Tôi đã không phải kí vào bất cứ giấy tờ nào khi nhận tờ séc ấy, nhưng thời gian đã giúp tôi cũng hiểu rằng: Bất cứ sự giả dối, lòng tham nào cũng có cái giá của nó.
Gia đình tôi theo đạo Phật. Mẹ tôi thường đi lễ chùa. Khi tôi lớn lên, cha tôi có lần nói, có một đấng siêu nhiên chi phối chúng ta và, với mỗi dân tộc, với mỗi niềm tin khác nhau, đấng tối cao ấy sẽ hiện ra với các hình hài khác nhau. Với dân tộc chúng ta là Phật, với châu Âu là Chúa... Có lẽ vì như vậy, tôi không theo một tôn giáo nào, nhưng đều kính cẩn, khi bước vào nhà chùa, cũng như khi tôi bước vào một nhà thờ Tin lành hoặc Gia tô.
Tôi sang Đức từ 1988, tới 1996 thì lập gia đình lần thứ hai và may mắn sao cũng năm ấy vợ tôi sinh con gái. Ở Đức có nhiều tổ chức làm từ thiện. Họ làm nhiều việc khác nhau và có tổ chức giúp đỡ các trẻ sơ sinh khi cha mẹ túng thiếu. Có tổ chức từ thiện do hệ thống nhà thờ Gia tô giáo lập ra, nằm ở tất cả các bang Đông cũng như Tây Đức. Khi con gái của tôi ra đời, nhiều người khuyên tôi tới tổ chức này xin tiền. Tôi cứ nấn ná mãi bởi thực chất việc buôn bán kinh doanh từ năm 1989 tới năm ấy chúng tôi có thu nhập rất khá.
Nhưng do tâm lý luôn luôn lo lắng, bất an khi ở xứ người nên cũng như nhiều gia đình Việt khác, vợ chồng tôi đều gửi tiền về nhà hai bên nội ngoại. Ở Đức cũng còn ít tiền nữa, tuy không nhiều, nhưng cũng đủ chi dùng mà không cần phải xin tiền của nhà thờ. Vợ tôi lại nghĩ khác, bảo nay ở đây nhưng mai biết đâu lại về Việt Nam nên cứ thúc giục tôi tới xin tiền nhà thờ. Nghe vợ nói nhiều lần và cũng bùi tai, tôi đã tìm đến tổ chức từ thiện đó nhờ vả khi con gái được hơn 1 tháng tuổi.
Tiếp tôi ở cơ quan từ thiện này là một bà sơ Đức có đôi mắt rất đẹp. Bà đội cái mũ màu trắng làm nổi bật mái tóc vàng, tôn thêm khuôn mặt phúc hậu. Nghe tôi trình bày rõ lí do và đọc tờ giấy tôi kê khai những vật dụng cần mua như máy giặt, cũi, địu, xe đẩy, tủ lạnh v.v...với tổng số tiền là 5000 D.m, bà sơ chậm rãi nói: - Thưa ngài, nhà thờ không có tiền đâu. Tiền ở đây do các con chiên đóng góp. Ngài tới xin vào cuối năm nên chúng tôi cũng cạn tiền rồi.
Khi quay lại, bà sơ mỉm cười rồi trao cho tôi tấm séc ghi rõ con số 5000 D.m, đúng với số tiền tôi xin, không bớt một xu (ảnh minh họa)
Nhưng không biết có phải do nụ cười gượng gạo của tôi khiến bà sơ ái ngại không mà khi nghe tôi nói “Vâng, cám ơn“ và đứng lên định ra về thì bà lại mỉm cười bảo: - Ngay bây giờ, như tình trạng tôi mới nói, nếu Chúa chỉ có ít tiền cho con ngài, không thể đủ những yêu cầu mua sắm mà ngài đưa ra thì ngài có nhận không? Tôi ngồi yên lặng một lát, rồi nhìn thẳng vào mắt bà nói: - Thưa bà, gia đình tôi lo đói nghèo mà tới đây xin tiền mua ít đồ cho cháu. Nhưng với dân tộc tôi, tiền không chỉ là giá trị ở số lượng, mà còn là sự may mắn, là phước mà con tôi được nhận từ Chúa. Chính vì thế, nếu nhà thờ cho 1 D.m, tôi cũng vui lòng nhận. Bà sơ lại mỉm cười và bảo tôi ngồi chờ ít phút. Sau đó, bà quay lại với tấm séc trong tay. Sơ trao cho tôi. Tờ séc viết rõ con số 5000 D.m, đúng với số tiền tôi xin, không bớt một xu. Tôi nhận xong rồi mà vẫn chần chừ. Thấy vậy bà sơ bảo - Ngài có thể ra về, mọi việc xong rồi. - Tôi không phải kí vào giấy tờ nào ư? - Tôi hỏi. - Không! - Bà sơ nói. Tôi không phải kí vào bất cứ giấy tờ nào sau khi nhận tờ séc ấy, ngoài việc đưa cho bà sơ một tờ phô tô giấy chứng sinh của con gái tôi do nước Đức cấp và một bản kê những vật dụng tôi cần mua. Điều đó khiến tôi rất lấy làm lạ. Làm sao người ta có thể giao cho mình một số tiền như vậy mà không cần ký tá gì? Tôi đem chuyện này kể với một trí thức, bạn tôi, là người Đức, ông nói: - Tiền ấy là của con Chúa tức là của Chúa. Người ta nhân danh Chúa trao cho mày, thì mày phải chịu trách nhiệm trước Chúa, chứ không phải là bà sơ ấy. Cho nên, họ không cần sự kí nhận của mày, ngoài bản kê và sự xác thực rằng, đã có một đứa trẻ sinh ra cần được cứu giúp.
Tôi lặng lẽ mang tiền về nhà. Chúng tôi đến siêu thị mua số vật dụng như bản kê mà không dùng một cent nào cho các việc khác. Không có một trăm nào cho vào sự tích lũy. Nhưng thật ra, trong lòng tôi vẫn rất áy náy vì mình đã nói dối, đã không thật lòng trước Chúa. Sự áy náy đeo đẳng suốt 20 năm sau đó.
Đôi khi trong cả giấc mơ tôi vẫn thấy nụ cười nhân từ của bà sơ kia. Nó canh cánh bên tôi để thi thoảng lại bật ra câu hỏi rằng, hình như tôi đang còn nợ Chúa một khoản tiền năm ngàn D.m. Khoản tiền nhẽ ra vợ chồng tôi không được phép nhận. Khoản tiền ấy đáng ra để dành cho các gia đình thực sự túng thiếu, không có một mác để dành cho con cái mới sinh...
Năm tháng qua đi, tâm sự với bạn, tôi đã nhận ra rằng, rất nhiều khoản tiền đã đội nón ra đi, lớn hơn rất nhiều số tiền mà tôi đã nhận năm ấy (ảnh minh họa)
Năm tháng qua đi, trải qua bao biến động khiến tôi nhận ra rằng tiền rất quan trọng nhưng không thể mang lại hạnh phúc nên quyết định bỏ hẳn việc buôn bán để chuyển sang viết văn. Dù viết văn thì luôn nghèo hơn là kinh doanh buôn bán. Nhưng còn một sự thật nữa là, từ sau khi nhận số tiền ấy, chúng tôi liên tục làm ăn không may mắn.
Rất nhiều khoản tiền đã đội nón ra đi, nó lớn hơn rất nhiều số tiền mà tôi đã nhận năm ấy. Tôi luôn dằn vặt mình trong suốt 20 năm, rằng sao khi đã hơn bốn mươi tuổi đầu, trải qua bao nhiêu thăng trầm mà tôi vẫn không chiến thắng bản năng tham lam của mình
Và, tôi cũng tự an ủi về sự mất mát tiền bạc quá lớn, gần như cả cơ nghiệp rằng nhân nào thì quả đấy, có ai đó đã lấy lại số tiền mà tôi đã nhận của họ để không luyến tiếc và xót xa. Tôi cũng không ân hận khi từ bỏ kinh doanh để trở thành nhà văn sống đạm bạc, tử tế với bạn bè, đồng loại và gia đình và bằng lòng với những gì tự làm ra từ đôi bàn tay trong sạch của mình.
Năm ngoái, bên quán nước ven hồ Thiền Quang, tôi kể lại chuyện này cho bạn tôi, họa sĩ Phan Cẩm Thượng. Anh cũng là một nhà nghiên cứu tôn giáo và văn hóa. Tôi kể về món tiền tôi đã nhận từ Chúa. Tôi nói cho anh về sự day dứt của một tâm hồn đã bị tổn thương và đau khổ. Phan Cẩm Thượng thong thả an ủi:
- Giờ thì chẳng ai bắt tội anh nữa cả. Một là anh đã mua những vật dụng đúng như lời anh nói với Chúa. Hai là anh đã hiểu và ân hận. Như thế là đủ cho lòng anh an bằng và trong sáng trở lại. Ôi, sự an bằng và trong sáng cần những 20 mươi năm để trả một món nợ. Món nợ 5000 D.m năm ấy của tôi!
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ