Hàng mà ông giao cho họ là rau cải, bí đao, mướp đắng, cần tây… mồ hôi nước mắt của ông đựng cả trong các khay nhựa. Ông đi xuất khẩu lao động năm 1986, nhưng hơn 10 năm qua ông làm nông dân…
Khác với người Việt ở Pháp, Thụy Sĩ, Anh… ra đi vì những lý do khác nhau, người Việt ở Séc đa phần đi xuất khẩu lao động trong những năm 80 thế kỷ trước.
Ở Đức khác hơn, thời kỳ còn bức tường ngăn cách, bên Đông Đức rất đông lao động người Việt Nam, họ làm việc ở tại các nhà máy, công trường. Bên Tây Đức cũng có người Việt, nhưng không nhiều, họ sang đây sau năm 1975.
Khi Đông Âu sụp đổ, nhiều lao động Việt Nam không nhận tiền đền bù về nước, chọn cách ở lại xứ người. Trong quãng thời gian “tranh tối tranh sáng”, một số người nắm được thời cơ đã bốc lên nhanh chóng nhờ "đánh hàng" từ Trung Quốc qua, mua buôn để bán lẻ.
Và chợ Đồng Xuân ở Berlin nằm trên phần đất Đông Đức, chợ Sapa ở ngoại ô Praha là nơi bán lẻ nhộn nhịp nhất. Chợ bán đủ thứ, quần áo mùa hè mùa đông, giày dép, thực phẩm… cho người Séc, người Đông Đức có thu nhập thấp.
Chợ Đồng Xuân tại Đức.
Dù bây giờ Trung tâm Thương mại Sapa vắng hơn trước, thường chỉ đông đúc vào 2 ngày cuối tuần nhưng tôi không nghĩ nó nằm trên đất Séc vì người bán, người mua phần lớn là người Việt, thưa thớt người Séc, họ giống như khách du lịch.
Sapa vừa bán lẻ vừa bán buôn, bà con người Việt từ các tỉnh lên đây cất hàng về bán lẻ. Sapa cũng là nơi giao lưu gặp gỡ vì ở Séc hiện có trên 60.000 người Việt. 9h sáng, lác đác có quầy mở cửa.
Sớm hơn cả là các quán phở, bún mọc, cà phê. So với Paris hay Berlin, phở ở đây ngon hơn, đúng vị Bắc.
Một bát nạm gầu đầy đặn giá khoảng 100.000 đồng, bằng nửa tiền ở Berlin và bằng 1/3 ở Paris. Chợ khá phong phú, có dãy quần áo, giày dép, hải sản tươi sống, hàng khô, có dịch vụ ghi đề, cá cược bóng đá (pháp luật Séc cho phép cá cược), karaoke… Cạnh chợ có ngôi chùa nhỏ. Tôi đến chợ đúng hôm rằm, khói hương nghi ngút, khấn vái sì sụp.
Có thể gọi Sapa là “little Việt” trên đất Séc.
Chị Lan có quầy bán quần áo nói với tôi, buôn bán ngày càng khó khăn vì thu nhập của người Séc cao hơn trước nên họ mua loại quần áo đắt tiền hơn. Tôi vào cửa hàng bán hải sản tươi sống Thắng Liên, tôm cua, mực nhập từ Anh, Đức.
Ông Thắng có vẻ “dân chơi”, chiếc xe Bentley đỗ trước cửa, biển số là TL- 9999, bạn tôi bảo ở Séc cho phép mua biển riêng, chỉ mất khoảng 600 euro muốn tên gì, số gì cũng được.
Nhiều người trong chợ biết buôn bán nhỏ như hiện nay không còn phù hợp nhưng để chuyển đổi cũng không dễ, làm gì, vốn đâu và một cản trở khác là vốn tiếng Séc.
Chuyện đó cũng giống như ở Đức, nhiều người sống ở Đức ba chục năm mà tôi gặp có chuyện với người Đức vẫn phải nhờ phiên dịch, không đọc được báo, xem ti vi hiểu lõ ;m bõm.
Nhưng khác Sapa, chợ Đồng Xuân thưa dần người bán lẻ, nhiều người đã chuyển sang làm dịch vụ. Chợ thênh thang mấy chục héc ta bây giờ là kho chứa hàng, ga ra sửa ô tô, nhà hàng, sửa điện thoại, làm móng chân… Chợ teo tóp nhưng cái gì cũng có kể cả mắm tôm. Làm ăn ở Đức dễ mà khó.
Luật thuế rất phức tạp, nhiều ngóc ngách. Bạn tôi bảo cứ tặc lưỡi theo kiểu Việt Nam thì chỉ làm không công cho nước Đức, cái nghĩ là đúng thì thuế vụ đè ra phạt. Và đã mở cửa hàng lớn, công ty, siêu thị bán đồ Châu Á phải thuê tư vấn thuế, họ sẽ chỉ cho cái gì đúng luật, cái gì sai và cái nào có thể lách được.
Cũng vì thế những người Việt có bằng cấp chuyên môn có cơ hội mở công ty. Khách hàng của công ty bạn tôi không chỉ doanh nghiệp Việt, Thổ Nhĩ Kỳ mà cả các công ty của người Đức.
Những ngày ở Berlin tôi cũng gặp người Việt làm thợ xây, thợ điện, sửa chữa nước…
Ở Séc, lái xe taxi chở tôi từ chợ Sapa lên trung tâm Praha là người Việt, anh tên Châu. Ngoài chạy taxi anh còn làm hướng dẫn du lịch cho các đoàn khách từ Việt Nam sang, anh thông thạo đường ngang ngõ tắt và làu làu lịch sử di sản văn hóa ở Praha. Anh chia tay cô vợ người Séc vì bất đồng quan điểm, anh suy nghĩ kiểu người miền Bắc tiêu pha tiết kiệm phòng khi “trái nắng, trở trời” còn cô vợ ngược lại.
Anh bảo cũng có lúc muốn ra sân bay về ngay Việt Nam nhưng bình tĩnh hít thở sâu lại thôi, đất không có, nhà thì không về sống thế nào.
Anh chia sẻ, khi chưa có internet thì đời sống tinh thần thiếu thốn, sống một mình cũng buồn, còn bây giờ “lúc rỗi tôi xem ti vi, đọc báo mạng, biết tin tức trong nước, quê hương ở trong màn hình máy tính”. Nhà bạn tôi ở Berlin lát gạch men, một mét vuông (loại 4 viên một mét) họ tính 18 euro, lao động chân tay 50 euro/ngày.
Những câu chuyện lan trong cộng đồng mà tôi nghe được thì ở Séc và Đức cũng có đại gia, tài sản triệu triệu “ơ rô” nhưng đếm được trên đầu ngón tay.
Tầng lớp trung lưu thì nhiều hơn song đa phần cũng bình bình. Tôi không rõ có bao nhiêu người sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội của Chính phủ Đức.
Chị Liên, một người sống nhờ trợ cấp xã hội bảo cực chẳng đã mới phải như vậy vì không có vốn để buôn bán, cũng không còn trẻ để đi làm hãng, sức khỏe đã rệu rã sau nhiều năm mưu sinh.
Chính phủ trả cho tiền thuê nhà, tiền ga và tiền điện, con cái đi học trường công không mất tiền, hằng tháng trợ cấp một người mấy trăm “ơ” cũng đủ sống đàng hoàng, hằng ngày vẫn có bia uống vì bia Đức rất rẻ, 1 chai nửa lít có 0,4 euro. Tuy nhiên muốn về Việt Nam thì không dễ.
Nếu thế hệ thứ nhất ở Đức và Séc vất vả để hòa nhập vào xã hội sở tại thì thế hệ thứ hai dễ dàng hơn. Trẻ 8 tuổi đã tự đi tàu điện ngầm đến trường.
Trẻ con Việt học phổ thông rất giỏi, luôn đứng đầu trong các dân tộc nhập cư vào Đức. Nhiều trường tự hào vì có học sinh Việt Nam.
Trông ông Thanh đúng chất nông dân, rắn rỏi và chân thật, chỉ khác nông dân trong nước là áo bỏ trong quần, đầu chải gọn gàng, lái xe đi giao hàng.
Ông thuê hơn 3 mẫu đất của một người Séc ở ngoại ô Praha trồng các giống rau Châu Âu và Châu Á.
Ông bảo mùa hè chủ lực là rau muống và hóm hỉnh cho biết: “Ở Séc cứ thấy người Châu Á mua rau muống, không cần hỏi cũng biết ngay là người Việt Nam”.
Trừ tiền thuê đất, tiền thuế và các chi phí khác thu nhập một năm của ông cũng khá, vài ba chục ngàn “ơ rô”.
Khi Châu Âu vào đông, băng tuyết đầy ruộng, rau trồng trong nhà kính cũng khó sống, ông vác tiền về Việt Nam, ăn Tết xong lại sang.
Hỏi ông sao không về hẳn Việt Nam thuê đất của những nông dân bỏ ruộng làm trang trại, ông lắc đầu: “Tôi sống ở bên này quen rồi. Một năm ở nhà 3 tháng mệt hơn 9 tháng tôi làm nông ở Séc”. Nói xong ông cười, bắt đầu giao hàng và tính tiền.
Nguồn:Báo Hà Nội Mới