Trong chuyến sang Berlin làm việc của nhóm chương trình BBC Việt ngữ, tôi có trả lời một số câu hỏi phỏng vấn của nhóm. Một người nêu lên:
“Có người nhận xét là chợ Đồng Xuân tại Berlin như là một mô hình tư bản sơ khai ngay trong lòng một nước tư bản.“
Tôi thấy nhận xét này không sai vì thực tế bà con người Việt đang kinh doanh trong khu chợ Đồng Xuân tại Berlin nói riêng và những doanh nhân người Việt đang kinh doanh trên toàn nước Đức đến khu chợ Đồng Xuân mua hàng nói chung, đều tự mày mò, học hỏi lẫn nhau rồi tự làm giấy phép kinh doanh và hành nghề, ít có người được đào tạo một cách chính quy có bài bản.
Ngay cả như ông Nguyễn Văn Hiền chủ chợ Đồng Xuân tại Berlin, là doanh nhân thành đạt nhất nhì phần Đông Đức, cũng chưa chắc được học qua một lớp đào tạo cơ bản nào về nghề mà ông đang kinh doanh.
Hoàn cảnh và bối cảnh lịch sử trong những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước đã góp phần thúc đẩy phần lớn bà con người Việt sang lao động hợp tác thời Đông Đức (DDR), đang ở lại nước Đức thống nhất phải tự tìm cho mình một nghề để tự kiếm sống bằng chính sức lao động của mình, không được nhờ cậy vào sự trợ giúp của nhà nước Đức.
Đó cũng là một điều kiện bắt buộc để Sở ngoại kiều xét cấp cho quyền lưu trú dài hạn và sau này được chuyển đổi thành quyền định cư.
'Cần cù chịu khó nhưng thiếu kiến thức căn bản'
Phần lớn người Việt hồi đó khởi nghiệp bằng những quầy bán hàng lưu động tại các chợ phiên, tại các tụ điểm đông dân cư hay bến tàu, bến xe...
Bắt đầu bán tạp hoá, áo quần, đồ ăn nhanh, lác đác có quầy bán hoa tươi...
Sau vài năm tích góp được một số vốn và đã có quyền lưu trú, phần lớn những người hành nghề bất đắc dĩ hiện tại không đúng với những gì họ được đào tạo hay được học, làm việc trước kia từ thời Đông Đức hay khi còn ở Việt Nam, đã thuê cửa hàng, quán xá và mở rộng hình thức kinh doanh, không lang thang nay đây mai đó theo các phiên chợ hay dãi gió dầm mưa ngoài trời tại các bến tàu, xe hay các tụ điểm đông dân cư nữa.
Các chuỗi siêu thị lớn cạnh tranh mạnh, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ của người Việt tại Đức
"Thời gian làm việc của họ căng thẳng, có những nghề nghiệp phải cực nhọc thức khuya dậy sớm như nghề kinh doanh rau quả, họ hầu như không có thời gian nghỉ ngơi, chăm lo cho chính bản thân.
Toàn bộ thời gian của họ chỉ dành cho công việc, lo cho con cái ăn học, lo cho gia đình lớn của họ còn ở Việt Nam. Họ không có thời gian chăm lo cho chính bản thân mình, đi xem một bộ phim hay ở rạp, đi nghe thưởng thức một buổi hoà nhạc, xem biểu diễn nghệ thuật, ca hát, xem xiếc..., những sinh hoạt rất bình thường của người dân bản xứ thì đối với người Việt thế hệ thứ nhất lại là những việc quá xa xỉ vì họ thiếu thời gian.
Thậm chí ốm đau không đến mức quá nặng họ cũng cố ra cửa hàng ngồi bán hàng, không dám nghỉ ngơi. Vài năm tích góp được một ít tiền thì một lần về phép thăm cha mẹ, anh em trong khoảng 4 đến 8 tuần lại tiêu hết số tiền tiết kiệm hàng vài năm. Sang phép lại bắt đầu làm lại.
Khi mới khởi nghiệp, những ai có xin trợ giúp ban đầu của Sở lao động chắc hẳn còn chưa quên ở nhiều nơi Phòng thương mại công nghệ (IHK) địa phương có cho những người mới khởi nghiệp một khả năng tham gia lớp tập huấn và đào tạo những kỹ năng, kiến thức cơ bản để tự hành nghề.
Khoá học này rất bổ ích cho những người chưa có kiến thức về kinh doanh, giúp họ vững vàng hơn, kinh doanh có tầm nhìn chiến lược và lâu dài để có năng lực cạnh tranh, biết cách tiếp cận các nguồn vốn đươc nhà nước cho vay với chế độ ưu đãi trợ giúp Doanh nghiệp...
Nhưng hầu hết người Việt với tâm lý chỉ muốn kinh doanh buôn bán nhỏ, thêm vào đó không nhận thức được tầm quan trọng của đào tạo nâng cao kiến thức phục vụ kinh doanh, cộng thêm với rào cản rất lớn là không thạo tiếng Đức để tiếp thu những bài giảng và một lý do thường được hay đưa ra để từ chối không tham dự khoá đào tạo này là, không có thời gian, cửa hàng ai trông, con nhỏ ai chăm v.v và v.v.
Vậy là đến nay sau gần một phần tư thế kỷ, có nhiều người kinh doanh may mắn thành đạt, lập nên những công ty lớn nhỏ, có của ăn của để, thành ông nọ bà kia..., phải ghi nhận một điều ngoài yếu tố may mắn, họ cũng có những tố chất và sự tài giỏi vượt trội hơn hẳn phần đông những bà con kinh doanh khác.
"Đi xem một bộ phim hay ở rạp, đi nghe thưởng thức một buổi hoà nhạc, xem biểu diễn nghệ thuật, ca hát, xem xiếc..., những sinh hoạt rất bình thường của người dân bản xứ thì đối với người Việt thế hệ thứ nhất lại là những việc quá xa xỉ vì họ thiếu thời gian"
Khó khăn
Thế nhưng phần lớn những người kinh doanh nhỏ lẻ tại các cửa hàng, quán xá, ngay cả không ít những người bán sỉ trong các khu chợ đều đang rất hoang mang lo lắng khi mà sức mua của người dân Đức ngày một giảm đi.
Doanh thu ngày càng ít đi, trong khi đó các khoản phải chi như tiền thuê mặt bằng, thuế, điện nước lò sưởi, phụ phí, lương công nhân... ngày một tăng lên.
Không ít những doanh nghiệp bắt buộc phải đóng cửa và gia nhập "Quân đoàn 4", một cụm từ gọi những người phải xin trợ cấp xã hội.
Trước đây, các tập đoàn lớn của Đức hay của châu Âu đang kinh doanh tại Đức ít "lấn sân" vào những mặt hàng người Việt kinh doanh.
Thế nhưng khoảng chục năm lại đây thì những tập đoàn này cạnh tranh khốc liệt với doanh nghiệp nhỏ lẻ người Việt.
Nhiều tập đoàn kinh doanh lương thực, thực phẩm (Kaufhallen) cũng kinh doanh thêm những mặt hàng cạnh tranh với người Việt, như áo quần, đồ tặng phẩm, vật dụng gia đình...
Các tập đoàn chuyên về các mặt hàng nêu trên mà người dân quen gọi với tên Discounter (Chuyên kinh doanh những mặt hàng giá rẻ) mọc lên với tốc độ chóng mặt đã làm cho nhiều doanh nghiệp người Việt phải tránh xa vì không cạnh tranh nổi.
Hàng năm có hai mùa Đại hạ giá (Schlussverkauf) là thời gian mà các doanh nghiệp người Việt khốn đốn vì không thể cạnh tranh nổi với những tập đoàn lớn.
Những năm gần đây thời tiết thay đổi thất thường, ví dụ có những ngày trong tháng 11/2014 nhiệt độ vẫn 20 độ C, hay trong tháng 6 mà nhiệt độ lạnh như chớm đông..., cũng làm cho sức mua mặt hàng quần áo giảm sút rõ rệt.
Thêm vào đó, vài năm trở lại đây các doanh nghiệp bán hàng chuyển đến tận nhà qua phương thức đặt hàng qua mạng Internet với giá rẻ nhiều khi còn dưới mức giá mà doanh nhân người Việt phải trả ở nơi mua sỉ, đã làm khó khăn thêm rất nhiều cho những người buôn bán lẻ.
Tình hình kinh tế nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung đang gặp khó khăn nên người tiêu dùng phần lớn chỉ nhìn vào giá cả, ít quan tâm đến chất lượng.
Mà thật ra nhiều mặt hàng người Việt chúng ta kinh doanh so sánh chất lượng với những mặt hàng của các Discounter cũng đâu có hơn mà giá cả lại đắt hơn của họ nhiều.
Vì họ đặt hàng với số lượng nhiều trực tiếp tại nhà sản xuất thì họ sẽ được mua với giá khác.
Bà con mình mua của những người bán sỉ trong chợ, những người bán sỉ mua lại của những người đánh hàng tại Đức, những người đánh hàng tại Đức mua lại của những người nhập khẩu trực tiếp của nhà sản xuất.
Chưa kể số lượng đặt hàng của những nhà nhập khẩu người Việt ít hơn những tập đoàn Discounter nên phải nhập với giá cao hơn họ, mới nói đến qua chừng đó khâu trung gian thì giá cả đương nhiên phải bị đội lên rất nhiều thì làm sao có thể cạnh tranh nổi với những tập đoàn mua tận gốc bán tận ngọn được?
Tìm lối thoát
Trước thực tế như vậy nên cụm từ “tư bản sơ khai“ không sai đối với phần đông người Việt đang kinh doanh nhỏ lẻ. Vậy có giải pháp gì cho những doanh nghiệp nhỏ lẻ người Việt trụ vững trong thời gian khó khăn này không?
Tìm ra được câu trả lời cho vấn đề này là rất khó, không thể có chung một câu trả lời cho mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực và mọi địa phương vùng miền được.
Trước kia mạnh ai nấy làm thì đã đành. Hiện nay cộng đồng chúng ta có biết bao nhiêu hội đoàn lớn nhỏ.
Mới cách đây, lễ kỷ niệm 40 năm người Việt hội nhập và phát triển tại Đức được tổ chức tại TTTM Đồng Xuân có nhiều chính khách cao cấp của Đức và Việt Nam đến dự.
Trong các bài diễn văn phát biểu của các chính khách cũng như nhà tổ chức đều nhắc đến 2 cụm từ "thành công" và "tự hào".
Nếu so với hoàn cảnh trước đây gần 25 năm, những gì người Việt lao động ở CHDC Đức ở lại CHLB Đức đạt được đến ngày hôm nay thì đúng, không sai.
Nhưng đằng sau những sự hồ hởi, vui mừng trong ngày lễ vẫn còn nhiều nét mặt lo lắng cho con đường tương lai ở phía trước.
Tôi rất mong trong buổi lễ long trọng đó có đại diện của những hội đoàn lớn lên sân khấu nói ngắn gọn thôi.
Không chỉ khoe những thành tích đã đạt được, mà nêu lên kế hoạch cụ thể hoạt động trong tương lai gần giúp ích thiết thực cho hội viên của mình thoát khỏi nỗi lo âu ngoảnh đi ngoảnh lại thấm thoắt bốn tuần đã trôi đi quá nhanh và hai loại tiền thuê nhà ở và thuê mặt bằng kinh doanh đã hối thúc, không biết trông chờ vào đâu để trả, khi mà doanh thu ngày một ít đi và các khoản phải chi phí hàng tháng đua nhau leo thang.
Nếu được vậy thì có lẽ bà con sẽ còn TỰ HÀO hơn nữa.
Lãnh đạo các hội đoàn nên dành thời gian liên hệ với các ban, ngành chính quyền nhờ họ tư vấn, giúp đỡ hội viên của mình, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Chính quyền có nhiều chương trình và nhiều quỹ để chi phí cho những lớp học bổ túc kiến thức kinh doanh, trang bị những kỹ năng hành nghề, giúp tiếp cận những nguồn vốn cho vay ưu đãi..., hội viên chỉ cần muốn tự mình thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay, dành thời gian đến tham dự những khoá học, tư vấn như vậy, tôi tin sẽ có nhiều người tìm ra lối thoát cho doanh nghiệp của mình. Chi phí cho phiên dịch cũng được những quỹ này tài trợ.
Liên hiệp người Việt còn có cả những văn phòng và cán bộ chuyên trách hưởng lương của nhà nước Đức ngồi văn phòng mà không chú trọng vào những việc như thế này để giúp ích thiết thực cho hội viên của mình thì làm những việc to tát gì khác được?
Hội Doanh nghiệp toàn Liên Bang Đức đã có những kế hoạch thiết thực giúp đỡ cho những hội viên là doanh nghiệp nhỏ lẻ đang gặp khó khăn hay chưa?
Đã đến lúc sinh hoạt hội đoàn phải có chuyển biến, đổi mới tư duy.
Không những chỉ biểu dương khen thưởng các cháu có thành tích tốt trong học tập và văn nghệ, thể thao.
Không chỉ đến gặp nhau để buôn chuyện và ăn nhậu, hát hò.
Những việc đó cũng rất cần thiết, nhưng theo tôi quan trọng hơn cả là hội viên khi đến sinh hoạt cũng cần thấy sinh hoạt trong hội thật sự mang lại lợi ích thiết thực cho mình.
Trong những lợi ích thiết thực đó có cả sự giúp đỡ, tư vấn, những giải pháp được đề ra để giải quyết, hay chí ít cũng chỉ ra hướng đi giải thoát những bế tắc mà hội viên đang gặp phải, như tạo điều kiện gặp gỡ những chuyên viên, những công sở tư vấn, giúp đỡ, giúp đi phiên dịch...
Có như vậy thì hội viên mới gắn bó hơn với sinh hoạt hội đoàn và hội đoàn mới là nơi hội viên tin tưởng, là mái nhà chung mà mỗi thành viên tự giác có trách nhiệm gìn giữ vun đắp.
Có nhiều người đã đầu tư mua nhà riêng để ở, có những người mua được cửa hàng để kinh doanh. Vậy là hàng tháng nỗi lo phải trả hai khoản thuê nhà ở và mặt bằng kinh doanh không còn là gánh nặng của những người này nữa.
Cuộc sống của họ thoải mái và dễ chịu hơn nhiều. Khi gánh nặng lo lắng giảm bớt thì họ sẽ có nhiều thời gian cho những sinh hoạt khác như văn hoá, văn nghệ, chăm lo cho phần tinh thần của mình nhiều hơn.
Qua đó họ cũng có nhiều thời gian hơn để giúp đỡ những người khác chưa được như vậy. Nếu các hội đoàn có những kế hoạch kết hợp với các ngân hàng, các quỹ đầu tư..., tư vấn cho hội viên của mình phấn đấu theo hướng này cũng là giúp họ những lợi ích thiết thực.
Một cộng đồng chỉ có thể vững mạnh khi có được sự đoàn kết gắn bó thực sự. Muốn có được điều đó, cộng đồng phải mang lại được những sự giúp đỡ thiết thực cho thành viên của mình.
Mong rằng đến một ngày không xa, những doanh nghiệp người Việt sẽ hội nhập thực sự đúng với nghĩa của từ này, không còn là “tư bản sơ khai“ trong lòng một nước tư bản.
Theo Trần Mạnh Thái
Nguồn:BBC