêu quý mẹ.
Trong số những học sinh chị rất ấn tượng với bé Lê Na Cẩm Anh. Cháu Cẩm Anh được sinh ra tại Nga và theo bố mẹ sang Đức sinh sống, giờ cháu đã học xong lớp 12 nhưng chưa một lần đặt chân về Việt Nam. Cháu tìm đến với tôi với niềm mong mỏi học tiếng Việt để hiểu về quê hương, nguồn cội, để khi trở về Việt Nam sẽ không phải là "người lạ”.
Thật vui mừng vì giờ trình độ tiếng Việt của Cẩm Anh đã khá lên rất nhiều.
Tại ngày hội gia đình Việt Nam vừa được tổ chức mới đây đã rất nhiều người ngạc nhiên, xúc động khi nghe Cẩm Anh dẫn chương trình hoàn toàn bằng tiếng Việt.
Tâm sự với cô giáo Loan Cẩm Anh nói, con thật sự hạnh phúc khi nói được tiếng mẹ đẻ và sẽ sắp xếp trở về quê hương trong một ngày gần nhất.
Đó chính là phần thưởng xứng đáng cho những ngày vất vả mà chị Loan bền bỉ truyền dạy tiếng Việt trên nước Đức...
Trịnh Kim Chi - Theo DANVIET