Các bạn Quốc Học thân mến,

Ban Biên Tập “Đặc san Quốc Học” mời tôi viết bài, tôi thấy khó từ chối. Tìm mãi không ra đề tài, tôi đành viết thư kể chuyện từ quốc gia mình đang sống. Nước Đức ngày nay đã thay đổi nhiều, có nhiều điều để kể.

Tôi qua Đức cuối năm 1967, đến nay kể ra cũng gần nửa thế kỷ.

nha-hang-duc-asia

Theo tôi biết thì lứa Tú Tài của năm 1966 như bọn tôi không mấy người đi Đức. Phần lớn đi Mỹ hay Canada. Lý do cũng đơn giản thôi.

Hồi đó ai giỏi tiếng Anh thì đi Mỹ hay các quốc gia nói tiếng Anh. Tôi khá tiếng Pháp hơn, định đi Pháp nhưng cuối cùng Đức cho học bổng trước nên ham nhanh mà đi.

Vả lại ai cũng sợ tiếng Đức khó. Ngày nay tôi cũng có thể xác nhận tiếng Đức khó hơn các thứ tiếng thông dụng khác.

Thế nhưng tôi không một phút nào tiếc mình đã chọn Đức. Nước Đức dạy cho tôi nhiều điều tốt đẹp, nền công nghiệp và kinh tế của họ cung ứng công ăn việc làm cho bất cứ ai chịu lao động.

Nhìn chung dân tộc Đức là một dân tộc khác thường trên thế giới. Tại Đức, trong thời gian của nửa thế kỷ qua đã triển khai và diễn ra nhiều điều đáng suy ngẫm về dân tộc này.

Nhìn lại nước Đức sau thế chiến thứ hai năm 1945, không ai khỏi kinh ngạc về sự phát triển vũ bão của nền kinh tế nước này.

Năm 1949 là năm thành lập nước CHLB Đức và thiết lập đồng tiền Đức Mã. Đó là ngày khai sinh một nước Đức mới mẻ sau một trận chiến mà qui mô tàn phá của nó không thể kể xiết.

Không đầy 20 năm sau, khi tôi đến năm 1967, Đức giàu mạnh, không những mang lại phồn vinh cho đất nước mình, mà đã có một chương trình hỗ trợ cho các nước thuộc thế giới thứ ba.

Học bổng cho tôi chỉ là phần nhỏ nhoi trong một chủ trương lớn của người Đức. Thế chiến thứ hai đã để lại trong tâm khảm người Đức một dấu ấn vô cùng sâu đậm.

Họ biết rõ rằng nhà độc tài Hitler đã gây một thảm họa cho toàn thế giới, đã tạo nên tội ác diệt chủng với nhiều dân tộc khác.

Từ ý thức ăn năn đó đã nảy sinh ra một tầng lớp trí thức mới, họ vô cùng cảnh giác với các quan niệm độc đoán, với chủ trương độc tôn quốc gia, với việc sử dụng sức mạnh quân sự trong tranh chấp quốc tế.

Sự cảnh giác đó đi xa tới mức mà họ ngại sử dụng cả những khái niệm như „quê cha đất tổ“ hay „tổ quốc vinh quang“, những giá trị mà người Pháp hay người Việt chúng ta vốn hay ưa chuộng.

*

Song song với việc xây dựng CHLB Đức, dân tộc Đức còn phải đối phó với một vấn nạn nan giải sau thế chiến thứ hai.

Họ chính là „tiền đồn“ chống Cộng tại châu Âu, chống lại các nước Đông Âu nằm dưới sự lãnh đạo của Liên Xô mà trực diện phía bên kia lại chính là Đông Đức, người anh em huyết thống của họ.

Trong khoảng thời gian từ những năm 50 của thế kỷ trước, Tây Đức vừa theo NATO (Liên phòng Bắc Đại Tây Dương) để bảo vệ độc lập của mình, vừa phải giữ một thế đứng hòa hoãn với bên Đông để phù hợp chủ trương hòa bình như nói ở trên.

Họ theo đuổi một chính sách „Ostpolitik“ (Chính sách với phía Đông), chủ trương hợp tác, từ chối đối đầu với Liên Xô và Đông Đức.

Nền kinh tế Tây Đức phát triển nhanh chóng không hề ngờ, vượt qua các nước Anh, Pháp, vốn là hai nước thắng trận trong thế chiến thứ hai.

Thành công này bắt nguồn từ tiềm năng kỹ thuật của dân tộc Đức và từ một tầng lớp tinh hoa đã biết tỉnh ngộ sau thế chiến. Sự hùng mạnh về kinh tế của Tây Đức trong lúc các nước Đông Âu ngày càng kiệt quệ và kết quả của chính sách Ostpolitik đã mang lại một thành quả bất ngờ: Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989. Sau đó hai nước Đức thống nhất mà phía Tây không cần tốn một viên đạn.

Tiếp đến, hàng loạt các nước Đông Âu tan rã, họ từ bỏ „Chủ nghĩa xã hội“, một số gia nhập khối NATO.

Hơn 40 năm sau khi kết thúc thế chiến thứ hai, nước Đức đóng công đầu khai tử các nước Xã hội chủ nghĩa.

Họ hoàn thành công trình vĩ đại này chỉ bằng sức mạnh kinh tế và lòng hiếu hòa, một công trình mà trước đó chừng 5 năm không ai dám mơ tới.

Ngày nay nhớ lại diễn biến lịch sử này mà mình chứng kiến tận mắt, tôi luôn luôn vẫn còn bàng hoàng. Bức tường Berlin xây năm 1961 sụp đổ, nước Đức thống nhất năm 1990.

Ngày nay người ta còn nhớ câu nói của cố Thủ Tướng Willy Brandt „Những gì thuộc về nhau thì sống cùng với nhau“.

*

Sau đó nước Đức cũng là nhân tố then chốt nhất khai sinh khối châu Âu với đồng tiền chung Euro trong đầu thế kỷ thứ 21.

Đó là một nền kinh tế hùng mạnh với trên 300 triệu dân. Khu vực này của thế giới đồng thời cũng là một trung tâm chính trị, khoa học và nhân văn của loài người từ xưa đến nay. Từ nhiều năm nay khối Euro bắt đầu có khủng hoảng tài chính mà nặng nề nhất là Hy Lạp.

Nước Đức lại đóng vai trò đầu tàu trong việc cứu trợ Hy Lạp về kinh tế cũng như tham gia tư vấn cải tạo lại một nền điều hành thuế khóa và tài chính vốn hết sức trì trệ của Hy Lạp.

Trong bối cảnh đó những bước đi quyết đoán của Đức lại làm cho nhiều nước bắt đầu lo ngại và thầm nghĩ phải chăng chủ trương „độc tài“ của lịch sử Đức đang lăm le trở lại. Ngay trong lòng nước Đức nhiều người cũng đã gióng tiếng chuông cảnh báo.

Hè năm 2015, tình hình Hy Lạp vừa tạm êm thắm thì châu Âu lại nổ ra phong trào di tản của người Syria và các nước khác.

Hàng trăm ngàn người kéo nhau ra đi, chấp nhận gian khổ và cả cái chết để tìm hòa bình và tương lai. Mặc dù số phận người di tản gây xúc động trên toàn thế giới, hầu như không có quốc gia nào vui lòng mở cửa đón nhận người tị nạn.

Về phía người di cư thì họ cũng chỉ mong muốn được đến Đức, một số ít hơn đến Thụy Điển.

Họ biết rằng Đức có một nền kinh tế hùng mạnh, họ hy vọng có công ăn việc làm, con cái họ có chỗ học hành và đào tạo.

Trong lúc các nước Đông Âu đóng cửa biên giới, từ chối người tị nạn, thậm chí tàn nhẫn xua đuổi thì một lần nữa Đức lại mở cửa tiếp đón. Thực ra nước Đức đã tiếp nhận hàng triệu dân di cư, nhất là gốc Đức từ các nước Đông Âu hoặc cộng hòa Liên Xô cũ.

Nhưng lần này người di cư không hề biết nói tiếng Đức, không hề cùng tôn giáo, không có chút „đồng văn đồng chủng“ nào.

Năm 2015 nước Đức phỏng đoán dân di cư có thể lên đến một triệu người. Bà Thủ Tướng Merkel nói „chúng ta giải quyết được“. Nhưng sau một thời gian tiếp nhận, xem ra Đức đã mệt mỏi, nhiều người bắt đầu nghi ngờ khẳng định của Bà Thủ Tướng.

*

Ngày 3.10.2015 năm nay, Đức kỷ niệm 25 năm thống nhất trong bối cảnh hàng trăm ngàn người Hồi giáo lục tục kéo nhau vào nước Đức. 25 năm trước, nước Tây Đức tiếp nhận hàng chục triệu người Đông Đức vào cơ cấu kinh tế của mình.

Hồi đó Đức đã nằm trong một bối cảnh vô cùng khó khăn, nhưng họ đã giải quyết được. Năm nay mức độ khó khăn tăng gấp nhiều lần vì tuy số lượng dân số không lớn nhưng hai nền văn hóa và ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt. Người ta lại nhắc đến lời của Willy Brandt và chỉnh lại đôi chút „những gì không thuộc về nhau phải sống chung với nhau“.

Dường như nước Đức đang phải đóng những vai trò và thực hành những trách nhiệm mà họ không hoàn toàn muốn.

Một tờ báo Pháp viết: „Nước Đức tỏ ra rộng lượng vì muốn chuộc lỗi gây ra thảm họa trong quá khứ“. Câu nói này xuất phát từ một ác ý nhưng có lẽ không hẳn sai.

Dù gì đi nữa Đức đang nằm trong một vị trí then chốt trên thế giới về mọi mặt. Là một nước có một lịch sử kinh hoàng nhưng lại có cái may mắn vô tận, Đức có trách nhiệm với cộng đồng thế giới. M

ỹ đã giúp Đức xây dựng trong kế hoạch Marschall, Liên Xô đã giúp trong việc thống nhất đất nước, ngày nay Đức biết mình hàm ơn đến cả hai phía và vì thế mà họ có một vai trò mang tính chất kết hợp và hòa giải như ta đang chứng kiến.

 

Viết trong ngày 25 năm thống nhất nước Đức (3.10.2015)

Bài viết gửi cho „Đặc san Quốc Học 2015“, 

tạp chí của học sinh cũ trường Quốc Học Huế

Nguyễn Tường Bách




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC