Ông biết rõ gia đình tôi lục đục thế nào. Tự tôi khai ra. Khi đó tôi còn chưa quen ông, chỉ mới biết mặt ông qua những giờ chôn mông ở thư viện. Tôi ở đó tối ngày. Ông cũng thế. Có lần, lúc sâm sẩm tối, từ thư viện bước ra, ông hỏi tôi: "Cậu có vẻ bị vợ chê, hả?".

Ông nói đầy vẻ tự tin. Mà đúng quá, mà không ra dáng thầy bói. Từ hôm đó, tôi thường qua lại nhà ông. Cái cõi đi về của tôi, hay cái gọi là nhà của ông lúc đó mới thê thảm làm sao. Nó chỉ là một cái chái, vẩy ra từ một cái chái khác. "Rộng đúng sáu mét, tớ đo rồi!" - ông bảo thế. Chái bên kia hình như nhỉnh hơn, thông sang phố bên, thuộc về sở hữu của vợ cũ và con trai ông. Hai chái được ngăn cách bởi một tấm liếp thủng, cao hơn đầu người. Sát liếp trước ông kê một cái giát giường, kề với giường chị vợ cũ bên kia liếp. Sau ông bỏ. "Cho nó rộng!" Nhà ông như thế chỉ có hai bức tường, tự xây trát nên lồi lõm khiếp lên được, nhất là vào lúc bật đèn.

Ông rải trên nền nhà mấy mảnh chiếu, cắt ra từ một cái chiếu rách nào đó, nhưng vuông vắn, sạch sẽ và có cạp vải quanh mép cẩn thận. Ðấy là thảm của chúng tôi. Chúng tôi có thể đến nhà ông bất cứ lúc nào, vì cửa chỉ buông cái mành mành. Ngại mỗi nỗi là vào đó thì phải đi qua hai căn phòng: một của cụ thân sinh ra ông; một của gia đình anh trai ông. Song vượt qua đó và mảnh sân mảnh sân chung có máy nước là chúng tôi tự do. 

Hồi đó vợ chồng tôi hay cãi nhau lắm, song không đứa nào nghĩ đến chuyện ly dị. Gì thì gì chúng tôi cũng đã từng rất yêu nhau. Một lần, đêm trước vợ chồng hục hặc, trưa sau gặp ông, ông rủ tôi về ăn cơm. Ông dặn tôi đứng ngoài trông xe, vào chợ mua hai lạng thịt bò, một mớ rau muống. Nhìn ông cắp nách mấy cuốn sách, tay cầm mớ rau như cầm bó hoa khi chen trong chợ hoa ngày Tết, tôi buồn cười. Nghĩ mình chưa khổ. Lại ngạc nhiên không biết ông nấu nướng thế nào.

Về nhà, ông gọi chõ sang chái nhà bên: - Dũng! Thằng Dũng đâu rồi? Xem mẹ mày có tỏi mang cho bố mấy nhánh, nước mắm nữa nhá! à, mà cả dầu nữa, dầu hỏa ấy. Chiết cho bố hai chai dầu. Bếp bố cạn dầu rồi. Tôi phì cười. Ông cũng cười, bảo: - Mẹ cu Dũng nhà mình dễ tính lắm. Bỏ nhau rồi mình lại thấy cô ấy đáng yêu. Cậu không tin sao? Nhưng bảo mình cưới lại chính cô ấy thì mình chịu. Rồi ông hỏi, và tự trả lời: - Này! Vợ cậu là người yêu đời thứ mấy của cậu? Ðời đầu à! Cũng hay! Cơ mà chắc cậu thất vọng lắm, hả? Ðúng không? Chắc cậu huyễn hoặc cô ấy lên đấy thôi! Mình trước cũng thế. Với mẹ thằng Dũng ấy. Chán chê mê mỏi rồi mới lấy được nhau. Bà nhạc nhà mình ghét bọn văn sĩ. "Rởm đời!", cụ nhiếc thế! Nhưng mà hồi ấy mình còn chưa thành được cái mà cụ ghét cơ. Mình nghe xúi dại. Tại cha Bùi Minh Quốc cả. "Cái tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy, dù xa xôi mấy cũng lên đường". Nó viết thế đấy. Hay ghê! Thế là bò lên tận Nghĩa Lộ làm đường. Ðến lúc về được thì thành thằng vô tích sự. Không điên, cũng không liệt giường liệt chiếu để nhà phải nuôi. Mình khỏe chân, mạnh tay, ăn nhiều, nhưng lại không được ăn. Trót ra đi, cắt hộ khẩu Hà Nội. Về, mãi không nhập lại được. Không hộ khẩu thì không xin được việc, không có tem phiếu mua bán, kể cả loại tem phiếu nhân dân tháng bánh xà phòng, hai lạng đường ướt cũng không! Vậy mà mẹ cu Dũng cứ nhất định lấy mình. Chấp hết. Tất nhiên va chạm thực tế, chán nhau, rồi bỏ nhau, cũng đúng thôi! Mà cô ấy không phải là người yêu đầu tiên của mình đâu nhé. Nhưng dù đầu hay cuối gì thì kết cục chắc cũng vậy. Mình biết có tay biên tập viên chỗ mình, có bà người yêu. Yêu cứ gọi là đắm là chìm. Chẳng rõ vì sao không lấy nhau. Bà ấy có gia đình; rồi chồng chết; con cái giờ cũng ra đầu ra đũa cả. Năm ngoái lại gặp nhau. Cưới. Năm nay sắp bỏ đấy. Hà, giá cứ xa nhau mãi thì đời vẫn đẹp, đỡ phiền toái, đỡ nghĩ ba lăng nhăng. Ông cứ nói toang toang. Phần vì tính ông vậy, phần vì quan hệ của ông với người vợ cũ. Hồi đầu nghe ông nói, nghĩ chị ấy cũng đang nghe, tôi ngại lắm. Giờ thì hiểu. Từ hồi bỏ nhau, chị không ghen, có vẻ lại có khả năng cảm thông nhất với ông, cả trong những chuyện tình ái vụn của ông với những cô chỉ đáng cho cu Dũng gọi là chị. Chị chăm nom cả việc nhà cho ông, quát lác từ việc giặt chiếu đến rửa bát. Như là bạn, như là em. Thực ra chị nghĩ gì, tôi không biết. Nhưng tôi thích kiểu quan hệ này. Bữa cơm của chúng tôi ngoài món thịt bò xào rau muống còn có bát canh chua và mấy miếng cà muối xổi. Cũng của mẹ cu Dũng cho, đưa qua lỗ liếp thủng. Vừa ăn, ông vừa bảo tôi: - Thấy cậu đang chán đời mình mới khao đấy. Chứ nghề mình cứ no cơm tức cật là không viết được. Cậu cười à? Cụ Tú Xương tổng kết từ lâu rồi ấy chứ. Ăn cho lắm vào thì con tự không có chỗ mà thòi ra. Quy luật muôn đời đấy. Hì! Tôi ăn. Không cãi. Tôi là dân ngoại đạo đối với giới ông. Còn ông thì im lặng ngay sau đó. Ông có tin lắm điều ông vừa nói? Tôi không dám hỏi. Song thực lòng, đôi khi nhìn ông và bạn bè tụ tập phét lác, tôi bùi ngùi. Có tay ngồi trên một manh chiếu, một manh khác kê sau lưng, áp lên bức tường trốc lở, luôn luôn ẩm vào trời nồm. Lúc ông ta cúi đầu về phía trước say sưa nói, manh chiếu rủ ngay trên đầu, rung rung, trông kỳ cục không chịu nổi. Cái giới nghệ sĩ buồn cười thật. Chả hiểu họ muốn gì trong đời.

Vợ ơi! Em mà gặp họ trong nửa buổi thôi, chồng em sẽ thành "người trong cõi mộng" của em ngay. Chả hiểu ông nghĩ gì về quan hệ kỳ cục của ông và tôi nữa. Chúng tôi biết rất rõ về nhau. Lại hình như chẳng biết gì. Mà cũng chẳng định tìm biết thêm gì. Hồi đầu, tôi nghĩ ông lấy tôi làm mẫu nghiên cứu tâm trạng gì đó. Tưởng bở! Ðôi khi có những người ngẫu nhiên quen nhau, biết chắc không bao giờ gặp lại hoặc biết chắc không có một người quen chung nào khác, người ta có thể dốc ruột dốc gan mà không sợ. Không sợ bị hiểu đúng. Tôi và ông là những người như thế. Ðúng hơn là tôi thôi, trong sự hiểu biết lẫn nhau này. 

Từ hồi quen ông tôi mở rộng phạm vi đọc. Tôi có một cái thú riêng khi xem sách của ông và mấy ông nhà văn bạn ông. Ngoài đời họ hình như gàn dở, còn hơi tầm thường nữa. Họ khác hẳn trong sách của họ. Khác chứ không hẳn là hay. Kể cả truyện của ông. Nghe đâu hồi tôi còn học phổ thông ông đã ăn cái giải nhất trong cuộc thi sáng tác đề tài công nhân trí thức gì đó. Truyện ấy tôi xem thấy nhạt lắm. Ông hỏi, tôi thú thật. Tưởng ông cáu. Nhưng ông cười: - Có thế mình mới được giải. Cậu tưởng! Quan trọng lắm! Sau đận ấy mình được mời đi nhà nghỉ sáng tác, ăn không mất tiền, chẳng phải ơn ai. Mấy tháng chứ đâu phải bỡn. Về, lại được vào nhà xuất bản. Thế mới có hộ khẩu, mới được làm dân Hà Nội lại. Ðâu có như cậu, mang tiếng dân Hà Nội chẳng qua vì được phân công công tác ở đây. Cậu ấy à, có lột ba lần da thì nhà quê vẫn hoàn nhà quê. Này! Có lần mình đi với bọn Phạm Tiến Duật, bọn Nguyễn Ðình ảnh, chúng nó cũng chịu đấy. Mà chúng nó giờ như ma xó ở đất này chứ đâu có ù lì như cậu. Có vẻ như ông không muốn nhìn lại tác phẩm ăn giải đó của mình. Nhưng tôi cứ "chì": - Chả lẽ anh định viết như thế mãi? Hỏi. Rồi tự trả lời: - Thế thì cũng như bọn em. Là kỹ sư mà không đề tài, không công trình, không tiền. Mà lại làm ở viện, "viện sĩ" chứ không phải chơi đâu. Nhưng bọn em thì chẳng ai biết đấy vào đâu, chẳng dối ai, ngoài ông nhà nước. Như thế có khi còn tử tế hơn. - ... - ... 

- Này! Ðọc đi! Và khép miệng lại! Ðừng nhiếc nữa! Ông nhét vào tay tôi một tập giấy đánh máy, rồi bỏ đi. Chắc ông quên không cúi người, đầu va đánh cộp vào cái khung trên cửa. Nhưng ông cứ thế đi thẳng. Tôi đọc. Rồi tôi để cẩn thận lên mảnh ván kê mấy viên gạch ông dùng làm chỗ viết. Rồi về. Tôi không nói gì lại với ông. Ông cũng không hỏi tôi. 

*** 

Dễ tới gần mười lăm năm... Từ lâu, ông đã rời căn phố nhỏ luôn âm vang tiếng chuông nhà thờ. Ông vào Sài Gòn, làm báo, lấy thêm hai ba đời vợ. Tôi thì đã ly dị vợ cũ và cưới vợ lần hai. Vợ tôi giờ cũng chẳng khác gì người vợ trước. Cũng tần tảo, bẳn gắt, có bằng đại học song không nhớ gì chuyên môn, vì đã ghi trong đơn xin việc: "Sẵn sàng làm bất cứ công việc gì tổ chức phân công". Song tôi đã thôi không thất vọng nữa về đàn bà. Tôi còn thấy mừng: đương kim vợ cũng giống cựu vợ. Không có các cô ấy dễ là tôi cũng giống như ông hồi còn qua lại nhà ông. Mà tôi thì chỉ thích đứng ngoài nhìn dân nghệ sĩ sống thôi. Bảo sống như họ, tôi vái. Mấy thằng như tôi chỉ thích đủ sống bằng lương, đi thư viện, xin được kinh phí làm đề tài, đề tài được ứng dụng. Ðấy là ban ngày, còn tối thì được về nhà, với vợ. Vợ tôi thích đọc lắm. Có rất nhiều thứ hợp tạng cô ấy. Cũng không đắt. Báo nào cũng ra phụ trương, chữ lòe nhòe, mù mịt, nhưng bán lại chạy. Nhà tôi đầy loại đó: "Hạnh phúc gia đình", "Công an Hà Nội", "Công an thành phố Hồ Chí Minh", "Tuổi xuân"... Tôi cũng nhiễm thói ham đọc những sách báo mang tính phổ cập toàn dân này của vợ. Ðọc chúng để còn nói chuyện với nhau. 

Buổi tối, trước khi mở máy chữ - công cụ lao động chính và phụ - vợ tôi bảo: - Có bài "Làm thế nào để giữ gìn hạnh phúc gia đình khi các con đã lớn". Anh phải đọc đi! Tôi đọc. Bài ấy. Xong. Giở trang: "Mộ - Ðặng Hoàng - Truyện ngắn". Ðấy là cái truyện dạo nào tôi đã đọc. Tập giấy đánh máy ấy còn nhiều chữ viết tay khác: "In ngay" - Thế Hải - Biên tập viên - Tác giả "Ði Bước Nữa". "Hay" - Tô Ngọc. "Ðưa in rồi chuồn"... Một chữ ký loằng ngoằng. Ðại loại là những câu nửa nghiêm túc nửa cười cợt. Người viết là bạn bè cùng giới với ông, có nhiều người dân "ngoại đạo" chúng tôi cũng biết tên. Ðọc truyện, tôi nổi da gà. Dữ dội. Và buồn quá. Chẳng giống với những gì tôi học thời phổ thông hay những cái in ra hàng ngày. Tôi không nói gì lại với ông. Tôi đủ hiểu rằng truyện ngắn ấy không thể in được. Bạn văn cảm thông với ông, mừng với ông vì những dòng ông viết được. Nhưng lòng can đảm của họ, và của ông chỉ đến thế. Ông không dám đưa in. Mà cũng chẳng ai dám cho in một tác phẩm như vậy: Người cha - Ðứa con bị chối bỏ - Sự vô nghĩa của những lời kêu gọi - Sự phản trắc và đạo đức giả - Cái chết của đứa con và nỗi kinh hoàng của người cha khi nhận ra con mình - Sám hối - Nấm mồ và ký ức về tội lỗi - Không thể quên vì quên có nghĩa là tự tha thứ... 

... Giá mà ngày ấy truyện của ông được in ra. Chắc sẽ lắm ồn ào. Những tác phẩm như thế, tôi tin là các ông vẫn âm thầm viết, âm thầm giữ cho mình. Ai? Trong số những nhà văn tôi đã gặp ở nhà ông? Ai? Trong số những nghệ sĩ tôi chưa gặp? Tôi hiểu vì sao giờ "Mộ" của ông được in ra. Nhưbg tôi không hiểu vì sao ông lại đưa in. Muối mặn để lâu tan thành nước chỉ còn vị chát. Mà sao ông lại cho in ở một tập san lá cải đến như vậy? 

Có lần vào Sài Gòn tôi gặp ông. Công ty tôi tổ chức lễ báo cáo thành tích cuối năm, mời cả nhà báo. Ông cũng tới. Hỏi ông chuyện nghề, ông không cười, bảo: - Giờ mình dừng viết truyện, làm báo linh tinh thôi. Cậu nhớ có lần mình bảo thà đừng gặp lại người yêu đầu đời không? Thiết tha lắm mà đến lúc được sống chung thấy nhạt hoét, đâm bực mình. Chỉ tại mình đuối rồi. Mình viết truyện ngày trước cũng thế. Viết mãi, viết mãi, cuối cùng chỉ để đôi ba thằng đọc với nhau, khen rồi muốn khóc với nhau. Giữ bản thảo mãi đến lúc được in thì chả muốn nữa. Ðọc lại, rồi đọc bọn trẻ bây giờ, thấy họ tinh, sắc hơn mình, cũng dũng cảm hơn lũ chúng mình, cả lúc này, cả trong thời trẻ như họ. Vậy là "dụt" luôn cho xong. Tôi rụt rè hỏi ông về truyện "Mộ". Mặt ông méo đi: - Vợ mình nó gửi. Nó bảo hết tiền chợ. Rồi ông cười. 

Hà Nội,1991




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC