Dường như thời gian và tuổi tác làm tiếng hát Kiều Hưng đằm thắm hơn, khắc khoải hơn, nhất là sau bao nhiêu năm xa khán, thính giả ở quê hương.
Lâu nay, theo dõi hành trình của NSƯT Kiều Hưng, thấy rõ sự hòa mình của ông với sinh hoạt cộng đồng và nhiều hoạt động từ thiện xã hội của người Việt Nam trên nước Đức.
Ông vẫn ao ước cho “nhành hoa nghệ thuật” của mình được dịp khoe hương sắc đối với người Việt Nam, những người xa quê hương luôn nhớ về đất mẹ, điều đó ông đã đôi lần thực hiện được cùng con trai Kiều Hải tại Nhà văn hóa Việt Nam ở Berlin.
Khán giả đến với ông đa số là những người xuất khẩu lao động thời Cộng hòa dân chủ Đức, đều đã lớn tuổi.
Trong số họ, có nhiều người mang theo nàng dâu, chàng rể người Đức đến để thưởng thức một giọng hát vàng một thời của âm nhạc Việt Nam.
Và, dường như thời gian và tuổi tác chỉ làm tiếng hát Kiều Hưng đằm thắm hơn, khắc khoải hơn, nhất là sau bao nhiêu năm xa khán thính giả thân yêu của mình ở quê hương.
Tết Bính Thân 2016 này, Kiều Hưng có mặt ở Hà Nội.
Chúng tôi lại có dịp ôn lại những chuyện xưa, về cái thời đã cùng nhau và vì nhau trong mỗi tác phẩm.
Câu chuyện tại phòng thu ca nhạc của Đài TNVN ở 58 Phố Quán Sứ - Hà Nội năm nào cứ lần lượt ùa về trong ký ức.
Từ ca khúc “Bài ca trên núi” trong phim “Vợ chồng A Phủ”, rồi “Tình ca”, đến “Bên Lăng Bác Hồ”, “Cung đàn tuổi xanh” và “Lý chiều chiều”, “Lý ngựa ô”..., Kiều Hưng đã hát bằng cả trái tim mình, thổi hồn cho nhiều tác phẩm bay xa theo cánh sóng của Đài TNVN.
Những ngày xuân này, giữa lòng Hà Nội, những bài ca thuở nào gây xúc động hàng triệu trái tim lại một lần nữa được Kiều Hưng cất lên cùng bầu bạn.
Tôi có may mắn được đọc khá nhiều thư gửi về Đài TNVN nên hiểu rõ tình cảm mà công chúng dành cho nghệ sĩ.
NSƯT Kiều Hưng là một trong những người được thính giả mến mộ nhất. Với Kiều Hưng, những câu như: “Hát rất hay, rất tròn vành rõ chữ”... được lặp đi lặp lại trong hầu hết các thư thính giả.
Năm 1937, cậu bé Kiều Tất Hưng (tên đầy đủ của NSƯT Kiều Hưng) ra đời. Cả chuỗi đời niên thiếu, Kiều Tất Hưng gắn bó với quê hương Thường Xuyên, Đại Xuyên, Phú Xuyên, Hà Đông, ngày nay thuộc Hà Nội.
Hồi ấy, trong làng có mấy nhà sắm được máy hát, thỉnh thoảng cậu bé Hưng lân la nghe và học lỏm, chẳng bao lâu cậu đã thuộc lòng và thích thú hát lại cho các bạn nhỏ cùng nghe khi chiều về bên dòng sông Nhuệ.
Năm 1954, ở trường Nguyễn Du, phố Hàng Vôi, Thủ đô Hà Nội bỗng nổi lên một học sinh hát hay và hay hát “Hòa bình đến với chúng ta, muôn chim cánh vỗ ấy mấy bay tung bay” được nhiều người chú ý.
Đó là Kiều Tất Hưng.
Rồi anh có chân trong đội văn nghệ nghiệp dư thành đoàn thanh niên Hà Nội.
Sau đó không lâu, khi mới 20 tuổi, anh được tuyển vào Đoàn văn công Trung ương với tên Kiều Hưng (sau này gọi là Đoàn ca múa nhạc Trung ương).
6 năm ở Đoàn ca múa nhạc Trung ương, Kiều Hưng đã đi biểu diễn khắp miền Bắc. Anh đã đến Vĩnh Linh giới tuyến, hát cho bà con cả hai bên sông Bến Hải nghe.
Những ngày đầu giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, Kiều Hưng đều có mặt khi ngoài hải đảo, lúc trên trận địa tầm thấp tầm cao cùng với các đồng nghiệp góp phần làm cho “Tiếng hát át tiếng bom”.
Năm 1966, Bộ Văn hóa cử Kiều Hưng sang học tập ở Nhạc viện Tchaikovsky (Liên Xô cũ).
Sau khi tốt nghiệp vào loại ưu, anh về nước đúng năm mà Mỹ dùng máy bay B52 thả bom Hà Nội. Khi đứng hát trên trận địa phòng không hay khi sang giúp đỡ hướng dẫn thanh nhạc cho các bạn văn công nước Lào anh em, Kiều Hưng đều truyền đạt được những tình cảm của mình qua mỗi tác phẩm.
Những kỷ niệm đẹp sau mỗi lần Kiều Hưng đi biểu diễn ở các nước Xã hội Chủ nghĩa cũng như các nước Tây Âu về, anh đều kể lại và chia vui với chúng tôi. Những học trò của Kiều Hưng như Đức Chính, Tiến Hỷ, Trọng Thủy, Đức Diên, Trang Nhung… sau này đều thành danh.
Giọng hát của NSƯT Kiều Hưng giờ vẫn như xưa. Một lần ông đến thăm và hướng dẫn học hát ở CLB “Đàn và hát Dân ca” của Đài TNVN.
Theo đề nghị của các hội viên Kiều Hưng còn song ca với Tuyết Thanh ca khúc “Bài ca trên núi”.
Không nhanh nhẹn như trước nữa, bước đi chậm chạp, tay luôn làm bạn với cây gậy, Kiều Hưng vẫn tươi cười và nói vui rằng, Đài TNVN đã “nhốt” giọng của mình trong kho băng hơn 50 năm.
Mỗi lần nghe Đài ông biết ơn Đài nhiều lắm./.
NSƯT Kiều Hưng cho biết, ngoài những ca khúc đã làm nên tên tuổi của ông, còn có khoảng 30 bài hát do ông sáng tác. Những ca khúc này thường được ông viết trong những lúc nhớ nhà hoặc về những kỷ niệm cũ hiện về trong ký ức.
Nhạc sĩ Dân Huyền, VOV